Mấy hôm nay, trên địa bàn thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải có mưa vừa, mưa to với lượng mưa trung bình từ 30 đến 50 mm. Thực hiện nhiệm vụ của mình, ông Lò Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) thị trấn lại đến kiểm tra tình hình thực tế của các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, trong đó có điểm tại tổ 4, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân trong vùng ảnh hưởng nêu cao ý thức, chủ động phòng tránh thiên tai.
Mùa mưa lũ năm 2023, gia đình ông Vũ Khắc Long ở tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải đã bị ảnh hưởng do taluy sau nhà sạt lở. Không thiệt hại lớn về tài sản nhưng qua đó gia đình ông Long đã nhận thức rõ được mối nguy hiểm khi sạt lở đất gây ra.
Cách nhà ông Long không xa, gia đình ông Vũ Xuân Khánh cùng ở tổ 4, thị trấn
Mù Cang Chải được xây dựng sát một khe suối lớn bắt nguồn từ trên xã Mồ Dề. Được cán bộ địa phương đến trực tiếp tuyên truyền về nguy cơ và những thiệt hại trong trường hợp xảy ra lũ ống, lũ quét, gia đình ông Khánh sẵn sàng chấp hành di dời khi được cảnh báo về khả năng thiên tai.
Cán bộ thị trấn Mù Cang Chải kiểm tra nắm bắt tình hình tại một số địa điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, vào mùa mưa thường xảy ra các trận giông lốc, mưa đá. Từ tháng 5 đến tháng 8 thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất dọc từ tổ 1 đến tổ 4 và các đường liên tổ gây ách tắc giao thông, tắc cống. Mưa to kéo dài làm nước suối Nậm Kim dâng cao dễ gây ngập úng tại tổ 2 khu vực Trường TH&THCS. Lũ quét có thể xảy ra ở các tổ 1, 2, 3, 4, 5.
Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn, thị trấn luôn chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập úng để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven khe, suối, khu vực sườn, đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Dự báo trong năm nay, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 đợt mưa to, mưa đá, gió lốc, làm thiệt hại 208 nhà dân; gây nhiều thiệt hại tại một số trường học, công trình giao thông cùng nhiều thiệt hại về sản xuất.
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố sạt lở trên quốc lộ 32 đoạn từ Km259+100 đến Km269+300 qua đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ
Chỉ trong đợt mưa lớn từ ngày 20 đến 21/7 vừa qua, trên quốc lộ 32 đoạn từ Km259+100 đến Km269+300 qua đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ đã có 9 vị trí sạt lở với 2.100 m3 đất đá trôi tràn mặt đường, gây ách tắc giao thông; sạt lở taluy ảnh hưởng 4 nhà dân…
Theo rà soát, hiện Mù Cang Chải còn 40 hộ nằm trong khu vực ngập lụt, 74 hộ trong khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét; 64 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất,… Vì vậy, phương châm "4 tại chỗ" luôn được huyện đặt lên hàng đầu.
Theo dự báo, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải năm nay sẽ có khoảng 24 - 28 đợt mưa lớn với tổng lượng mưa cả năm phổ biến từ 1.400 - 1.800 mm, tập trung vào tháng 7, tháng 8 và tháng 10. Là huyện vùng cao, Mù Cang Chải là một trong những địa phương nằm trong nhóm luôn đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Vì vậy, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện, xã và các lực lượng thành viên luôn thường trực nhiệm vụ nắm chắc diễn biến tình hình của bão, áp thấp nhiệt đới để chỉ đạo, chỉ huy lực lượng tại chỗ, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống; hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, hướng dẫn giúp đỡ nhân dân địa phương nhanh chóng ổn định sau thiên tai…, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão.
Thành Trung - Hoài Văn