Vui buồn Tú Lệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã lâu lắm, tôi mới có dịp trở lại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Kể từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp chạy qua trung tâm xã, vùng có thứ nếp thơm nức tiếng đã thực sự khởi sắc. Ruộng đồng xanh hơn. Hai bên con đường nhựa láng bóng, những ngôi nhà mới xây, hàng quán mọc lên san sát. Nhưng trong bóng dáng thị tứ vùng cao này đang ấn chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo…

Cánh đồng Tú Lệ vào vụ mới.
Cánh đồng Tú Lệ vào vụ mới.

Một "thời xa vắng", vùng đất này là thủ phủ của cây thuốc phiện. Cánh đồng Tú Lệ đang xanh lên màu lúa mới hôm nay, ngày xưa nở rộ hoa anh túc. Nhưng giờ đây, mỗi lần nhắc lại cái thưở "huy hoàng" ấy của cây thuốc phiện kéo theo cảnh nghiện ngập, nghèo đói khiến không ai còn muốn nhớ tới.

Thực hiện cuộc vận động "ba bỏ" (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ buôn bán ma tuý) đã được toàn dân hưởng ứng để rũ đi nghèo, đói và lạc hậu. Cây lúa đứng chân trên cánh đồng Tú Lệ một vụ, rồi hai vụ. Cuộc sống người dân đã vơi bớt những khó khăn.

Nhưng quốc lộ 32 gồ ghề, lổng chổng đá ngày ấy đi cả mấy tiếng đồng hồ từ thị xã Nghĩa Lộ mới đến được trung tâm xã luôn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế xã hội nơi đây: con gà, con lợn, hạt lúa, củ khoai làm ra bán không được giá, trung tâm xã chỉ lèo tèo vài ngôi nhà tạm bợ.

Rồi ước mơ các sản vật của người Thái Tú Lệ trở thành hàng hoá cũng trở thành hiện thực. Vào những ngày đầu Đảng, Nhà nước nâng cấp đường qua xã, nhiều người dân còn lạ lẫm, ngơ ngác với những chiếc máy ủi, máy xúc, máy lu...Và một trang mới đã mở ra cho người vùng cao Tú Lệ, khi con đường nhựa phẳng phiu đi qua.

Anh Sầm Văn Mới - Phó chủ tịch UBND xã không khỏi vui mừng: "Có đường giao thông thuận tiện, Tú Lệ đang thực sự thay da đổi thịt. Các hàng nông sản như: nếp cái hoa vàng, gia súc, gia cầm...đã được tiêu thụ với giá cao hơn. Cuộc sống của nhiều hộ dân đã có của ăn, của để".

Dọc quốc lộ, những ngôi nhà mới xây và cả khách sạn mi ni đã mọc lên. Thế mạnh của vùng quê núi, với nếp thơm gà đồi và như người ta nói, nếp ở đây chỉ đồ xôi bằng nước Tú Lệ mới thơm dẻo. Đặc sản nếp tan, nước nguồn và gà đồi đã được người dân khai thác thông qua các quán xôi, gà phục vụ khách thập phương đi qua.

Kể từ ngày đường êm thuận cuộc sống của 23 hộ dân buôn bán nhỏ và làm dịch vụ ăn uống ở đây đã trở nên khá giả hơn. Sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ được, nên người dân đã tập trung đầu tư cho chăn nuôi đại gia súc, gia súc và gia cầm.

Hiện toàn xã có hàng ngàn con gia cầm, đàn trâu 772 con, đàn bò 718 con, đàn lợn trên 23 nghìn con. Nhiều hộ nuôi tới hàng chục con trâu, bò như: hộ ông Hoàng Văn Sơi nuôi 10 con trâu và hộ ông Lò Văn Sơi ở ở thôn Púng Xổm nuôi tới 30 con trâu, bò. Đàn lợn cũng phát triển, trong xã có nhà bà Hà Thị Kính mỗi năm nuôi tới 20 con lợn, xuất chuồng hơn 1 tấn lợn hơi.

Cuộc sống của người dân đã thêm phần đổi thay kể từ khi có Dự án Chia sẻ đầu tư cho phát triển nông thôn, đường liên thôn, bản đã đi lại thuận tiện. Cùng với nguồn đầu tư của Dự án, nhiều nhóm hộ dân đã tự đầu tư mua máy cày, máy xay xát phục vụ sản xuất, giải phóng sức lao động. Diện tích rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh và phòng hộ của xã đã giao cho 10 tổ bảo vệ rừng ở 11 thôn quản lý.

Nhưng đó là nhìn tổng thể bề ngoài, còn bên trong Tú Lệ đang ẩn chứa những âu lo. Xã có tổng số 965 hộ thì đang có tới 761 hộ nghèo và 200 hộ đói. Trong khi hiện nay, diện tích lúa nước của xã không phải là nhiều chỉ có 161 ha đã làm 2 vụ.

Vụ đông xuân vừa qua, xã mới cấy 151 ha bằng giống OMCS7 vẫn còn 10 ha chưa làm vụ xuân. Vụ mùa này, xã cấy 60 - 65% bằng giống OMCS7 còn lại là cấy giống lúa nếp thơm đặc sản. Nhưng do lúa chưa được đầu tư thâm canh, nên năng suất vụ xuân chỉ đạt 35 tạ/ha và vụ mùa không vượt quá 40 tạ/ha. Trong khi do chênh lệch về khí hậu, vụ xuân ở đây phải cấy muộn hơn, nếu cấy lúa lai thời gian sinh trưởng dài không kịp cho sản xuất vụ mùa nên không thể đưa  lúa lai vào tăng năng suất để giải quyết vấn đề lương thực.

Không những vậy, đất cho trồng rừng không có nhiều nên Tú Lệ không thể phát triển rừng kinh tế. Chăn nuôi đại gia súc chủ yếu theo mô hình chăn thả, chưa có mô hình bán công nghiệp. Từ chỗ thiếu đói không có việc làm, đường sá thông thương nên đã có cả những cơn gió lành và cả “gió dữ” ùa về. Giờ đây Tú Lệ đang là nơi có nhiều chị em đi hành nghề mại dâm ở các địa phương khác, tệ nạn ma tuý cũng trở nên nhức nhối.

Bao giờ Tú Lệ có được niềm vui trọn vẹn? Cùng với các giải pháp tình thế là tập trung thâm canh tăng năng suất, đầu tư cho nông dân vay vốn phát triển chăn nuôi rộng khắp trong các hộ, thiết nghĩ chính quyền từ huyện đến xã cần có giải pháp tạo việc làm ổn định, có vậy Tú Lệ mới từng bước xoá được đói nghèo và đẩy lùi được tệ nạn xã hội.

Mạnh Hưng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục