Đưa công nghệ mới vào sản xuất
Đến thăm vườn na xanh mướt của gia đình anh Nguyễn Ngọc Thương, thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên đúng tiết trời sang đông. Từ xa, thấp thoáng bóng anh Thương đang tất bật chọn lựa những trái na vừa độ chín. Những trái na căng tròn, ngót nghét gần 1 kg/quả được anh xếp cẩn thận vào giỏ. Vừa hái, anh Thương vừa kể: "Đây cũng là lứa na đầu tiên gia đình thu hoạch sau hơn 3 năm trồng giống na Đài Loan này. Trái na tuy mới đưa ra thị trường nhưng phản hồi rất tốt. Dự kiến năm nay gia đình sẽ thu gần 2 tấn quả, cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Để có được thành quả này, gia đình Thương đã trải qua bao gian nan. 3 anh em trai đều làm nông nghiệp, đồng đất này những năm trước, gia đình trồng các loại cây như: cây lâm nghiệp, cam Vinh, cam sành nhưng hiệu quả không cao.
Tính toán kỹ, năm 2020, anh Thương đã tìm đến mô hình trồng rau, củ sạch của anh Lục Vân Anh, Giám đốc
Hợp tác xã "Sáu không Farm” (không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm; không sử dụng thuốc hóa học; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng phân hóa học; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng giống biến đổi gien) để học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả sạch. Cùng đó, anh Thương cũng tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân phối hợp tổ chức và vay thêm vốn ngân hàng để trồng thử nghiệm 400 cây na Đài Loan, 40 gốc nho Hạ đen và dưa lê Hàn Quốc.
Anh còn tìm hiểu, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà màng để giảm bớt công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh. Nhờ có kỹ thuật đã học được như: không sử dụng thuốc, phân hóa học; không sử dụng thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng vào vườn cây ăn quả của gia đình, vườn na của anh Thương sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao và tán rộng chừng 2 m2, mỗi cây cho ra từ 5 đến 6 quả đều nhau. Cây dưa lê Hàn Quốc sai quả, chín đều cùng mít, bưởi... Mỗi năm gia đình anh Thương sản xuất hàng chục tấn quả sạch đưa ra thị trường, đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng.
Từ mô hình cây ăn quả tổng hợp, gia đình anh Thương đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài ra, anh còn liên kết hộ hội viên nông dân thị trấn Yên Thế và anh Lục Vân Anh để mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hoàng Sơn Lộc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: "Anh Nguyễn Ngọc Thương luôn thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đưa công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Thương không chỉ tự chủ xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ các hội viên nông dân khác phát triển kinh tế”.
"4 dám" để phát triển
Rời xã Tân Lập, huyện Lục Yên, chúng tôi đến với gia đình anh Bàn Văn Minh, người dân tộc Dao đỏ ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên - một người quyết tâm biến những cánh rừng hoang vu thành những cánh rừng quế tiền tỷ. Ngắm nhìn những đồi quế xanh vút tầm mắt với giá trị mấy chục tỷ đồng, không ai có thể nghĩ, cách đây khoảng 15 năm, gia đình anh Bàn Văn Minh là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn của thôn Làng Câu.
"Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều gian khó. Lập gia đình xong, cuộc sống chật vật, chỉ dựa vào mấy sào ruộng nước, trồng lúa nương, rồi đi làm thuê và cũng trồng quế … nhưng cuộc sống vẫn đói nghèo, ăn bữa trước lo bữa sau. Không cam chịu nghèo khổ, tôi đã bắt tay vào trồng quế. Cùng với hơn 1 ha ban đầu bố mẹ cho lúc lấy vợ ra ở riêng, tôi đã vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua thêm những diện tích đồi gò bỏ hoang quanh nhà để canh tác” - anh Minh chia sẻ.
Vợ chồng anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tiếp tục mở rộng diện tích quế của gia đình.
Mấy năm đầu, anh trồng xen canh quế với ngô, sắn lấy lương thực phục vụ cuộc sống gia đình và chăn nuôi thêm gà, lợn để cải thiện thu nhập. Sau một vài năm, anh lại chặt tỉa, bán quế, lấy vốn tái đầu tư và mua thêm đất rừng để mở rộng diện tích quế. Cứ như vậy, sau một thời gian, cây quế dần có giá trị, những đồi quế đã cho gia đình anh khoản thu đáng kể. Không dừng lại ở đó, những hộ nào có nhu cầu nhượng bán, anh lại tiếp tục mua thêm để canh tác. Từ vài ha đến nay gia đình anh đã có 50 ha quế từ 2 đến 20 năm tuổi. "Tỉ phú nông dân" đã sở hữu trong tay khối tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng.
Không chỉ trồng, vào mỗi vụ thu hoạch quế, anh Minh còn thu mua quế tươi của các hộ dân trong thôn về sơ chế bán lại cho thương lái. Bình quân mỗi năm thu nhập từ khai thác và chế biến quế, trừ tất cả các khoản chi phí cũng đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, gia đình cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Vào chính vụ thì tạo việc làm khoảng 30-35 lao động với mức thu nhập từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng tầm giá trị và thương hiệu của cây quế địa phương, đồng thời đảm bảo ổn định đầu ra cho cây quế, anh Bàn Văn Minh đã ký kết hợp tác với Công ty Olam Việt Nam thực hiện quy trình chuỗi sản xuất quế sạch. Trong tổng số 50 ha quế hiện có, anh Minh đã đưa 30 ha vào sản xuất theo chuỗi, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu của Công ty. Nhờ vậy, cây quế cũng như các sản phẩm quế của gia đình anh Minh luôn ổn định đầu ra, không bấp bênh về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ. Riêng trong năm 2023, anh Minh đã bán cho Công ty Olam Việt Nam 100 tấn quế vỏ đồng thời xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 1.000 mét vuông để thu mua, sơ chế quế vo cho bà con trong thôn.
Có tiền tỷ từ việc trồng và thu mua vỏ quế, vợ chồng anh Bàn Văn Minh đã xây được ngôi nhà khang trang, bề thế nằm dựa lưng vào những rừng quế anh ngút ngàn, mua sắm được ô tô, nuôi con học đại học. Một phần anh Minh dùng tiền đó để quay vòng đầu tư tái sản xuất và giúp đỡ bà con trong thôn. Hàng ngày, vợ chồng anh Minh vẫn cần mẫn, chăm chỉ, cùng nhau chăm sóc những vạt quế để chúng xanh tốt, mang lại cuộc sống no đủ cho gia đình và dân làng.
Ông Triệu Đình Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho hay: "Anh Bàn Văn Minh không chỉ là người làm kinh tế giỏi, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, dám liên kết còn là một công dân gương mẫu của địa phương. Việc anh Minh đã làm, đang làm và sẽ làm không chỉ giúp bản thân thoát nghèo mà đã góp phần làm giàu cho quê hương”.
Anh Nguyễn Ngọc Thương và anh Bàn Văn Minh chỉ là hai trong số hàng chục nông dân tỷ phú trong toàn tỉnh họ là những chủ thể trong phát triển nông nghiệp của quê hương. Họ là những người có tư duy mở, luôn mong muốn được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp, kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết, mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo mối quan hệ xã hội, tạo nên những người nông dân thời đại mới.
Đồng hành cùng nông dân
Theo ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng hành cùng hội viên, khuyến khích, thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, xây dựng mô hình kinh tế tập thể và các phong trào thi đua để hỗ trợ hội viên.
5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 4.255 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, 442 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền 2.232 tỷ đồng từ các chương trình ưu đãi tín dụng. Đặc biệt, với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 34,782 tỷ đồng, Hội đã triển khai cho vay 174 dự án theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, làm ăn hiệu quả…
Trong 5 năm qua đã có gần 198 nghìn lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, với nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú. Họ là những nông dân thời đại mới, biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết. Là những người nông dân năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào thửa ruộng, mảnh vườn để gia tăng giá trị sản phẩm, làm giàu chính đáng cho bản thân, cộng đồng và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Minh Huyền