Đến sáng 15-10, địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn ghi nhận mưa rất to. Tại TP Huế, mưa lớn làm nhiều trục đường chính như Trường Chinh, Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Hùng Vương, Bến Nghé… bị ngập nước.
Nước lên quá nhanh khiến nhiều khu vực ở TP Huế bị cô lập. Ở khu vực phường An Tây (TP Huế), nước lũ lên quá nhanh khiến nhiều nhà dân ở khu vực thấp trũng không kịp trở tay, chìm trong bể nước. Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải huy động xuồng hơi cùng nhiều cán bộ chiến sĩ để đưa người dân chạy lũ trong đêm.
Công an Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân ở khu vực phường An Tây (TP Huế) chạy lũ trong đêm
Chị Nguyễn Hiền (trú TP Huế) cho biết, dù đã được thông báo mưa lớn sẽ gây ngập lụt nhưng không ngờ mưa lại kéo dài liên tục mấy tiếng đồng hồ đến thế.
"Mưa liên tục mấy tiếng đồng hồ không dứt làm nước không kịp rút, ngập ứ. Đến sáng nay nước vẫn còn ngập rất cao", chị Hiền nói.
Theo ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24 giờ qua trên địa bàn có mưa rất to với lưu lượng trung bình 450-500mm. Mưa lớn khiến lũ trên sông Hương, sông Bồ đều vượt mức báo động 3 gây ngập lụt diện rộng.
Mưa lớn khiến hơn 11.200 nhà dân bị ngập từ 0,3-0,8m.
Hiện nay do mưa lớn nên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tạm thời bị chia cắt. Đoàn tàu SE7 đi từ Hà Nội đến TP.HCM có 183 hành khách hiện vẫn phải dừng lại ở ga Huế vì mưa lũ.
"Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại do trận mưa lớn này gây ra. Chúng tôi cũng đã công bố số điện thoại khẩn cấp là 19001075 và đề nghị người dân chỉ gọi khi thực sự cần thiết", ông Hùng nói.
* Người dân Đà Nẵng thức trắng đêm vì mưa lớn lịch sử
Đêm 14/10, nhiều khu vực của TP Đà Nẵng chìm trong biển nước, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Những con đường của TP Đà Nẵng như biến thành sông chỉ trong vài tiếng đồng hồ mưa lớn. Người dân chật vật vượt dòng nước trong hàng giờ đồng hồ. Nhiều phương tiện đã không thể di chuyển và bị chết máy. Không còn cách nào khác, rất đông người dân phải chọn cách dừng xe ngay trên những cây cầu để đảm bảo an toàn. Không ít người chờ đến nửa đêm vẫn chưa thể di chuyển. Lực lượng chức năng đã phải rất khó khăn để phân luồng, cảnh báo các phương tiện trong điều kiện mưa lớn.
Nhiều khu dân cư tại các quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có một đêm không ngủ khi phải vất vả chạy lũ ngay trong đêm, tìm cách sơ tán và di chuyển người cũng như tài sản đến nơi an toàn. Có một số hộ dân có người già, phụ nữ và cả trẻ em đã phải đăng thông tin lên mạng xã hội nhờ ứng cứu do nước ngập tràn vào nhà, không thể thoát kịp. Lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc tiếp cận và hỗ trợ.
Theo ghi nhận của phóng viên báo chí, thời điểm này, TP Đà Nẵng đã không còn mưa lớn. Mưa đã giảm dần từ giữa đêm qua cho đến sáng nay. Nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Hòa Vang như xã Hòa Sơn, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên đêm qua ngập sâu thì đến sáng nay, mực nước đã rút dần.
Kể từ sau trận lụt lịch sử những năm 1998, nhiều người dân TP Đà Nẵng cho rằng phải 20 năm trở lại đây, họ mới chứng kiến một đợt mưa lớn gây ngập lụt nặng nề trên diện rộng như đêm qua.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng trên địa bàn Đà Nẵng vẫn sẵn sàng các phương án, phương tiện ứng phó. Đồng thời triển khai lực lượng để dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân thu dọn, vận chuyển đồ đạc. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học hôm nay.
* Sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm người dân bị cô lập
Chính quyền, ngành chức năng và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khắc phục sạt lở và sẵn sàng phương án ứng cứu dân trong trường hợp cấp thiết.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường ĐH5 thuộc địa phận huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã khiến hơn 1km đường bị đất đá vùi lấp, giao thông bị chia cắt nhiều ngày qua làm cô lập hàng trăm hộ dân.
Đoạn đường bị sạt lở nặng nhất đi thôn Tứ Nhũ có khối lượng đất đá cả nghìn mét khối. Có nơi, những tảng đá lớn có đường kính 2-3m chắn ngang đường khiến giao thông bị tê liệt, gây ách tắc hoàn toàn tuyến đường độc đạo dẫn đến thôn Tứ Nhũ, cô lập 170 hộ dân với 350 nhân khẩu.
Địa phương đã huy động nhiều phương tiện tham gia khắc phục các vị trí bị sạt lở đang gây ách tắc, đồng thời Ban Chỉ huy quân sự huyện cũng điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân sẵn sàng công tác ứng cứu khi tình huống cấp thiết xảy ra.
"Tổ chức trưng dụng các tàu công suất lớn tại chỗ để đưa lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân. Đồng thời ứng cứu, giúp đỡ người dân khi có tình huống xảy ra như cấp cứu những trường hợp ốm đau, người già, phụ nữ, trẻ em, sẵn sàng cấp cứu khi cần thiết", Thượng tá Trần Hữu Ích, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam cho biết.
Nhờ chủ động triển khai phương châm "4 tại chỗ" nên cơ bản đời sống của hàng trăm người dân tại khu vực bị cô lập hiện vẫn được đảm bảo. Dự kiến, khoảng 2-3 ngày tới sẽ khắc phục xong khối lượng sạt lở. Chính quyền địa phương đang chỉ đạo khẩn trương xử lý các phần việc để sớm thông tuyến, giúp bà con sớm trở lại cuộc sống bình thường.
(Theo TTO - VTV)