"Cảnh sát làng"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2007 | 12:00:00 AM

Xóm làng đang bình yên bỗng xáo trộn, cảnh chích hút, mua bán ma túy diễn ra từ đầu làng đến cuối làng giữa thanh thiên bạch nhật. Kim tiêm chỏng chơ, con nghiện vật vờ, cướp giật, trộm cắp, đâm chém khiến tình hình bất an.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng của Đội tự quản.
Một cuộc hội ý chớp nhoáng của Đội tự quản.

Sáu người trong làng đã tình nguyện lao vào vòng nguy hiểm quyết giành lại sự bình yên cho người dân. Chuyện hiếm có ấy đã và đang diễn ra ở thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên).

 

Lá đơn tuyên chiến với ma túy

 

Tôi gặp ông Nguyễn Văn Giới khi ông vừa đổi ca cho anh em trong một kíp trực. Ông bảo: “Mình phải trực 24/24, như thế mới không để lọt tội phạm”. Ông Giới là đội trưởng Đội tự quản chống ma túy của thôn.

 

Nhớ lại những ngày đầu ông kể: “Năm 1999 vấn nạn ma túy tác oai tác quái ở Ngọc Quỳnh, chính quyền địa phương cũng không dẹp nổi, tôi chỉ còn cách viết đơn cầu cứu sự trợ giúp của Ủy ban Phòng chống ma túy quốc gia”. Khi các lực lượng trinh sát về địa phương chính ông Giới đã trực tiếp chỉ dẫn cho họ hốt gọn các tụ điểm ma túy.

 

Nhưng xóm làng chỉ bình yên được một thời gian, năm 2002 bọn tội phạm lại trỗi lên hoạt động, trắng trợn hơn, nguy hiểm hơn. Không cam tâm ngồi nhìn con em bị ma túy cám dỗ, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ ông tiếp tục viết đơn với đầy đủ chữ ký của các thành viên tình nguyện gửi thôn Ngọc Quỳnh, UBND thị trấn Như Quỳnh xin lập Đội tự quản phòng chống ma túy. Yêu cầu của ông được chính quyền và nhân dân chấp thuận và hưởng ứng.

 

Tháng 12/2002, Đội tự quản chính thức ra đời với 6 thành viên: Nguyễn Văn Giới, Đỗ Văn Thành, Mai Văn Liên, Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Lê Toàn, Ngô Huy Cường (Cả 6 người đều là cựu chiến binh, người ít tuổi nhất đã 52, người lớn tuổi nhất 73 tuổi).

 

Đội lấy trụ sở thôn làm “tổng hành dinh”, chia làng làm ba điểm chốt trực, tuần tra 24/24. Sau buổi họp ra mắt, một chiến thuật tác chiến đầu tiên được các thành viên thống nhất là “cắt cung- cô lập cầu”.

 

Đối mặt

 

Những chiến thuật đặc công, trinh sát thời chiến được các thành viên linh hoạt cải tiến áp dụng ngay trong làng. Anh Thành là nhân viên Cty bảo hiểm, ông Liên thu tiền điện của thôn nắm thông tin từ quần chúng, anh Quân bỏ mối bánh chưng quanh vùng dò la tin tức, ông Toàn, ông Cường chủ quán ăn chuyên quan sát những đối tượng khả nghi... Vì vậy, tất cả những động tĩnh trong làng đều nằm trong “tầm ngắm” của Đội tự quản.

 

Chỉ vào vết sẹo trên bàn tay, anh Thành kể: “Chỗ này từng dính răng của một tên nghiện nhiễm HIV đấy. Tôi phải đi xét nghiệm tới ba lần vợ con mới hoàn hồn”.

 

Số là một lần hai kẻ nghiện nhiễm HIV giai đoạn cuối ngồi ngay trước cổng nhà anh chích thuốc, anh nhắc nhở thì một đối tượng tên Quang cầm kim tiêm vấy máu thách thức: “Có giỏi thì vào đây bắt tao đi”.

 

Biết nguy hiểm nhưng anh Thành kiên quyết bắt bọn chúng để làm gương, anh tức tốc vào nhà tháo vỏ chăn trùm lấy hắn rồi vác một mạch về công an thị trấn xử lý. Vết sẹo ở tay chính là do trong lúc xô xát, tay anh va vào răng của tên Quang.

 

Nhiều lần Đội tự quản đã phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên và Đội chống ma túy huyện Văn Lâm bắt giữ nhiều tên trùm ma túy nằm vùng. Còn nhớ năm 2002 tên trùm ma túy khét tiếng Cao Văn Ba, dạt từ Tuyên Quang xuống nương náu ở Ngọc Quỳnh. Đội tự quản đã hỗ trợ đội trinh sát chống ma túy tỉnh bắt gọn tên Quang khi hắn đang móc nối với ổ nhóm ở Ngọc Quỳnh.

 

Bốn năm tội phạm ma túy hoạt động cao điểm (2001-2004), các thành viên Đội tự quản chưa hề được ăn cái Tết nào trọn vẹn. “Lợi dụng thời điểm nhạy cảm này bọn tội phạm ồ ạt  “ăn” hàng và “đổ” hàng. Bốn năm ròng anh em trong Đội tự quản đều phải đón giao thừa ở ngoài đường để giữ cho dân một cái Tết bình yên” - anh Ngô Huy Cường tâm sự.

 

Còn ông Toàn cho biết: “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi không chỉ là bọn tội phạm mà chính là sự không hợp tác, cản trở của gia đình có đối tượng nghiện.

 

Họ chửi bới, miệt thị chúng tôi là “đồ gàn dở”, thậm chí còn đe dọa về tinh thần. Vợ con cũng can ngăn vì sợ mình gặp nguy hiểm. Nếu không tâm huyết chắc chắn dễ chán nản mà bỏ nghề. Nhưng đấy là ngày xưa, bây giờ dân ủng hộ lắm, hòm thư tố giác lúc nào cũng đầy thư”.

 

Trong lúc công việc căng thẳng, một món quà tinh thần động viên các thành viên Đội tự quản rất nhiều - cụ Giới được Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm gửi giấy mời dự Hội nghị công tác phòng chống tội phạm ma túy (giai đoạn 1998- 2005) tại Hà Nội.

 

Chiến dịch “5 không, 3 có”

 

Vừa đối mặt với tội phạm ma túy, Đội tự quản vừa đến nhà vận động, giúp đỡ con em trong làng cai nghiện. Trong hơn ba năm riêng ông Giới đã đưa bốn thanh niên nghiện ma túy là con em trong làng về cai nghiện ngay trong nhà mình.

 

Đêm hôm ông thức cùng người nghiện để giúp họ cắt cơn, rồi tích cóp, dành dụm được bao nhiêu tiền lương hưu, không kể nắng mưa ông lặn lội lên tận Trung tâm cai nghiện ma túy ở Bắc Giang để mua thuốc cai cho họ.

 

Không phụ công lao của ông, cả bốn thanh niên đều cai nghiện thành công. Sau khi đoạn tuyệt với ma túy, ông tiếp tục giúp họ vay vốn học nghề, mở cửa hàng kinh doanh.

 

Hai trong bốn người từng được ông Giới cai nghiện là Lê Văn Thạch và Ngô Văn Hòa đã nhận ông Giới làm ông đỡ đầu, cả hai thường xuyên lui tới thăm hỏi chăm sóc ông. Vui hơn họ đã giúp đỡ, hỗ trợ công việc cho Đội tự quản rất nhiều. Lê Văn Thạch cảm động nói: “Trước đây tôi đã sa vào tệ nạn, tưởng cuộc đời chấm hết nhưng không ngờ nhờ bác Giới và Đội tự quản tôi lại có được ngày hôm nay”.

 

Còn ông Giới thì quyết tâm: “Tách được “bóng ma” ra khỏi con em mình tôi mừng lắm. Chắc chắn những năm tới tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình cai tại nhà này”.

 

Trưởng thôn Ngọc Quỳnh Nguyễn Công Nghiệp cảm kích: “Có Đội tự quản hai năm nay Ngọc Quỳnh gần như sạch bóng ma túy, con em chúng tôi không sa vào tệ nạn, Trường PTTH Ngọc Quỳnh vừa đạt chuẩn quốc gia. Trong làng ai nấy yên tâm ăn ngon ngủ yên vì “đã có mấy bác tự quản”.

 

(Theo HNMĐT)

Các tin khác

Tôi may mắn ở cùng một phòng trên tàu và nhờ vậy được tiếp xúc với "hồi ký miệng" về biển của thượng uý hải quân Trường Sa - Đồng Minh Sĩ và nhà báo Phan Tô Hoài của chuyên mục Biển đảo Việt Nam - Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh.

Lính đảo Trường Sa Đông đón các nữ khách quý.

Sóng. Đó là kỷ niệm lớn nhất của tôi trong suốt chuyến hải hành đến vùng biển đảo Trường Sa - cực đông tổ quốc. Sóng biển mạnh "kỷ lục" suốt hơn 1.000 hải lý hành trình, vẫn không át nổi sóng tình rung động không ngớt trong lòng mỗi người, dù ở đất liền ra hay ở ngay đảo.

YBĐT - Với vùng chè tuyết cổ thụ, rõ ràng đây là một câu chuyện buồn. Buồn cho cả các cấp quản lý, buồn cho cả những người dân đã thu được bạc triệu từ việc bán những cây chè.

Lắc lư cả đêm trên tàu rồi lại ngồi nghiêng ngả trên ô tô vượt những cung đường đèo dốc, tôi mất đúng 10 tiếng đồng hồ mới tới thị trấn du lịch Sa Pa. Người bải hoải, rệu rã và đau nhức. Thấy cái bộ dạng thiểu não của khách, Phúc - anh bạn người địa phương - tặc lưỡi, gạt phắt lời đề nghị được nghỉ ngơi của tôi. “Ngủ làm gì cho phí”, rồi anh kéo tuột tôi đi giao cho… ông chủ nhà tắm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục