Hoa đẹp xứ Mường

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/6/2013 | 8:43:46 AM

YBĐT - Ngày nay, nối tiếp truyền thống của thế hệ các mẹ và các chị, nhiều cô gái Mường nơi đây tựa những bông hoa tươi thắm. Trong số ấy phải kể đến chị Hoàng Thị Phượng hiện là Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Chị được mọi người cảm phục như một tấm gương mẫu mực về mọi mặt, nhất là tinh thần vượt khó, trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc.

Phụ nữ Mường xã Sơn A với thành quả sản xuất thâm canh tăng vụ trên chân ruộng hai vụ lúa. (Ảnh: hanh Chi)
Phụ nữ Mường xã Sơn A với thành quả sản xuất thâm canh tăng vụ trên chân ruộng hai vụ lúa. (Ảnh: hanh Chi)

Ông Lò Văn Phan - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc - địa phương có 37% dân số là người Mường và trên 50% là người Thái đã nhận xét rằng, việc nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ dân tộc thiểu số và chiến lược phát triển cán bộ nữ là vấn đề địa phương rất quan tâm. Nhưng hiện tại, nữ cán bộ chủ chốt của xã, nhất là cán bộ lãnh đạo hội phụ nữ thì vẫn chỉ có những chị em người Mường mới đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm.

Người Mường ở vùng Mường Lò định cư chủ yếu tại các xã Sơn A, Thanh Lương, Phù Nham, Phúc Sơn (Văn Chấn), xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) và là dân tộc thiểu số có dân số đông thứ hai sau người Thái. Người Mường ở đây từ xa xưa đã là một tộc người hiếu học và trong các vùng quê hiếu học nhất phải kể đến thôn Ao Luông, xã Sơn A (Văn Chấn). Hiếu học nên thôn này đã có ông Đinh Văn Thuyên - nguyên Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, ông Hà Tài - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Văn Chấn, bà Đinh Thị Khuyên từng là đại biểu Quốc hội khóa IV.

Ngày nay, tiếp nối truyền thống đó, Ao Luông có khá nhiều thạc sỹ thuộc nhiều chuyên ngành đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Người trong vùng vẫn nhắc đến gia đình ông Hoàng Văn Thái như một điển hình cho phong trào học tập của người Mường ở Mường Lò kể từ khi tỉnh Nghĩa Lộ được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của giặc Pháp.

Chuyện kể rằng, thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đa số đàn ông, đàn bà ở Mường Lò đều mù chữ. Vậy mà 8 anh chị em của ông Thái dù nghèo khổ nhưng ngay sau khi giải phóng Nghĩa Lộ năm 1952, gia đình đã tạo mọi điều kiện cho đi học. Trong số đó, có bà Hoàng Thị Dong, sinh năm 1938 và em gái là Hoàng Thúy Hồng, sinh năm 1943 được gia đình cho đi học văn hóa ở tận huyện Thuận Châu, nay thuộc tỉnh Sơn La. Sau này, bà Dong theo ngành sư phạm, bà Hồng theo ngành y và đều kết hôn với những trí thức ở miền xuôi lên công tác như ông Nguyễn Văn Bào từng làm Phó ty Giáo dục tỉnh Nghĩa Lộ, ông Phan Trinh là Trưởng ty Y tế tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Đặc biệt, với sự nỗ lực học tập của mình, năm 1959, trong số ít phụ nữ ở Tây Bắc được về Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ thì bà Dong là đại biểu nữ trẻ nhất. Bà Dong vẫn nhớ như in lời căn dặn ân cần của Bác Hồ rằng, mình là những phụ nữ dân tộc hiếm hoi ở Tây Bắc được đi học, được làm cô giáo thì phải vận động thật nhiều đồng bào các dân tộc cùng đi học.

Theo lời Bác dạy, bà luôn nỗ lực cùng chồng là nhà giáo Nguyễn Văn Bào xây dựng phong trào học tập ở tỉnh Nghĩa Lộ. Thực tế có một hiệu ứng rất đặc biệt là người Mường ở vùng này ai cũng muốn con em mình được học tập tốt để thành cán bộ và được gặp Bác Hồ như bà Dong.

Từ phong trào học tập này đã hình thành nên một đội ngũ cán bộ nữ không chỉ cho các xã có người Mường sinh sống mà còn tạo nguồn cán bộ nữ cho huyện Văn Chấn. Chẳng hạn như xã Sơn A, người Mường chỉ có khoảng gần 30% dân số, người Thái 51% nhưng từ trước đến nay, chủ tịch hội phụ nữ xã đều là người Mường. Ở xã Phù Nham cũng vậy, người Mường có gần 30%, người Thái 47% nhưng chủ tịch hội phụ nữ qua các thời kỳ cũng chỉ có người Mường.

Ông Lò Văn Phan - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc - địa phương có 37% dân số là người Mường và trên 50% là người Thái đã nhận xét rằng, việc nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ dân tộc thiểu số và chiến lược phát triển cán bộ nữ là vấn đề địa phương rất quan tâm. Nhưng hiện tại, nữ cán bộ chủ chốt của xã, nhất là cán bộ lãnh đạo hội phụ nữ thì vẫn chỉ có những chị em người Mường mới đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm.

Bà Phạm Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn nhận xét: “Tôi làm cán bộ hội phụ nữ lâu năm ở Văn Chấn và làm việc ở thời kỳ còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, tôi thấy chị em người Mường có nhiều tiến bộ về học thức nên khi làm công tác xóa mù chữ cho hội viên ở cơ sở, rất ít phụ nữ Mường phải tham gia xóa mù chữ. Họ cũng là những người luôn tích cực, năng động đưa các phong trào của hội vào công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí vùng nông thôn”. Bà Ngân còn cho biết thêm, khoảng hơn 20 năm về trước, những chủ tịch hội phụ nữ xã là người Mường như chị Đinh Thị Mèn ở xã Nghĩa Phúc, Đinh Thị Niệm ở Sơn A, Hà Thị Đấu ở Phù Nham… luôn là những điển hình cho phong trào phụ nữ toàn huyện học tập và làm theo.

 

Ngoài thời gian công tác, chị Hoàng Thị Phượng luôn bận bịu công việc gia đình.

Ngày nay, nối tiếp truyền thống của thế hệ các mẹ và các chị, nhiều cô gái Mường nơi đây tựa những bông hoa tươi thắm. Trong số ấy phải kể đến chị Hoàng Thị Phượng hiện là Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Chị được mọi người cảm phục như một tấm gương mẫu mực về mọi mặt, nhất là tinh thần vượt khó, trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc. Sinh năm 1972 ở xã Phù Nham và chỉ học hết trung học cơ sở, chị phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau đó, chị lấy chồng ở xã Nghĩa An - nơi có gần 100% dân số là đồng bào Thái sinh sống. Nhà chồng cũng hoàn cảnh nên chị đã cố gắng làm lụng để cải thiện cuộc sống. Thấy chị nhanh nhẹn, tháo vát nên xã vận động làm nhóm trưởng của một nhóm phụ nữ trong thôn.

Không biết tiếng Thái và nhiều chị em còn bảo thủ, không muốn nghe theo một cô gái Mường ở nơi khác mới đến làm dâu nên chị Phượng nghĩ mình phải cố gắng học tiếng Thái cũng như phải làm thật nhiều việc tốt để mọi người làm theo. Kỷ niệm chị nhớ nhất trong công tác phong trào là sau khi sinh đứa con thứ hai lúc mới 24 tuổi, gia đình chị vẫn rất khó khăn, đặc biệt chị em trong thôn ai cũng ái ngại với việc thực hiện các biện pháp tránh thai, nhất là đình sản nữ nên chị bàn với chồng cho mình tiên phong làm gương. Chị đã trở thành phụ nữ trẻ nhất huyện thực hiện đình sản. Sinh đẻ có kế hoạch, giàu ý chí vươn lên, chị Phượng tiếp tục học bổ túc trung học phổ thông rồi được tham gia Ban Quản lý Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa An.

Sau đó, chị làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã, làm công tác văn phòng UBND xã và nay là Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Chị cũng đang chuẩn bị học tiếp đại học chuyên ngành luật để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài giờ làm việc xã hội, chị bận bịu với nhiều công việc gia đình do mẹ già, các con còn đang đi học, chồng cùng công tác ở xã. Chị còn cộng tác với một công ty du lịch lữ hành và từ đầu năm đến giờ, gia đình chị đã đón trên 400 lượt khách nước ngoài ăn, ở tại nhà sàn của mình.

Nhiệm vụ chính của chị là nấu các món ăn dân tộc cho khách, kể chuyện văn hóa dân gian các dân tộc vùng Mường Lò. Mục đích làm du lịch của chị là vừa bảo tồn được văn hóa dân tộc vừa quảng bá được hình ảnh của Mường Lò đồng thời giúp cộng đồng phát triển kinh tế. Sau những bộn bề công việc của một ngày, chị lại tập trung nghiên cứu tài liệu để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đưa Nghĩa An luôn vững vàng là một điển hình phát triển kinh tế, xã hội.

Bà Hoàng Thị Dong (người thôn Ao Luông, xã Sơn A, huyện Văn Chấn) là người đứng cạnh Bác Hồ.

Cùng tuổi với chị Phượng còn có Đinh Thị Nga ở xã Thanh Lương cũng là một tấm gương giàu nghị lực vượt khó vươn lên. Học xong trung học phổ thông, chị lấy chồng rồi sinh con. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị vẫn là một điển hình ở xã trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Chị đã tham gia và đoạt giải trong nhiều hội thi của hội phụ nữ, hội nông dân.

Từ những nỗ lực của bản thân, chị đã được tín nhiệm tham gia lãnh đạo công tác phụ nữ ở thôn rồi làm Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lương. Năm 2008, chị được điều động làm Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Chấn. Năm 2010, sau khi học xong đại học chuyên ngành xã hội, chị được giữ chức Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn.

Mường Lò hôm nay, thế hệ đàn em của chị Phượng, chị Nga và rất đông những cô gái Mường được gia đình cho ăn học chu đáo đã, đang công tác trong nhiều lĩnh vực thì ở vùng nông thôn cũng có nhiều cô gái Mường tuổi đời còn trẻ, giàu nghị lực, tích cực hoạt động công tác xã hội, tham gia xóa đói giảm nghèo và thi đua học tập không ngừng. Đó là chị Phùng Thị Diệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Nham, Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn A, Hà Thị Hồng và Hà Thị Thủy Tiên đều là lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh, Sầm Thị Tâm - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Phúc. Họ thật sự là những bông hoa đẹp trong rừng hoa hương sắc xứ Mường...

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đăng kiểm kiểm tra hệ thống đèn pha bằng thiết bị cũ.

YBĐT - Những ngày này ở Trung tâm Đăng điểm xe cơ giới Yên Bái chật cứng xe tới làm thủ tục đăng kiểm. Chứng kiến cảnh tượng này đủ thấy sự quá tải đến đáng ngại… >> Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái: Nâng cao chất lượng kiểm định

Ban lãnh đạo Công ty Dược phẩm Nhật Bản thăm trại thỏ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

YBĐT - Những cam kết trong lời phát biểu và cả cách giao tiếp cởi mở, thân thiện của ông Yamane - Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam và các thành viên trong đoàn, có thể thấy rằng: Đây thực sự là một cơ hội vô cùng quý báu với người chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chị Trần Thị Kim Thu - Trưởng ban Gia đình và Xã hội Tỉnh hội Phụ nữ hướng dẫn hoạt động của CLB Kết nối mẹ và con gái xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Theo thống kê mới đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy xả nước thải ra sông Hồng thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và 2 nhà máy xả nước thải ra sông Chảy tại huyện Lục Yên. Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục