"Chúng tôi muốn có những nhóm đồng đẳng..."
- Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - HIV/AIDS - căn bệnh xã hội với tốc độ lây nhiễm chóng mặt đã đem bất hạnh cho nhiều người và toàn xã hội. Vượt qua những nỗi đau, mặc cảm ban đầu, những người có HIV và nhiễm AIDS mà chúng tôi đã gặp đều mong muốn được tham gia vào các nhóm đồng đẳng để cùng sống tốt hơn, sống có ích hơn và có sự đồng cảm, sẻ chia của toàn xã hội…
Tư vấn phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở.
|
Những câu chuyện đời...
Thị xã Nghĩa Lộ vào một buổi chiều đầu năm, căn nhà lá đơn sơ của gia đình chị Nguyễn Thị G ở phường Cầu Thia như ấm cúng hơn bởi tiếng cười đùa của con trẻ... Mấy tháng trước, chúng tôi cùng đoàn công tác của tỉnh đã vào thăm hỏi và tặng quà cho gia đình chị - người đã dám đứng lên nhận mình bị nhiễm HIV. Khi đó, con trai chị (mới hơn 3 tuổi) thấy người lạ cứ nép sau lưng mẹ, người mẹ chồng đã già yếu đang ốm nằm liệt giường thấy thế cũng phải rưng rưng nước mắt...
Sinh năm 1976 trong một gia đình nhà nông ở thị xã Nghĩa Lộ, học hết phổ thông, năm 27 tuổi chị đi làm công nhân xây dựng và gặp anh Phạm Văn H, hai người nên duyên chồng vợ. Tưởng như cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sẽ tốt đẹp nhưng rồi những chuyến làm công trình xa nhà, những đêm vắng người, buồn chán đã khiến anh H mắc vào ma túy. Nghiện ngày càng nặng, anh đã chuyển qua tiêm chích, dùng chung bơm kim tiêm với những bạn nghiện và anh bị lây HIV. Thời gian này, chị chuẩn bị sinh cháu H. Không lâu sau, anh vĩnh viễn ra đi, bỏ lại mẹ con chị cùng người mẹ già yếu. Hai mẹ con chị đi xét nghiệm máu, thật trớ trêu cả hai đều nhiễm HIV!
Bàng hoàng, đau đớn nhưng không đầu hàng số phận, hai mẹ con chị đã dũng cảm nói ra sự thật để tìm sự đồng cảm của xã hội và họ đã không phải thất vọng. Bác Nguyễn Xuân Tặng - Tổ trưởng khu phố nơi họ sinh sống cho biết: "Từ khi biết mẹ con chị G nhiễm HIV, chúng tôi rất cảm thông và luôn gần gũi mẹ con chị. Đảng bộ, chính quyền địa phương, tổ dân phố, chi hội phụ nữ và bà con hàng xóm thường xuyên giúp đỡ mẹ con chị trong những lúc khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho chị hòa nhập cộng đồng và tham gia vào các công tác xã hội...".
Rời gia đình chị G, chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh chị NT ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ). Cả hai đều nhiễm virus HIV và họ cũng là những người sẵn sàng bộc bạch nguyện vọng của mình. Anh N kể: Học hết phổ thông, theo bạn bè đi buôn bán kiếm kế sinh nhai, trong vài lần bốc đồng, nhóm bạn xấu đã lôi kéo anh sử dụng ma túy, mắc nghiện và đã nhiễm HIV (chị T cũng đã bị nhiễm HIV qua chồng).
Trước đó, hai vợ chồng anh chị đã sinh được một cháu trai và may mắn thay, cháu đã không nhiễm phải loại virus quái ác đó. Anh chị cho biết, từ khi biết mình nhiễm bệnh, hai vợ chồng đã công khai việc mình bị nhiễm bệnh với mọi người. Anh chị cũng nhận được sự động viên nhiều từ các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương và bà con lối xóm. Hiện nay, anh đã cai được nghiện, anh chị mở cửa hàng tại nhà để nuôi con.
Anh tâm sự: " Mặc dù đã dám công khai bệnh, nhưng đôi lúc mình vẫn gặp những cái nhìn không thân thiện, vẫn cảm thấy buồn và cô đơn khi bất chợt có những cử chỉ xa lánh của những người xung quanh... Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại con đường tội lỗi ấy. Tiếc thay, mọi sự hối hận đều muộn màng"...
... và ước mong bé nhỏ
Có nhiều người đã buông xuôi khi nhiễm HIV và mắc AIDS, nhưng những người như anh Phạm Vĩnh N, chị Trần Thị T, chị Nguyễn Thị G ở thị xã Nghĩa Lộ; anh Hoàng Văn V, chị Hoàng Thị C, anh Nguyễn Văn B ở huyện Văn Chấn... đều là những người dám đối mặt với sự thật và luôn mong muốn có được một tổ chức để tham gia sinh hoạt tập thể, cùng nhau chia sẻ...
Đã có những nhóm đồng đẳng đi vào hoạt động rất hiệu quả ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Những người nhiễm HIV/AIDS đã tham gia hoạt động rất tích cực vào các công tác xã hội.
Những người nhiễm HIV/AIDS ở thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và các địa phương khác ở Yên Bái nói chung đều có những nhận thức nhất định về loại hình tổ chức này và cùng có chung một ý kiến: "Chúng tôi mong muốn được tham gia vào các nhóm đồng đẳng để cùng nhau sống tốt hơn, sống có ích hơn cho xã hội, góp phần đẩy lùi tệ nạn và căn bệnh chúng tôi đang mắc phải".
Đó là một mong muốn chính đáng và thực sự cần thiết với họ-những người nhiễm HIV và mắc AIDS.
Tô Anh Hải
Các tin khác
YBĐT - Với đồng lương hợp đồng 80.000 đồng một tháng, suốt hai năm liền cô chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng, phòng khi thuốc men cho trò, cho cô giữa miền sơn cước này...
YBĐT - Từ Bản Hẻo (Sơn A) bên này suối, nhìn sang bên kia thấy trập trùng mây, cây, lối mòn ngược dốc. Nơi ấy là đất An Lương, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Nói đặc biệt khó khăn không phải vì An Lương thiếu gạo, thiếu quế, ít chè. Vậy thì nguyên nhân nào khiến nơi này nghèo vẫn hoàn nghèo? Để ý, ngày ngày, dòng xe, dòng người vẫn nhộn nhịp qua Sơn A, bản Hẻo nhưng mấy ai ngược An Lương? Đường không có, chỉ toàn sương mù tan rồi sương mù lên.
YBĐT - Sau bão Trà My, rét. Tôi vượt hai trăm ki-lô-mét lên Mù Cang Chải vừa tối. Gió vi vút rừng thông. Sương giăng mờ phố núi. Ánh điện cao áp toả xuống dòng Nậm Kim lấp lánh lấp lánh. Tôi kéo ve áo cho kín cổ rồi lững thững theo con đường mòn ven suối ngược lên bản Kim Nọi, tắt ngang dòng Nậm Kim sang Chế Cu Nha. Chợt tiếng sáo Mông như bật ra từ lòng núi, đổ tràn xuống các cung ruộng bậc thang, trầm bổng: Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta theo ngọn gió về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta bám mây về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em...
YBĐT - Ngày cuối năm, thành phố Yên Bái tràn ngập những cơn gió lạnh. Khoác trên mình những chiếc áo ấm ra đường, có khi nào bạn bắt gặp hay vô tình lướt qua những phụ nữ dáng dấp quê mùa, ăn mặc phong phanh đẩy chiếc “xe” hay chính xác hơn là “quầy hàng di động” khắp các con đường, góc phố bán hàng rong với mong muốn bình dị là kiếm thêm vài ba chục nghìn đồng gửi về quê nhà nuôi sống gia đình.