Đời Rác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - …Ngột thở. Chiếc khẩu trang dày cộp chẳng giúp gì tôi ngăn những cơn ho sặc sụa trong cái oi nồng, sánh đặc của bãi rác. Những người đàn bà đang thoăn thoắt bới tìm trên "núi" rác ấy thì lắc đầu nhìn tôi ái ngại. Nhưng đấy lại là cái chốn mưu sinh của gần chục con người, hầu hết họ là phụ nữ…

Sáng này chỉ được bấy nhiêu!
Sáng này chỉ được bấy nhiêu!

5h sáng

Ánh đèn hắt ra từ phía cổng Bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ làm sáng cả một khoảng đường lúc trời chưa rạng. Bốn người đàn bà và một bé gái ngược lên con dốc trước cổng viện - con đường lên hố tập kết rác của thị xã mà bây giờ, nó chẳng khác gì một thung lũng rác ngự trị giữa đồi Pú Lo. ánh đèn điện phía sau chúng tôi mờ dần. Con đường trước mặt tối mò, chỉ có tiếng bước chân cùng với tiếng lạch cạch của mấy chiếc xe đạp cũ nát. Cơn gió sớm ngày rét tháng ba chợt tạt qua, tôi rùng mình. Bốn người đàn bà và đứa bé vẫn lặng lẽ, bình thản. Con đường này đã quá quen với họ.

Mùi nồng nặc đặc trưng của rác rưởi bắt đầu phảng phất rồi xộc thẳng vào cổ họng. Mùi sặc sụa khê khét hơn thường lệ bởi cơn mưa hồi đêm không đủ làm tắt hẳn bãi rác đang thiêu đốt. Mấy người đàn bà nhìn tôi ái ngại, họ lục cục dựng xe, xông thẳng ra giữa bãi. Tôi giơ tay ra trước mặt, bàn tay còn chưa rõ ngón. Chẳng biết có những thứ khủng khiếp gì ngồn ngộn dưới chân, chỉ thấy lố nhố đen trắng nhờ nhờ, mùi rác rưởi bốc lên khủng khiếp, chân đạp bừa lại gần chỗ họ: "Tối thế này thấy gì mà nhặt?". Người đàn bà tên Chắt vừa vơ một cái gì đó cho vào bao mang theo bảo: "Quen rồi, rờ là biết cái gì dùng được ấy mà. Ví như chỗ này là chỗ rác mới đổ hồi đêm, ngửi mùi là biết". Cả mấy con người cứ cặm cụi rờ rẫm trên đống rác ngập ngụa. Cái mùi khói của rác rưởi còn khủng khiếp hơn khi đứng giữa bãi thế này. Xung quanh, những tiếng o o của côn trùng và muôn vàn tiếng o o gì nữa mà tôi chưa nghe thấy. Đồng hồ chỉ: 5h sáng.

Mưu sinh

Khi bắt đầu nhìn thấy rõ những tảng khói là là, cả cái bãi rác lồ lộ đủ thứ phế thải khủng khiếp. Tiếng o o khi trước là của lũ ruồi nhặng và muỗi. Trên đống rác mà khi nãy cả thảy mấy con người nọ cùng lần mò nhặt nhạnh đầy những mảnh vỡ của bát, của chai lọ, kim tiêm... Chỉ có duy nhất cô Chắt đeo đôi ủng cũ mèm. Những người còn lại chỉ đi trên những đôi dép lê. Người đàn bà nhỏ bé nhất trong số đó lại xỏ chân vào hai chiếc giày không phải của một đôi: chân trái là chiếc giày da, chân phải là chiếc giày thể thao. Nhưng dẫu sao những đôi chân ấy còn được cách mặt rác bởi giầy, dép chứ  cả thảy mười bàn tay trần khi tối lần giờ trên bãi rác. Nghĩa là những bàn tay ấy có thể động vào bất cứ thứ gì trên bãi rác này nhưng cô Huệ, người đàn bà nhỏ bé nhất bảo: "Đeo găng tay vào vướng víu, khó làm lắm. Nếu sứt sát gì, về ngâm nước muối là hết". Khi những thứ dùng được ở bề mặt trên cùng đã hết, họ bới xuống lớp rác phía dưới bằng những chiếc que sắt. Xới hết lượt đống rác mới đổ gần nhất, mỗi người lại toả ra mỗi góc, cơi xới, lượm lặt và đấy là những chỗ mà hôm trước họ đã từng nhặt, từng bới. Cơi lớp rác vẫn đang âm ỉ cháy, em gái dí sát mặt xuống thổi lửa, rồi châm lửa vào những sợi dây điện, nhựa cháy nhỏ xuống xèo xèo để trơ lại những sợi đồng mảnh dẻ.

Rinh - tên cô bé, đã lẩn tránh câu hỏi về bố mẹ của tôi, ngẩng lên nhìn cô Huệ, hoá ra đấy chính là mẹ em. Cô Huệ ngưng tay, thẫn người: "Tôi theo các chị đây nhặt rác được hơn một năm rồi, còn em nó mới đi vài tháng. Nó bảo nó kiếm tiền để nộp học nên nằng nặc đòi đi theo mẹ. Nhà có hơn sào ruộng nhưng ruộng lại cao hơn lòng suối, thành thử chả cấy hái được, chỉ để trồng rau màu.. Thêm ông chồng mấy năm nay ốm đau đã chẳng đi làm được gì. Đi nhặt thế này, cũng chỉ đủ cơm từng ngày. Thằng em cái Rinh thỉnh thoảng cũng lên đây nhặt cùng, cô ạ".

 Một năm nhặt rác - mẹ con cô Huệ người bản Chao (xã Phù Nham - Văn Chấn) này là người vào nghề muộn nhất so với chị em. Cô Chắt - người xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) nay ở tuổi 57 đã làm  công việc này được 3 năm: "Ngày trước còn khoẻ thì đi làm hàng xáo, làm thuê. Giờ già không ai mượn nữa. Ông chồng tôi không nghiện rượu nhưng thần kinh không ổn định, cũng chẳng làm lụng được gì mà nhiều lúc còn đuổi đánh vợ. Mấy đứa con có gia đình đều chung cảnh nghèo cả. Còn thằng út vừa bỏ học lớp 9 để đi làm thuê trên Lào Cai". Cái giọng khàn khàn - người đàn bà ấy khóc.

Nhặt rác từ khi bãi rác của thị xã Nghĩa Lộ mới hình thành ở bên suối Thia không chỉ có cô Chắt, mà còn có cả chị Lan và chị Hải - hai người phụ nữ trạc tuổi 35, 36 vẫn lặng lẽ suốt buổi như không muốn động đến chút nào về cái sự mưu sinh của họ. Cô Huệ cho biết thêm, thường ngày con gái chị Hải cũng đi cùng nhưng mấy hôm nay nó ốm. Cả thảy có khoảng 9 con người mưu sinh trên bãi rác này. Hầu hết họ là những người đàn bà gốc gác Thái Bình, Nam Định lấy chồng người Thái ở xã Phù Nham, Nghĩa Lợi. Phải nói thêm rằng, rác thải khi đã ra đến bãi này cũng chả còn được bao nhiêu thứ giá trị, bởi những người thu gom rác cũng đã lượm lặt trước rồi. Cô Chắt cho hay, cái giá của phế liệu từ bãi rác cũng bị trả rẻ hơn từ 1 đến hai ngàn đồng giá phế liệu từ người thu mua lẻ: 3000đồng/kg nhựa, 2000đồng/kg sắt, 200đồng một cái chai nhựa…

Cơn mưa chợt đổ ập xuống làm cho thung lũng rác thêm phần lầy lội. Mẹ con cô Huệ tất tả chạy xuống phía chân bãi rác. Họ hoàn tất công việc rửa những chai lọ, nhôm đồng trong cái hủm nước chảy ra từ đống rác tụ đọng lại rồi lại rửa lại chân tay vào chính hủm nước đó…Tất tả chằng những bao phế liệu lên xe. Cô bé Rinh gò lưng đạp xe lai mẹ vì mẹ em đâu có biết đi xe. Cái bóng nhỏ bé của Rinh như một dấu chấm hỏi mờ dần trong làn mưa trắng xóa…

Nhật Minh
(Dự thi ký sự, phóng sự)

 
Anh trong: Cho một ngày cơm.

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục