Bản Lềnh no ấm rồi!
- Cập nhật: Thứ ba, 17/5/2011 | 3:32:27 PM
YBĐT - Rời Bản Lềnh trong buổi chiều thanh bình, đi giữa những đồi chè, rừng keo... trong lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc vui mừng bởi Bản Lềnh hôm nay đã khoác một chiếc áo mới - một cuộc sống no đủ đang đến với người dân nơi đây.
Đồng chí Đỗ Gia Quỵnh (thứ 2, trái sang) - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh kiểm tra tình hình sản xuất của nhân dân bản Lềnh.
|
Những năm trước, đảng viên ở Bản Lềnh của xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn Hà Thịnh do thiếu đảng viên. Thôn có hơn 40 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 98%. Hơn nữa, giao thông liên thôn khá cách trở nên việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa dường như bị biệt lập. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, Bản Lềnh đã thành lập được Chi bộ và đời sống nhân dân đã khởi sắc.
Một thuở "ngủ ngày, làm đêm"
Trên con đường đất dân sinh khúc khuỷu, gập ghềnh chạy tỏa đi các đồi chè, rừng keo, bạch đàn thân to, cao vút, thỉnh thoảng vài chiếc xe máy vượt qua; tiếng người đi làm nương, hái chè nói cười rộn rã... Anh bạn đi cùng cho hay: “Bản Lềnh nay đã ấm no hơn rồi, khác xa cái đợt tôi đi cùng các cán bộ khuyến nông đến đây tìm hiểu về dịch bệnh gia súc. Cứ đà này, người dân nơi đây sẽ hết đói nghèo thôi”. Mất chừng 20 phút đi xe máy, chúng tôi đã tới Bản Lềnh với 45 hộ gia đình là đồng bào Mông sinh sống.
Chị Nguyễn Thị Bẩy - Bí thư Chi bộ Bản Lềnh hồ hởi: “Biết các anh đến, chúng tôi rất phấn khởi! Bản Lềnh đã thay đổi nhiều từ khi tách và thành lập được Chi bộ, không còn phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn Hà Thịnh. Nhận thức của bà con cũng thay đổi rõ rệt, dần loại bỏ tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu và không còn du canh du cư như trước nữa. Đời sống của nhân dân đã khá hơn nhiều rồi”.
Cách trung tâm xã gần 10 km, không có giao thương, buôn bán, trao đổi... nên trước năm 2008, Bản Lềnh được ví như một ốc đảo thu nhỏ. Không những thế, hệ thống giao thông liên thôn khá cách trở, đi lại chủ yếu bằng đường mòn. Thôn chia làm 3 xóm nhưng từ xóm này đến xóm kia cũng rất xa xôi, đi lại khó khăn. Kinh tế gần như không phát triển, đời sống của các hộ dân càng trở nên khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất, kinh nghiệm sản xuất hạn chế, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thêm nữa, đồng bào ở đây vẫn quen tập quán cũ là phá rừng, đốt nương làm rẫy, lên rừng kiếm củi bán đổi lấy lương thực nên cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Lúc bấy giờ, người dân Bản Lềnh chủ yếu ngủ ngày, làm đêm. Bí thư Chi bộ Bản Lềnh chia sẻ: “Hầu hết người dân đi nương và ngủ luôn tại đó, không cần biết ngày giờ, khi khỏe thì làm, mệt lại ngủ nên chất lượng cuộc sống không cao mà mỗi lần đi nương cũng hàng tuần mới về. Bản Lềnh lúc đó là như vậy đấy”.
Bản Lềnh thời điểm ấy cũng chỉ có 3 đảng viên nên chưa thể thành lập được chi bộ phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn Hà Thịnh. Không những thế, chất lượng đảng viên không cao, đã có 2 trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng vì sinh nhiều con. Cán bộ được phân công theo dõi công tác hội, đoàn thể hầu như không biết chữ; việc tập hợp hội viên khó khăn dẫn đến công tác phát triển Đảng hạn chế. Tuy có điểm trường tại thôn song một phòng học tập trung tới 2 - 3 đầu lớp, học sinh thì buổi học, buổi nghỉ.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiếp cận các dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh còn ít... Vì vậy, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo là một bài toán khó đối với Đảng bộ, chính quyền xã Sơn Thịnh lúc bấy giờ.
Đồng chí Đỗ Gia Quỵnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước khi có Đề án của tỉnh về việc xóa chi bộ ghép, cấp ủy Đảng địa phương đã rất trăn trở về việc thành lập Chi bộ thôn Bản Lềnh. Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy xã đã tổ chức nhiều cuộc họp và đi đến thống nhất, quyết định tách Bản Lềnh thành một chi bộ gồm 3 đồng chí, đồng thời tăng cường đồng chí Nguyễn Thị Bẩy - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã làm Bí thư Chi bộ".
Bản Lềnh đi lên
Đến tháng 7 năm 2008, thôn Bản Lềnh chính thức có Chi bộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã Sơn Thịnh trong việc tổ chức cán bộ, phân công công việc cho các đảng viên đúng theo năng lực và trình độ phải trên lớp 6 làm người đứng đầu các hội, đoàn thể. Điển hình như Chi hội Phụ nữ, trước đây, Chi hội trưởng không biết chữ thì chị Vàng Thị Dinh - người thay thế không chỉ biết chữ, biết cách gần gũi mà còn được phụ nữ trong bản tín nhiệm. Hay như Chi hội trưởng Chi hội Nông dân mới là anh Tráng A Long - một đảng viên trẻ, có năng lực. Tiếp đó, công tác đoàn thể, cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc cũng được củng cố và phân công công việc cụ thể.
Anh Sùng A Thinh - Phó bí thư Chi bộ, công an viên ở thôn cho biết: “Trong các buổi họp Chi bộ, chúng tôi yêu cầu các trưởng ban, ngành, đoàn thể báo cáo cụ thể, rõ ràng những hoạt động trong tháng, quý, năm đồng thời nêu rõ tồn tại, khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ. Chi bộ trực tiếp phân công nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của cấp trên và tùy tình hình thực tế cơ sở. Đối với các hội, ban, ngành, ngoài việc triển khai nhiệm vụ đến hội viên phải có trách nhiệm rà soát các đối tượng trẻ, có năng lực, tích cực để giới thiệu cho Đảng”.
Có sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy xã, sự nhiệt tình cùng với trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, Bản Lềnh dần đổi thay. Chỉ sau một năm thành lập Chi bộ, các hội, đoàn thể đã được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động nề nếp. Năm 2009, Chi bộ đã có 6 đảng viên và đến thời điểm này là 9 đảng viên.
Chị Nguyễn Thị Bẩy - Bí thư Chi bộ cho biết thêm: “Đó là một kỳ tích của Bản Lềnh và tuy trước mắt vẫn còn những khó khăn không phải chốc lát đã giải quyết được nhưng những thay đổi, đi lên từ gian khó của thôn rất đáng mừng. Từ Chi bộ đến hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ đã và đang phát huy vai trò. Đó chính là động lực thúc đẩy nhân dân trong thôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và coi đó là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội”.
Với diện tích gieo cấy lúa chỉ vẻn vẹn trên 4 ha, Đảng ủy xã Sơn Thịnh cũng như Chi bộ Bản Lềnh đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng ngô, sắn... và đặc biệt là tăng diện tích cây chè, trồng rừng kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thị Bẩy - Bí thư Chi bộ Bản Lềnh thăm công trình vệ sinh, nước sạch của một hộ dân.
Xác định rõ thế mạnh, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, chính quyền xã trong việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và mở các lớp tập huấn cho bà con, hướng dẫn trực tiếp cách chăn thả gia súc, xây dựng chuồng trại... thì có thể nói, thành công của Bản Lềnh hôm nay cũng là công sức đóng góp của nhiều tổ chức.
Cụ thể như Hội Chữ thập đỏ Na Uy đã đỡ đầu thôn, giúp đồng bào chuyển đổi nhận thức về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như định canh định cư, không phá rừng, đốt nương làm rẫy; không để học sinh mù chữ với sự tài trợ kinh phí, mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, đến từng hộ gia đình vận động đưa con em đến trường đúng độ tuổi. Bên cạnh đó giúp các hộ dân thực hiện chương trình sinh kế nhỏ; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, chăn nuôi tập trung; vận động trồng rừng theo quy mô trang trại vừa và nhỏ...
Bản Lềnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Hộ nghèo của thôn từ 98% đến nay chỉ còn trên 40%, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/năm - tăng 15% so với nhiệm kỳ trước. Đời sống của 45 hộ gia đình đã và đang được cải thiện; giao thông đi lại khá thuận tiện; con em đồng bào được đến trường học; nhiều hộ vươn lên làm giàu và đã có ti vi, xe gắn máy... Với 45 hộ, gia đình nào cũng có bể nước sạch, nhà vệ sinh sạch với tổng trị giá trên 200 triệu đồng do Hội Chữ thập đỏ Na Uy tài trợ.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Với trên 200 ha đồi chít sẽ không trồng rừng kinh tế mà tận dụng vốn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Na Uy xây dựng nhà cộng đồng và tranh thủ sự đầu tư của huyện và tỉnh, Bản Lềnh sẽ phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Ước tính, đến năm 2015, mỗi hộ dân ở đây sẽ có trên 10 con trâu, bò. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền xã đang triển khai đào hào, quy hoạch khu chăn thả và trồng cỏ VA06”.
Rời Bản Lềnh trong buổi chiều thanh bình, đi giữa những đồi chè, rừng keo... trong lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc vui mừng bởi Bản Lềnh hôm nay đã khoác một chiếc áo mới - một cuộc sống no đủ đang đến với người dân nơi đây.
Ngọc Sơn - Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Ngồi trước mặt chúng tôi, trong căn phòng đủ tiện nghi làm việc của thời đại công nghệ thông tin phát triển là Giám đốc Nguyễn Hồng Quang - người sáng lập ra doanh nghiệp Quang Thịnh nổi tiếng ở vùng núi phía tây của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sự vào cuộc không đồng bộ, công tác tuyên truyền, vận động yếu kém của các cơ quan chức năng địa phương cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống khó khăn của người dân... đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Các xưởng chế biến gỗ pơ mu "mọc" lên ở Nậm Có (Mù Cang Chải) hơn một năm trở lại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho chính quyền địa phương.
YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo thành phố Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong kiến trúc đô thị.