Gìn giữ, trùng tu cổng Đục (Đồn Cao): Trách nhiệm của hậu thế
- Cập nhật: Thứ năm, 19/5/2011 | 3:00:01 PM
YBĐT - Mỗi khi nhắc tới cuộc khởi nghĩa Yên Bái hôm nay, người ta chỉ biết tới khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học, nơi thực dân Pháp hành hình ông và các chí sĩ yêu nước.
Phía ngoài cổng Đục, cỏ và dây leo mọc um tùm.
|
Còn nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái với Đồn Cao, Đồn Dưới, nay còn lại dấu tích duy nhất là chiếc cổng Đục (Đồn Cao) ở tổ 16, phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái chắc hẳn ít ai biết tới.
Từ dấu tích...
Từ ngã ba Âu Lâu, chúng tôi cùng các chị Nguyễn Thị Thanh Chương và Nguyễn Thị Bích Ngọc - cán bộ văn hóa - xã hội phường Nguyễn Phúc đi xe máy dọc theo con đường nhựa bên sông Hồng, theo hướng về cầu Yên Bái chừng 100 m rồi rẽ trái để đến Cổng Đục.
Ngược lên con đường bê tông nhỏ, dốc một đoạn bắt gặp một chiếc hầm um tùm cây lá, dây leo che phủ, chỉ còn lộ ra những khoảng nhỏ gạch đỏ xây miết mạch, chị Ngọc chỉ tay nói với chúng tôi: “Đấy, cổng Đục đấy! Trước đây thỉnh thoảng, phường tổ chức cho thanh niên tới phát dọn nhưng chỉ được một thời gian cỏ dại lại mọc um tùm.
Trước đây cổng này còn cao nữa nhưng thời gian đất bồi lấp nên nó chỉ còn chừng này thôi. Đường vào đây hồi ấy cũng bé tí ấy mà. Những năm 70 của thế kỷ trước sống ở đây, mình vào cả trong cổng Đục này đùa nghịch nên không lạ gì nơi này nữa”.
Chúng tôi hỏi chị Ngọc được biết liên quan đến khởi nghĩa Yên Bái có hai địa điểm là Đồn Cao và Đồn Dưới. Hiện nay Đồn Dưới dân cư đã ở đông đúc, không còn dấu tích gì, còn Đồn Cao, chỉ còn cổng Đục. Như vậy có thể khẳng định, cổng Đục là dấu tích duy nhất còn lại của Đồn Cao cũng như Đồn Dưới. Đứng trên vị trí thực dân Pháp đặt Đồn Cao năm xưa, chúng tôi phóng tầm mắt quan sát. Quả thực đây là vị trí đắc địa cho chiến lược quân sự nằm ở phía Tây thị xã Yên Bái năm xưa.
Từ Đồn Cao có thể quan sát được toàn bộ trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái cũ; đồng thời kiểm soát được cả một đoạn sông Hồng dài chừng 2 km bao bọc thị xã. Đồn Cao là nơi đóng quân của hai cơ lính số 7 và số 8 của Pháp. Các bậc cao niên ở Yên Bái kể lại, cổng Đục này được dẫn vào một chiếc hầm ngầm dưới lòng đồi, nằm ở giữa khu vực Đồn Cao cũ.
Chiếc hầm ngầm dưới lòng đồi là nơi chỉ huy của trung tá TaCon và các sĩ quan Pháp. Hầm có hai cửa, cửa chính là cổng Đục, cổng là một vòm uốn lớn, xây bằng gạch đỏ dày khoảng 50 cm, chiều rộng khoảng 3 - 4 m, chiều cao 4 m, dài khoảng 20 m xuyên chéo xuống lòng đồi nối với hầm ngầm. Qua quan sát, mặt trước của vòm uốn cổng Đục có hàng số “1893” cho thấy có khả năng công trình này được xây dựng vào năm đó.
Cổng Đục chỉ còn một đoạn dài chừng hơn chục mét, phía cuối đã bị nứt, sạt, nước nhỏ giọt. Nó bị như vậy vì trước đây bom Mỹ đánh. Còn phía cuối hầm ngầm là một cửa nhỏ thông lên mặt đất, hiện bị cây cối chắn, che toàn bộ. Nóc hầm được xây dựng bằng gạch đỏ, láng xi măng đã sụt lở nhiều, toàn bộ chiếc hầm bê tông kiên cố sâu hút trong lòng đồi này, nằm ở tổ 16 phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, từ xưa đến nay rất ít người dám xuống.
Một đoạn cổng Đục bị bom Mỹ đánh hỏng.
… Đến lịch sử.
Cả buổi sáng thăm lại dấu tích Cổng Đục, hỏi nhiều người nhưng đều không biết nơi đây ghi dấu cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học khiến chúng tôi không khỏi day dứt lục tìm sử sách xưa. Rồi địa danh Đồn Dưới, Đồn Cao với dấu tích Cổng Đục đã đưa chúng tôi trở lại lịch sử của những ngày cách đây 81 năm về trước. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Yên Bái là một thị xã nhỏ, nghèo khó thưa dân, quân đội Pháp đóng ở đây không nhiều, ngoài mấy cơ lính khố xanh có thêm 4 cơ lính khố đỏ thuộc Trung đoàn khố đỏ Bắc Kỳ.
Tổng số quân Pháp có khoảng 600 người, đặt dưới sự chỉ huy của 20 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp do Trung tá Lơ TaCon cầm đầu đóng tập trung ở Đồn Cao và Đồn Dưới. Ngày ấy Đồn Cao là nơi đóng quân của cơ lính số 7 và số 8 còn Đồn Dưới là nơi đóng quân của cơ lính số 5 và số 6. Lực lượng này trong đợt thao diễn tại Sơn Tây, một số anh em đã được Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học tuyên truyền giác ngộ và thành lập một tổ chức nhỏ với 40 người nằm chủ yếu ở hai cơ lính số 5 và số 6.
Nguyễn Thái Học dự kiến kế hoạch khởi nghĩa vào ngày 10/2/1930 và Yên Bái là địa điểm nổ ra đầu tiên. Sau đó ông hoãn lại vào ngày 15/2/1930 nhưng lệnh hoãn không đến được với đồng sự ở Yên Bái nên đúng 1 giờ sáng ngày 10/2 cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Nghĩa quân chia làm ba toán: toán thứ nhất phối hợp với binh lính khố đỏ đã được giác ngộ đánh chiếm trại lớn của Đồn Dưới và chiếm kho vũ khí phát cho nghĩa quân; toán thứ hai tiến đánh Đồn Cao, giết bọn sĩ quan chỉ huy và cướp trại; toán thứ ba đánh thẳng vào nhà của các sĩ quan Pháp ở giữa hai trại lính.
Việc tiêu diệt các sĩ quan, hạ sĩ quan Pháp diễn ra nhanh gọn, 7 tên bị giết ngay tại chỗ, 4 tên bị thương nặng. Một số lính khố đỏ chống lại nghĩa quân cũng bị tiêu diệt nhưng đáng tiếc là không giết được tên Trung tá tư lệnh Lơ TaCon. Cánh quân được giao nhiệm vụ đánh Đồn Dưới đã chiếm được đồn, sau đó chia nhau đi chiếm nhà ga và một vài cơ quan trong tỉnh lỵ, đồng thời hô hào nhân dân hưởng ứng khởi nghĩa. Một vài nơi người ta đã trông thấy lá cờ nửa vàng nửa đỏ treo trên một vài dinh thự của thị xã.
Cùng lúc, nhiều lần nghĩa quân tiến đánh Đồn Cao nhưng không được, do lực lượng quá mỏng. Do nghĩa quân không giết được Lơ TaCon và chiếm được Đồn Cao, nên trại lính khố xanh do tên giám binh Laphay chỉ huy trước đó hứa hưởng ứng khởi nghĩa, sau không tham gia, thậm chí còn quay súng lại chống trả nghĩa quân. Không có lực lượng hưởng ứng, không chiếm được Đồn Cao, thế tấn công của nghĩa quân bị chững lại, nhiều người hoang mang, dao động. Số binh lính còn lại hăng hái, nhưng không có người chỉ huy, chỉ còn biết cầm súng bắn lung tung về phía Đồn Cao. Nghĩa quân rơi vào tình trạng hỗn loạn vô tổ chức.
Tại Đồn Cao, Lơ TaCon sau vài lần đánh xuống Đồn Dưới không được, đành giữ thế phòng thủ theo dõi tình hình. Sau khi biết tình trạng tan rã của nghĩa quân, lại được sự yểm trợ bằng máy bay từ Hà Nội lên, Lơ TaCon đã tập hợp lực lượng chia làm 3 mũi tiến công bao vây Đồn Dưới, cuộc tấn công đã không vấp phải sự kháng cự nào. Chỉ sau 15 phút, chúng đã chiếm được toàn bộ Đồn Dưới, đến 9 giờ 30 phút sáng ngày 10/2/1930, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn bị dập tắt.
Và trách nhiệm gìn giữ
Từ dấu tích cổng Đục (Đồn Cao) cho thấy đây là dấu tích quan trọng, duy nhất còn lại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái trong suốt hơn 80 năm qua. Nơi đây ghi dấu những giờ phút khởi đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, gây tiếng vang lớn đầu những năm 1930, làm xôn xao dư luận nước Pháp. Dù cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng những tấm gương hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ yêu nước trên chiến trận, cũng như ra pháp trường của thực dân ngày ấy đã nêu gương, cổ vũ, bồi đáp lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chống kẻ thù xâm lược để giành lại độc lập cho dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Để mọi người dân Yên Bái, cũng như khách thập phương không chỉ biết đến nơi các chí sĩ yêu nước trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái anh dũng ra pháp trường với câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học “Không thành công, cũng thành nhân” biết thêm về Đồn Cao và Đồn Dưới, nơi mở đầu cho cuộc khởi nghĩa thì không chỉ dừng lại ở xếp hạng, công tác qui hoạch, quản lý và trùng tu đưa di tích vào khai thác để giáo dục truyền thống lịch sử theo cụm di tích lịch sử Nguyễn Thái Học là trách nhiệm, cũng như việc làm rất cấp thiết của hậu thế. Đáng buồn là bên cạnh việc xuống cấp và có nguy cơ bị xâm hại, hiện dấu tích lịch sử này đang bị biến thành nơi đổ rác của không ít người dân thiếu ý thức.
Trăn trở và mong muốn di tích được trùng tu khai thác, ông Nguyễn Tất Thái - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc lục tìm cho chúng tôi xem Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 14/4/2009 của UBND thành phố Yên Bái “Phê duyệt thiết kế qui hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng khu di tích lịch sử cổng Đục (Đồn Cao) - phường Nguyễn Phúc - Thành phố Yên Bái” cho thấy các cấp, ngành liên quan đã quan tâm đến di tích.
Qua xem xét cho thấy, qui hoạch chi tiết mặt bằng Cổng Đục (Đồn Cao) rộng 1.737 m2 gồm các phần việc: sửa chữa lại đầu hầm phía đông bị sập; san phẳng khoảng sân trước, sau và xung quanh để trồng cỏ tạo cảnh quan; xây dựng bậc tam cấp đi lên khoảng sân thăm quan và vào hầm; xây dựng bia khắc tên di tích; xây dựng hệ thống chiếu sáng công trình với tổng trị giá 255 triệu đồng. Nhưng kể từ đó đến nay, không hiểu vì khó khăn về kinh phí, hay vì lý do gì, khu di tích lịch sử cổng Đục (Đồn Cao) vẫn chưa được xây dựng?
Giờ đây, cổng Đục vẫn hoang phế ẩn mình trong cỏ dại và dây leo. Còn các thế hệ cháu con hôm nay rất ít người biết được rằng nơi đó đã có một Cổng Đục gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Bái như thế.
Bùi Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Rời Bản Lềnh trong buổi chiều thanh bình, đi giữa những đồi chè, rừng keo... trong lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc vui mừng bởi Bản Lềnh hôm nay đã khoác một chiếc áo mới - một cuộc sống no đủ đang đến với người dân nơi đây.
YBĐT - Ngồi trước mặt chúng tôi, trong căn phòng đủ tiện nghi làm việc của thời đại công nghệ thông tin phát triển là Giám đốc Nguyễn Hồng Quang - người sáng lập ra doanh nghiệp Quang Thịnh nổi tiếng ở vùng núi phía tây của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sự vào cuộc không đồng bộ, công tác tuyên truyền, vận động yếu kém của các cơ quan chức năng địa phương cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống khó khăn của người dân... đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Các xưởng chế biến gỗ pơ mu "mọc" lên ở Nậm Có (Mù Cang Chải) hơn một năm trở lại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho chính quyền địa phương.