Mưa lũ trong 2 ngày qua tại khu vực vùng núi phía bắc khiến 3 người chết, nhiều nhà cửa bị hư hỏng nặng nề, các tuyến đường Quốc lộ bị sạt lở khiến giao thông gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua (08/8), ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc đã có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có mưa to; lượng mưa tính từ 19h ngày 08/8 đến 03h ngày 09/8 có nơi trên 100mm như: Ka Lăng (Lai Châu) 118.6mm, Mường Tè (Lai Châu) 110.0m, Cảm Nhân (Yên Bái) 106.8mm, Thành Long (Tuyên Quang) 116.0mm,…
Dự báo ngày và đêm 09/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm. (Thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ trưa chiều hôm nay (9/8), lượng mưa ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc giảm nhưng vẫn có thể xảy ra mưa và mưa rào trên diện rộng. Ngày 10 và 11/8 có khả năng còn mưa vài nơi, trời hửng nắng.
Sau một thời gian dài có mưa liên tục nên nhiều địa phương ở vùng núi và trung du Bắc Bộ với tổng lượng mưa 7 ngày qua phổ biến 70-150mm nên số huyện có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh đang ở mức cao. Cụ thể ở Sơn La có 175 xã thuộc 11 huyện với trên 940 điểm có nguy cơ sạt lở, Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện với trên 510 điểm có nguy cơ sạt lở, Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện và Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện với trên 300 điểm có nguy cơ sạt lở.
Ông Hoàng Phúc Lâm cảnh báo, từ ngày 9 đến 10/8, trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với đỉnh lũ tại trạm Yên Bái và Phú Thọ lên mức báo động 1. Dòng chảy các hồ chứa Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát tăng chậm và duy trì ổn định trong ngày 8 và 9-8 sau đó giảm chậm. Trong khoảng 4-5 ngày tới, mực nước các hồ sẽ tăng thêm khoảng 2-4m do lưu lượng nước về hồ hiện vẫn lớn.
Ông Hoàng Phúc Lâm dự báo, trong khoảng 20 ngày cuối tháng 8, khu vực Bắc Bộ vẫn nằm trong giai đoạn mưa nhiều đan xen với 1-2 đợt nắng nóng. Trong tháng 8, khu vực Bắc Bộ phổ biến có mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng khu vực Lai Châu và Điện Biên xấp xỉ trung bình. Tổng lượng mưa trong 20 ngày cuối tháng tại khu vực Tây Bắc có thể đạt từ 100-200mm, khu vực Việt Bắc có thể đạt từ 150-250mm, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có thể đạt từ 150-300mm.
Tối 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký
Công điện số 732/CĐ-TTg về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu rõ, từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân; tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét…
*** Tại Yên Bái, ngay sau xảy ra lũ ống, lũ quét tại Mù Cang Chải, tỉnh đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đến trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước do mưa lũ gây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bảo vệ sản xuất; khắc phục nhanh hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Văn Tuấn (BT- SKĐS)