Biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng, cần sự quan tâm và hành động quyết liệt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/7/2023 | 9:02:57 AM

Các đợt nắng nóng, tình hình liên quan đến biến đổi khí hậu và El Nino là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia. “Chúng ta cần hợp tác và thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả muôn đời sau”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) về những đợt nắng nóng vừa qua trên thế giới và tại Việt Nam.

Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận

Phóng viên (PV): Nhiệt độ trung bình trong ba ngày 3 - 5/7 được cho là nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có thể thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) và hiện tượng El Nino đã thay đổi điều kiện khí quyển, gia tăng các đợt nắng nóng trên khắp thế giới. Với vai trò là Quyền chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

GS.TS Trần Hồng Thái: Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, biến đổi khí hậu đã có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á.

Theo báo cáo mới nhất xuất bản ngày 6/7/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 0,50C so với trung bình nhiều năm (1991-2020), phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trước đó vào tháng 6/2019. Sang tháng 7, nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu là 17,18oC vào ngày 4 và ngày 5/07, theo dữ liệu được đối chiếu của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) giá trị này đã vượt qua mức kỷ lục trước đó là 17,01oC vào ngày 3/07.

Thực tế là các đợt nắng nóng mạnh và thời tiết nóng bức trong những ngày 3 - 5/7 không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, thường gây ra tình trạng thời tiết cực đoan về nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, hạn hán, cháy rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Tôi đánh giá thực trạng khí hậu hiện tại là một sự thách thức lớn đối với cả hệ thống khí quyển và cuộc sống của con người. Chúng ta cần hiểu rõ về các thay đổi khí hậu để xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó cho các hiện tượng thời tiết cực đoan là cần thiết. Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu về khí hậu, tìm hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng và cách thức ứng phó.

Điều này có thể bao gồm việc thúc đẩy các biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh công nghệ xanh. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn cũng rất quan trọng. Chúng ta cần chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, cùng nhau phát triển các giải pháp toàn cầu để ứng phó với thách thức khí hậu ngày càng tăng.

Tóm lại, tôi đánh giá thực trạng các đợt nắng nóng và tình hình thay đổi khí hậu liên quan đến biến đổi khí hậu và El Nino là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia. Chúng ta cần hợp tác và thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả muôn đời sau.

PV: Theo báo cáo tháng 5 của Tổ chức Khí tượng Thế giới, đối mặt với các mối đe dọa từ BĐKH và El Nino, nhiều khả năng thế giới sẽ vượt giới hạn tăng 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và nó sẽ tác động đến thế giới như thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Hồng Thái: Ngày 17/5/2023, WMO cảnh báo có ít nhất 1 năm trong thời kỳ từ năm 2023-2027 nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (với xác suất khoảng 66%). Và có ít nhất 1 năm trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm tới nói chung sẽ là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận (với xác suất khoảng 98%).

Dự báo này không có nghĩa là trái đất chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris, bởi thỏa thuận này đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang cảnh báo rằng chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.

Nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu làm cho trái đất ngày càng nóng lên. Ngoài ra WMO cũng nhấn mạnh nguyên nhân là do tác động của hiện tượng El Nino đã có dấu hiệu hình thành và dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những tháng của nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024. Sự kết hợp của 2 yếu tố này có thể sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức cao chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe con người, an ninh lương thực, quản lý tài nguyên nước và các vấn đề về môi trường ở nhiều nơi trên toàn thế giới.


GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn. 

BĐKH sẽ diễn ra mạnh mẽ, hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra với tần suất cao hơn

PV: Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã lên tiếng rằng BĐKH đã vượt tầm kiểm soát. Vậy các giải pháp cấp bách của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần làm ngay là gì, thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Hồng Thái: Kết quả của Hội nghị COP 26 đã cho thấy những biện pháp tuyệt vời và đầy hứa hẹn để duy trì mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 2 độ C. Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió sẽ giúp làm giảm lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu là một giải pháp quan trọng đối với tất cả các quốc gia.

Đến nay, hơn 110 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050, hơn 105 quốc gia đã cam kết giảm phát thải methane 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết của họ, BĐKH dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và hiện tượng khí hậu cực đoan được dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn.

Gần đây nhất, Liên hợp quốc đã đưa ra kêu gọi các quốc gia thúc đẩy phát triển "Hệ thống Cảnh báo sớm cho tất cả”, đây là một công cụ hiệu quả và khả thi để thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ tính mạng, tài sản và đã được chứng minh mang lại lợi ích gấp gần mười lần so với mức đầu tư (theo Báo cáo Đánh giá thứ sáu của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, IPCC).

Hệ thống Cảnh báo sớm mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội và là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự chống chịu với thời tiết và khí hậu cực đoan. Điều này là cơ sở cho việc đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành Khí tượng Thủy văn có nhiều công cụ hỗ trợ nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả đối với đất nước.

Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể. Điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Ngành Khí tượng Thủy văn đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.

Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo; đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để nghiên cứu, xây dựng, phát triển các thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Thủ tướng chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo COP26 ngày 14-7

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện cam kết COP26.

Áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Biển Đông và đang mạnh lên. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới đang tiến vào vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông trong chiều nay, 14/7.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, chiều nay, 14/7, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã đi vào Biển Đông.

Thực hành diễn tập di dời khẩn cấp nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đến khu vực sơ tán tại thôn Khe Pháo và cứu hộ, cứu nạn trên sông tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên

Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như: sử dụng mạng xã hội trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt tăng cường tương tác và tốc độ truyền tải thông tin hai chiều trong công tác cảnh báo và tuyên truyền cho người dân diễn biến thời tiết bất lợi, các kỹ năng ứng phó thiên tai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục