Tan tác một đàn voi - Kỳ 1: Voi về làng
- Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2007 | 12:00:00 AM
Mất dần những tán rừng chở che, lại bị con người săn giết dã man, trong nỗi đau tan tác bầy đàn, như một phản ứng tất yếu trên bước đường cùng, những con voi hoạn nạn còn lại đã đi về phía những xóm làng để kiếm cái ăn, kiếm sự chở che. Và người dân khổ sở.
|
Năm nào voi cũng về
Chuyện voi về làng với người dân thị trấn Bắc Trà My (Quảng Nam) bây giờ không còn là chuyện lạ như xưa nữa. Sáng sớm 27-10-2005, một con voi cái bất ngờ xuất hiện giữa thị trấn Bắc Trà My, hết đâm vào những hàng rào lại bước vào sân nhà dân, đi trên đoạn đường nhựa trước cổng bệnh viện huyện trong tiếng la hét ầm ĩ của đám đông. Sau gần một giờ bị vây đuổi giữa phố phường, con voi đã ra khỏi thị trấn, tìm đường vào rừng trong nỗi kinh hoàng của nó và của cả con người.
Đàn voi rừng Tiên Phước, Trà My ở tỉnh Quảng Nam từ chỗ hàng trăm con nay chỉ còn lại dăm ba con, lại toàn là voi cái. Thịt, ngà và xương của chúng bị săn lùng ráo riết. Những con vật khổng lồ này ngã xuống trong nỗi đau đớn tận cùng của chính nó và bạn bầy còn lại. Nước mắt của đàn voi cũng là nước mắt của rừng bị phá tan tành, của con người khổ sở, chết chóc trước phản ứng giận dữ của đàn voi. |
Nỗi khó khổ của người Cadong nơi mảnh làng heo hút này đã tăng thêm bội phần bởi đàn voi đã “đóng đô” luôn ở vùng nương rẫy suốt từ đó đến giữa tháng 3-2007 chứ không phá hại vài bữa rồi đi như ở các nơi khác. “Chúng mới ra khỏi làng mình chỉ nửa tháng nay, phá hại của nhà mình hết hai rẫy lúa 15 ang giống (chừng 1,5ha), một rẫy sắn, một rẫy khoai lang. Nhà mình có đến bảy miệng ăn, vậy mà chỉ mót lại được chừng mươi lăm gùi thóc, còn sắn, lang cũng bị chúng phá sạch, làm sao mà không đói” - già Dút nói, chỉ vào nhà kho chứa thóc trống không. Chín hộ còn lại trong làng cũng hệt như tình cảnh ông Dút. “Năm ngoái voi quần vào làng rục rịch cả đêm, quật ngã chái hiên nhà ông Mười, ai cũng điếng hồn” - anh Hồ Văn Trương, trưởng dân quân thôn, kể.
Không như ở làng Ông Dút, người làng Cao Sơn (thị trấn Bắc Trà My) đã phải chịu khổ với voi ròng rã nhiều năm. “Từ năm 1991 đến nay đàn voi chỉ bỏ sót năm 2006, còn lại năm nào cũng về phá rẫy phá ruộng của dân. Khổ riết rồi quen, cứ ráng mà chịu” - già làng Trần Xuân Dê nói. Nặng nhất là tháng 10-2005, đàn voi đã về ăn sạch rẫy nương của 10 hộ trong làng. Bị voi phá mãi rẫy nương, vườn tược, cuộc sống của cư dân nơi lũng làng heo hút càng chìm trong cảnh khó nghèo. “Bà con mình ai cũng muốn dời nhà đến chỗ khác ở. Nhưng đến chỗ mới biết lấy gì sống, bởi vậy nên phải ráng chịu”, ông Đinh Văn Xếp - người có nhà bị voi quật ngã mái hiên năm 2005 - buồn bã nói.
Vườn hoang nhà trống
Đồi núi xác xơ. Những mái nhà nhỏ nhoi chìm khuất dưới những lùm cây. Những mái trại hoang tàn bên những khu vườn bị bỏ phế. Đồng ruộng rậm rì cỏ dại. Đó là tất cả những gì phơi ra nơi thung lũng Ba Nguyên - vùng đất trù phú trước đây ở khu Nà Thao thuộc xã Tiên Hiệp. “Vậy cũng còn khá hơn mấy năm trước. Cũng may từ năm 2004 đến nay đàn voi không về phá nên bà con mới bắt đầu làm lụng lại, nếu không thì...”, anh Lâm Quang Minh - người cố trụ lại làng trước áp lực xâm hại của đàn voi suốt nhiều năm nay - nói. Theo anh Minh, cũng do vùng rừng núi nơi đàn voi sinh sống bị con người tàn phá nặng, lại bị săn giết liên tục, từ năm 1990 đàn voi bắt đầu tìm ra vùng rẫy nương của cư dân Nà Thao. Trong khi nguồn thức ăn ở rừng đã cạn, về làng có được lúa, sắn, chuối, cau để ăn, lại không bị con người làm hại, đàn voi ngày càng quen miệng quen đường, quen cả cảnh hò hụi, xua đuổi của dân làng. Vậy là nỗi khổ của người dân ở đây ngày một tăng lên.
“Khổ mãi với đàn voi về phá nên không khá lên được. Năm nào chúng cũng về phá, hết trên rẫy lại đến dưới đồng, lúa - sắn - đậu - chuối, thứ gì cũng phá. Xót bụng nhất là nó quật của tui gần 200 cây cau xuống để ăn. Nó mà không phá, mấy năm nay tui hốt bạc triệu tiền cau rồi. Đau thiệt!”, ông Võ Nhật Tân buồn hiu kể lại. “Gần 250 hộ dân Nà Thao mà không bị voi phá thì nay đã khá lắm rồi. Ruộng vườn, biền bãi, rẫy nương rộng nhất xã, đến gần 250ha đất canh tác. Vậy mà cứ chịu khổ. Riêng 43 hộ ở khu Ba Nguyên cần di dời nhưng không có điều kiện nên phải chịu ở lại. Đã làm ăn thất bại, lại còn nơm nớp lo sợ. Rủi mà đàn voi trở chứng”, trưởng thôn Hà Duy Luyện chua xót.
Có lẽ do nguồn thức ăn từ rẫy nương của vùng cư dân Gia Quế (Trà Dương, Bắc Trà My), Nà Thao không còn nhiều, khoảng năm 1997 đàn voi đã tìm thêm đến vùng rẫy nương của Tiên Ngọc, Tiên Lãnh kề bên để... bổ sung. Từ đó đến nay, vùng Đồng Tròn của Tiên Ngọc là nơi chịu áp lực phá hại của đàn voi nặng nhất. “Sợ voi quá, tui phải kiếm đất bên kia đường để dời nhà đến ở. Nhưng phải về lại bên Đồng Tròn làm ăn. Một cảnh hai quê khổ lắm”, chị Đỗ Thị Hoa nói bên khu vườn cũ hoang phế. Những người không kiếm được đất để dời nhà, vẫn bám trụ lại làng, ai cũng buồn bã. “Dân mình không yên ổn được để làm ăn. Rẫy ruộng sợ voi phá đã đành, ngay cái vườn, cái nhà mình ở cũng sợ voi về phá”, thôn trưởng Nguyễn Văn Thành bày tỏ. Hình ảnh 22 mái nhà quần tụ bên những khu vườn đẹp, tràn ngập bóng cau, “đêm ngày vui như chay” - nói theo lời ông Thành - trước đây luôn là nỗi khao khát của dân làng, nhưng bây giờ có phải đã là dĩ vãng không trở lại?
Vì sao nên nỗi? Những con voi với bầy đàn xơ xác ngơ ngác nhìn những mảnh rừng là giang san của mình bị phá tan hoang. Mất đi “mái nhà rừng”, đàn voi còn chạy trốn khi con người tìm cách tận diệt nó.
Kỳ tới: Tan hoang rừng voi
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT - "Đó là cuộc vận động không tốn một đồng kinh phí, mà kết quả thu được không thể tính bằng giá trị vật chất. Gần 20 ngàn khẩu súng săn là thứ tài sản không thể bán, đổi bởi giá trị của nó mang ý nghĩa tinh thần to lớn của đồng bào dân tộc Mông một vùng Tây Bắc".
Xóm làng đang bình yên bỗng xáo trộn, cảnh chích hút, mua bán ma túy diễn ra từ đầu làng đến cuối làng giữa thanh thiên bạch nhật. Kim tiêm chỏng chơ, con nghiện vật vờ, cướp giật, trộm cắp, đâm chém khiến tình hình bất an.
Tôi may mắn ở cùng một phòng trên tàu và nhờ vậy được tiếp xúc với "hồi ký miệng" về biển của thượng uý hải quân Trường Sa - Đồng Minh Sĩ và nhà báo Phan Tô Hoài của chuyên mục Biển đảo Việt Nam - Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh.
Sóng. Đó là kỷ niệm lớn nhất của tôi trong suốt chuyến hải hành đến vùng biển đảo Trường Sa - cực đông tổ quốc. Sóng biển mạnh "kỷ lục" suốt hơn 1.000 hải lý hành trình, vẫn không át nổi sóng tình rung động không ngớt trong lòng mỗi người, dù ở đất liền ra hay ở ngay đảo.