Cần ngăn chặn ngay nạn phá rừng Làng Khay - Lâm Giang!
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2010 | 9:30:05 AM
YBĐT - Trong vòng 3 năm trở lại đây, rừng Làng Khay thuộc dãy núi Con Voi không ngày nào yên ả. Với 18 cưa máy, chỉ cần một phần ba số đó hoạt động thường xuyên thôi cũng đủ thổi bay vài cây mỗi ngày.
22 đầu gỗ sến, loại dùng làm cột nhà sàn, chuẩn bị được lâm tặc đưa ra khỏi rừng. (Nhân vật trong ảnh là người dẫn đường).
|
Mùa hè năm nay dường như khắc nghiệt hơn mọi năm, đến người dân ở vùng rừng núi xa xôi Lâm Giang (Văn Yên) cũng phải than trời vì cái nắng như thiêu như đốt. Thế nhưng trong cánh rừng già nguyên sơ của Làng Khay thì lại hoàn toàn khác, khí hậu mát, dễ chịu như ở trong phòng điều hòa khổng lồ. Vậy mà những gì chúng tôi đang được hưởng thụ lại bị hủy diệt từng ngày bởi một số người dửng dưng, vô cảm.
Thảm cảnh núi Con Voi
Là một trong những xã có trữ lượng rừng lớn nhất nhì Văn Yên, với nhiều loại gỗ quý như: sến, táu, sâng, dẻ... tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, rừng Lâm Giang bị tàn phá một cách nhanh chóng. Theo chân những người trong tổ bảo vệ rừng thôn 17 chúng tôi đã có cơ hội xâm nhập để ghi lại những hình ảnh xót xa nhất từ trong lòng dãy núi Con Voi.
Phóng viên Báo Yên Bái bên một gốc sến vừa bị chặt hạ có đường kính trên 1 m.
Lâm Giang giáp ranh với hai xã Long Khánh, Lương Sơn của huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) và các xã Lang Thíp, Quang Minh, An Bình của Văn Yên, vì vậy xác định chính xác địa điểm lâm tặc hoành hành là rất khó nếu không có người dân địa phương dẫn đường. Chúng tôi thật may mắn được anh Q. thành viên của tổ bảo vệ rừng thôn 17 tình nguyện dẫn đường. Anh cương quyết không đi cùng với tuyến đồng chí kiểm lâm địa bàn đã vạch sẵn: “Tôi chỉ đi tuyến này theo sự phân công của chi bộ thôn, nếu đi tuyến kia thì tôi ở nhà chứ không đi làm gì” - anh Q. nói với 2 đồng chí cán bộ địa chính xã và đồng chí kiểm lâm phụ trách địa bàn. Cũng may chúng tôi đi 2 người, vậy là rất nhanh chóng chia đôi lực lượng theo hai tuyến tiến vào lòng dãy Con Voi.
Tôi theo anh Q. từ cột mốc đầu thôn 17 "Khu phòng hộ Văn Yên II - PH15", rẽ phải vượt qua đồi quế khoảng 3 năm tuổi, đi lên chừng 40 phút là tới lán ông Châu, ông Lâm vốn đã định cư ở đây được 20 năm thuộc Tiểu khu 84. Từ đây bắt đầu xuất hiện những dấu vết chặt phá của lâm tặc và từ đây trong suốt một ngày đường tôi đã chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp đối với cánh rừng này. Mặc dù đi khá nhiều nơi, chứng kiến nhiều vụ tàn phá rừng nhưng sự tàn bạo thì không thể so sánh với những gì đang diễn ra ở đây.
Từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chúng tôi tiến về khu vực giáp ranh xã Long Khánh. Cảm giác thật bàng hoàng, thật xót xa trước cảnh rừng đang “chảy máu”! Cứ 5 - 10 phút leo là chúng tôi lại bắt gặp một vài cây gỗ lớn (chủ yếu sến, táu) bị hạ vắt vẻo ngang rừng, có cây mới hạ còn nguyên vẹn, cũng có cây mới bị xẻ một phần, vẫn còn ngổn ngang “máu, thịt”. Dường như anh Q. biết khá rõ từng thời điểm nào, cây nào bị chặt hạ, ai chặt. Chỉ một gốc sến đường kính 1,4 m, anh khẳng định: “Đây là cây do ông Tiến, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn 17 đã hạ từ tháng 12/2009, nhưng giờ ông ấy đã mua một chiếc Hoa Mai (xe công nông hiệu Hoa Mai) chạy nên không làm nữa, vừa bán cho người khác đâu 1 triệu đồng”. Đến mỗi điểm có cây bị hạ khác nhau anh đều biết rõ khoảng thời gian nào cây đó bị đổ.
12 giờ 30 chúng tôi có mặt điểm giáp ranh xã Long Khánh, dừng chân ngay tại một chiến trường nơi một cây sến lớn nhất mà tôi từng gặp bị lâm tặc "giết chết" và vẫn còn 22 đầu gỗ (tôi đếm được) loại dài 7,5 m để làm cột nhà sàn chưa kịp đem về. Đi cả buổi sáng đối với những người trong tổ bảo vệ rừng thôn 17 thì không vấn đề gì, nhưng với một người không quen đi rừng như tôi thì đã mệt nhoài, công việc hậu cần được giao cho những người trước đây vốn là những thợ săn chuyên nghiệp. Chỉ với con dao và chiếc bật lửa mang theo, một lát là chúng tôi đã có nước sôi để úp mì tôm, món bi chuối nộm ăn cay cay, chát chát, vài ngọn măng vầu vừa đào lên nướng ngay ăn thơm và ngọt lạ kỳ. Có lẽ vì đói mà tôi được ăn một bữa cơm với toàn sản vật của rừng ngon nhất trong đời, nhưng lại nghèn nghẹn đau xót trước những “cái chết" của rừng xanh. Lúc này câu chuyện về rừng mới trở nên rôm rả.
Từ thiên tai đến phá rừng
Theo câu chuyện của những người trong tổ bảo vệ rừng thôn 17 thì việc phá rừng rầm rộ ở đây có nguyên nhân bắt đầu từ cơn bão số 4 năm 2008. Cơn bão đã làm 8 người chết và đổ gãy 33 cây gỗ rừng với trữ lượng khoảng 200 m3. UBND xã Lâm Giang đã lập tờ trình xin phép cấp có thẩm quyền để tận thu số gỗ trên. Tuy nhiên, trong khi chưa được duyệt thì lâm tặc xuất hiện và tranh thủ xẻ trước. Không chỉ những cây đã bị đổ sẵn do mưa bão, lâm tặc còn đầu tư cưa máy nhằm vào những cây gỗ lớn đường kính trên 1 m có giá trị cao như sến, táu để tiếp tục chặt hạ.
Tôi hỏi anh Q.: Tại sao là thành viên của tổ bảo vệ rừng mà anh không có cách nào ngăn chặn những hành vi ngang nhiên khai thác trái phép đó? Anh cho biết: “Có thu giữ được 1 cái cưa và bắt được vài chuyến xe gỗ ra ngoài, nhưng không xuể, có hôm báo lên chính quyền thông tin lại bị lộ, thế là công cốc. Còn muốn bắt tận trên rừng thì phải đi từ đêm hôm trước, sau đó chờ tới sáng sớm hôm sau nó xẻ mới bắt được”.
Việc tàn phá của lâm tặc ở đây chẳng phải ai khác chính là người địa phương diễn ra rất ngang nhiên, ngay trước mắt chính quyền - những người làm công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đã diễn ra nhiều năm. Công nghệ khai thác cũng được nâng tầm, những địa điểm dốc cao, hiểm trở trâu không vào kéo được thì họ dùng tời loại 30kg nhưng có thể kéo được trọng tải chục tấn thả gỗ từ trên xuống hoặc kéo lên tập kết tại những điểm thuận lợi rồi dùng trâu kéo về.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, rừng Làng Khay thuộc dãy núi Con Voi không ngày nào yên ả. Với 18 cưa máy, chỉ cần một phần ba số đó hoạt động thường xuyên thôi cũng đủ thổi bay vài cây mỗi ngày. Anh Q. cho biết, ngày thuận lợi thì cũng có 3-4 chuyến xe chở gỗ ra ngoài, còn bình thường thì ngày một chuyến là chuyện không hiếm.
Những người dẫn đường trên những hộp gỗ vuông vắn tại điểm tập kết gỗ của lâm tặc khu vực giáp ranh xã Long Khánh.
Đem những hình ảnh ghi được trao đổi lại với đồng chí Chủ tịch UBND xã, đồng chí thừa nhận có hiện tượng khai thác gỗ rừng trái phép ở thôn 17 nhưng không nghiêm trọng như thông tin một số báo đã nêu. "Chúng tôi đã làm hết sức, hết trách nhiệm, nhưng sức người có hạn, địa bàn lại rộng rất khó để làm tốt" - Anh Tửu, cán bộ kiểm lâm duy nhất phụ trách địa bàn chán nản. Còn đồng chí Nguyễn Kim Thành- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên thì cho biết: “Chúng tôi đang tích cực truy quét và xử lý các đối tượng vi phạm”.
Anh Dũng - Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Điều đáng lo ngại nhất là đội quân kích điện lại xuất hiện, nguồn thủy sản của hồ Thác Bà lại một lần nữa đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thực trạng này, YBĐT đã cảnh báo nguy cơ sử dụng mìn, kích điện, lưới vét nhằm tuyệt diệt nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Và lần này, mùa cá vật đẻ, những nỗi lo này lại càng “trầm trọng”.
YBĐT - Chiếc xe đổ dốc, thời tiết vùng cao sớm hè thật mát mẻ, dễ chịu nhưng hình ảnh đám trẻ con bên nồi cơm nhà anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê cứ ám ảnh mãi, cái sự đói nghèo như thể sẽ còn kéo dài phía chân trời mờ xa.
YBĐT - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 16.500 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Để nhường đất cho việc đắp đập ngăn sông xây dựng Thuỷ điện Thác Bà, hàng nghìn hộ dân vùng hồ đã hy sinh những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” để tới định cư trên những dải đất đồi gò ven hồ.
YBĐT - Trong bản chỉ cần có một đám cỗ là tất cả lũ trẻ lại bỏ học. Những ngày mưa hay vào mùa giáp hạt lớp học chỉ có vài em, đó là thực trạng của điểm trường Khe Mạ, thuộc Trường tiểu học và trung học cơ sở Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái).