Tan tác một đàn voi - Kỳ 2: Tan hoang rừng voi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/5/2007 | 12:00:00 AM

Trước khi bị những người săn thú nã đạn giết chết, những con voi với bầy đàn xơ xác ở Tiên Phước - Trà My (Quảng Nam) còn bàng hoàng ngơ ngác nhìn những mảnh rừng vốn là giang sơn của mình bị phá tan hoang. Ngàn xanh oai linh không còn, không đủ mái ấm che thân, lại thiếu đói thức ăn, mỗi con voi chết đi như mang trong mình thêm một nỗi đau.

Kỳ 1: Voi về làng

Sạch sành sanh

“Phải nói là rừng quê mình giàu, các loại gỗ quí cứ đứng dày như là mía vườn. Bởi vậy nên mới có đàn voi mấy trăm con đến ở. Nhưng đó là ngày trước, còn bây giờ thì...”, ông Hà Duy Luyện - thôn trưởng thôn 5 (khu Nà Thao, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) - bỏ lửng câu nói. Trước đây, vài năm sau 1975, xem gỗ rừng là tài nguyên cần được khai thác mạnh để làm kinh tế cho huyện, Xí nghiệp gỗ huyện Tiên Phước đã nhắm vào Nà Thao - một trong số rất ít vùng rừng được xem là giàu có nhất huyện. Với phương tiện khai thác cơ giới, khi tiến độ và sản lượng khai thác được xem là những tiêu chí để xét khen thưởng, chỉ dăm bảy năm sau, cả một vùng rừng giàu có đã bị khai tử. Hàng trăm hecta rừng nguyên sinh với chò, uỷnh, dổi, sến, lim, gõ..., nhiều cây với đường kính ở gốc đến 1m đã bị đốn hạ sạch sành sanh.

Cùng với rừng Nà Cau (xã Tiên Ngọc), Suối Bùn (xã Tiên Lãnh), rừng Nà Thao chính là vành đai phía đông của khu rừng mà đàn voi sinh sống bao đời nay - vốn kéo dài từ phía đông bắc của huyện Bắc Trà My qua phía tây. Gọi là vành đai nhưng cũng với rừng rậm núi cao, đây là một phần nơi ăn chốn ở chính của đàn voi. “Đúng là từ khi mất rừng Nà Thao, đàn voi đã tìm đến rẫy vườn của dân mình ở vùng Ba Nguyên, Gia Quế, Đồng Tròn ăn hại. Cũng không trách chúng, rừng tan hoang, không còn thức ăn, buộc lòng chúng phải tìm đến rẫy nương của dân mình thôi”, các trưởng thôn Hà Duy Luyện, Nguyễn Văn Thành nói.  

Rừng Suối Trưu, Cao Sơn của thị trấn Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My) - vùng tây của địa bàn cư trú của đàn voi - cũng không nằm ngoài số phận của rừng Nà Thao. “Cứ nhớ lại rừng hồi trước mà tiếc, cây gỗ to dang hai cánh tay ôm không hết đứng dày ken. Lâm trường Suối Trưu mà không khai thác rừng thì đàn voi đã không về phá dân  mình như bây giờ”, già làng Cadong Trần Xuân Dê cho biết. Với mục tiêu khai thác rừng giàu để trồng cây dầu trẩu, với hàng trăm công nhân khai thác bằng cơ giới, lâm trường này đã khai thác trắng cả một vùng rừng nguyên sinh  rộng lớn với đủ loại cây gỗ trong một thời gian ngắn. “Tôi nhớ trên giấy tờ khai là đã khai thác được 700ha rừng già để trồng trẩu, nhưng khi bàn giao cho ông giám đốc mới của lâm trường, đo lại chỉ có 500ha. Cây trẩu mọc lưa thưa chỉ cho thu hoạch được một năm rồi sau đó cứ chết lần chết hồi, nay thì không còn. Rừng bây giờ trống hoang, đàn voi phải ra rẫy dân mình kiếm ăn”, già làng Trần Xuân Dê buồn bã chỉ tay ra cánh rừng xơ rơ phía trước.

Rừng rỗng ruột

Mất đi sự chở che, nuôi dưỡng từ “mái nhà rừng” của mình, đàn voi Tiên Phước - Trà My còn phải đối mặt từng ngày với sự tàn phá ngay chính giữa khu rừng nhau rốn của mình. Từ sự “khai mở” của Lâm trường Suối Trưu, vùng gỗ lim nổi tiếng dọc theo con suối Trưu chảy dài suốt khu rừng voi Tiên Phước - Trà My này đã bị những kẻ phá rừng theo dấu để “xẻ thịt” trộm.

Lực lượng trộm gỗ hoạt động mạnh nhất là ở vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp, trong đó địa bàn rừng Tiên Lãnh bị phá nặng nề, dai dẳng nhất. Nà Thao, Nà Cau, Suối Bùn, Suối Trưu, những vùng rừng đã bị phá nát trong suốt nhiều năm nay, gỗ quí, gỗ bao bì đều bị khai thác tất. Gỗ lậu phần do trâu tiếp sức kéo, phần do kẻ phá rừng tự chuyển về làng, tất cả đều lên xe về xuôi khá trót lọt. Thêm vào, với con sông Tranh kề sát rừng cho đường vận chuyển gỗ về các huyện khác khá thuận tiện, không bỏ cơ hội, những người phá rừng đã tăng cường việc “xẻ thịt” rừng voi.

Trong khi đó, ở vùng Trà Dương, Cao Sơn (Bắc Trà My), vùng tâm điểm rừng voi, cũng bị cư dân khai thác gỗ triền miên. Tuy với lối khai thác nhỏ lẻ nhưng mỗi người mỗi ngày một ít, góp ít thành nhiều, bao nhiêu năm qua họ cũng đã làm rừng voi ở đây xơ xác tiêu điều. Cũng như ở Lãnh - Ngọc - Hiệp, hết gỗ quí lại đến gỗ bao bì, hết chỗ gần lại đến chỗ xa, những mảng cây tạp cuối cùng còn lại ở đây cũng bị cư dân xóa sổ để bán lấy tiền. Rừng tan hoang, và hậu quả, theo người dân trong vùng: “Rừng bị tàn phá khiến cây cối ngã đổ ầm ầm, đến con chim cũng hoảng sợ không còn chỗ ở huống là con voi. Hễ mỗi lần rừng bị lấy trộm gỗ mạnh là đàn voi lại về làng phá hại mạnh hơn rẫy, vườn của dân mình”.  

Những chòm rừng ít ỏi còn sót lại của vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp chưa thoát khỏi  tay những kẻ trộm gỗ lại đã lọt vào tầm ngắm của những lái gỗ có thế lực ở các nơi. Và phương án “xẻ thịt” những chòm rừng này đã được các lái gỗ vạch ra. “Khoảng tháng 6-2006 có một nhóm người từ Đà Nẵng lên trại giam Tiên Lãnh tổ chức lôi kéo dân Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp vào bãi chò Nà Cau khai thác đưa về trại cưa xẻ, rồi dùng giấy phép núp dưới dạng gỗ vườn của các xã để chở về Đà Nẵng” - Lâm Thị Hoài Vi, 25 tuổi, quê ở Nà Thao, xã Tiên Hiệp, đã viết như thế trong đơn tố cáo cuối tháng 2-2007 gửi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng như các báo để mong kịp cứu vớt những cây gỗ ít ỏi còn lại cuối cùng của khu rừng mà Vi xác định trong đơn là “mái nhà ngàn đời nay của đàn voi”.

Ông Phùng Văn Trọng - bí  thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh - cũng thấy được dâu bể của rừng voi: “Đây chính là vùng mà đàn voi thường ăn ở. Nhưng rừng đâu nữa mà rừng. Đứng giữa rừng mà trống hoang như đứng giữa ngã tư ngã năm. Nhà máy cưa lại đặt một bên trại giam Tiên Lãnh từ giữa năm ngoái đến nay, gỗ to thì cưa xẻ bán, gỗ nhỏ thì đưa vô cho máy lột vòng. Làm sao giữ rừng, mình chưa ra quân (đi kiểm tra rừng - PV) thì kẻ phá rừng đã biết. Thật bức xúc”.

Một đại ngàn với rừng lim đứng ken dày cùng bao chủng loại gỗ quí khác, thâm nghiêm, đĩnh đạc một cõi rừng thiêng có voi đàn voi lũ sinh trưởng đã không còn. Phải hàng thế kỷ khu rừng voi mới được giàu có như thế - nói theo lời bí thư Trọng - nhưng chỉ mới hơn phần tư thế kỷ đã tan tành. Mất rừng, đàn voi khổ và con người cũng khổ. “Giá mà trên giao cho địa phương quản lý, rừng vẫn còn, đàn voi được yên, dân mình sẽ khá lên, sẽ làm được con đường thông ra ngoài tốt hơn chừ chứ có mo mà” - bí thư Trọng tiếc xót. Ở phía tây rừng voi, già làng Trần Xuân Dê cũng chung nỗi xót xa: “Rừng Cao Sơn mà còn, giao cho dân mình giữ thì cuộc sống dân mình chừ sẽ bớt khổ,  bớt sợ con voi về làm hại mình”.

Thêm hai voi đực bị săn giết ở lâm phận Tiên Phước, cách chỗ con voi vừa bị bắn ở rừng Bắc Trà My không xa. Hai bộ xương nằm cách nhau chừng 7m với hai hộp sọ bị cưa, cả hai cùng có dấu đạn xuyên qua.

Kỳ tới: Những vụ án giết voi

(Theo TTO)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục