Khơi nguồn vàng trắng
- Cập nhật: Thứ tư, 2/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đêm ở Phiêng Kại xã Phong Dụ Thượng, Văn Yên (Yên Bái) như xuống nhanh hơn. Màn sương mờ đục phủ lên đồi núi một màu trắng nhạt ẩm ướt. Công trường xây dựng thuỷ điện Ngòi Hút 1 như một thị trấn nhỏ, càng về khuya càng rực rỡ. Từng đoàn xe vẫn cần mẫn qua lại, công trường vọng lên tiếng máy ầm ì, tất cả - cho ngày phát điện...
Mặt bằng Nhà máy thuỷ điện Ngòi Hút I.
|
Hơn một năm qua, kể từ ngày khởi công xây dựng thủy điện Ngòi Hút 1 do Tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư, công suất 8,4 MW với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng, những hạng mục công trình như: đường công vụ, móng đập chính, hầm dẫn nước áp lực, mặt bằng nhà máy đang dần được hoàn thành.
Trước đây, toàn bộ khu vực của công trường là núi rừng hoang vu, từ khi khởi công công trình, các phương tiện xe máy hiện đại cùng người thợ lành nghề được các nhà thầu huy động về đây dò sông, bóc núi, mở đường. Những chiếc máy xúc như con sâu đo chênh vênh bên sườn núi, bóc từng lớp đất đá, mở đường công vụ; những chiếc máy cồng kềnh, nặng nề vượt sông.
Đến nay, diện mạo công trình đã hình thành rõ nét, dòng Ngòi Hút đã được điều chỉnh đi vào kênh dẫn dòng, nhường lòng suối cho đơn vị thi công. Anh Đào Tăng Vũ - Phó giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng 25, đơn vị thi công đập chặn dòng cho biết: “Do thi công ở vùng sâu, vùng xa nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo đảm sức khoẻ cho công nhân, yếu tố này quyết định tiến độ thực hiện và chất lượng công trình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chuẩn bị đầy đủ thiết bị máy móc, nguyên vật liệu bảo đảm có thể làm việc liên tục 24/24 giờ kể cả trong thời tiết khắc nghiệt nhất”.
Đứng trên cao trình 254 - nơi mà mai kia, khi dòng Ngòi Hút được chặn lại, nước dâng lên chảy vào hầm áp lực, nhìn xuống phía dưới, hàng trăm công nhân được chia thành từng tốp, nhóm, tổ đang thi công các trụ đỡ thân đập, đan sắt đổ bê tông, xử lý hố móng… Anh Vũ chỉ về phía một công nhân trẻ đang điều khiển chiếc máy xúc công xuất lớn cần mẫn đào từng khối đá, giới thiệu: “Kia là Kiên, công nhân thuộc đội cơ giới, người có nhiều sáng kiến và việc làm hiệu quả nhất của đơn vị”.
Được biết, Kiên ở Thái Bình mới vào làm việc tại Công ty được 3 năm. Cách đây ít ngày, trong khi đơn vị thi công hố móng trụ đỡ đập tràn thì gặp phải khối đá ngầm lớn. Nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung tối đa nhân lực để đào, thì Kiên tính toán và khẳng định dùng thuốc nổ kết hợp với máy xúc, có thể xử lý nhanh gọn. Và bằng cách này, Công ty đã tiết kiệm được hàng trăm ngày công lao động. Trò chuyện về công việc những dự định trước mắt, Kiên cười thật tươi: “Công trình đang trong giai đoạn thi công nước rút, Tết này, em xin Công ty cho ở lại, đơn vị tổ chức ăn Tết sớm để có thời gian thi công công trình bảo đảm kế hoạch”.
Anh Nguyễn Hữu Oai - Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Long Thành: Đơn vị đảm nhiệm thi công đường hầm áp lực của Nhà máy với tổng chiều dài hơn 300 mét. Đến nay, đường hầm ngang dài 280 mét đã hoàn thành, đã đào gần 7500m3 đá, hiện anh em công nhân thi công phần đường hầm đứng. Ngay từ ngày bắt tay vào thi công, anh em đã lao động với quyết tâm rất cao, nhằm hoàn thành sớm phần việc được giao. Do địa chất có nhiều phức tạp, thi công trên nền đá phong hoá, nên việc tạo mặt phẳng rất khó khăn, đơn vị thi công đến đâu gia cố đến đó, tránh sạt lở. |
Theo hướng tay anh Vũ chỉ, trụ đỡ A4 cao như toà nhà 5 tầng đã cơ bản hoàn thành, phía dưới, cống dẫn dòng đang đi vào sử dụng. Đến thời điểm này, đơn vị đã cơ bản hoàn tất các hạng mục phụ trợ cho việc đổ bê tông 4 trụ đỡ thân đập.
Để bảo đảm sự an toàn cao nhất cho công trình, Công ty phải huy động hàng chục cán bộ kỹ thuật và hàng trăm công nhân thay phiên nhau làm ba ca liên tục, các hố móng phải đào đến đá gốc, phải xử lý các đứt gẫy phát sinh ngoài dự toán. Bằng sự cố gắng của cán bộ, công nhân đơn vị, mặt bằng cảnh quan công trình đã cơ bản hoàn thành.
Trời càng về khuya, âm thanh từ công trường vọng về càng rõ. Từng tốp công nhân áo bảo hộ lao động màu xanh, màu da cam, kẻ tan ca, người vào ca râm ran cười nói. Nhà bếp các công trình vẫn sáng ánh đèn phục vụ ăn ca cho những công nhân từ công trường trở về.
Trong phòng thí nghiệm, các cán bộ kỹ thuật vẫn mải mê với các mẫu bê tông, đất đá. Để bảo đảm các hạng mục công trình hoàn thành đúng tiến độ, ngay từ đầu, các nhà thầu đã liên tục tăng ca, tăng kíp; có ngày, các cán bộ kỹ thuật có từ 2 đến 3 cuộc giao ban.
Trong dịp tết Nguyên đán năm nay, nhiều những tổ thợ sẽ phải ở lại công trường. Mặc dù các nhà thầu và ban quản lý dự án bố trí cho anh em nghỉ bù, nghỉ trước, nhưng nhiều người vẫn tình nguyện bám trụ. Dự kiến, công trình thuỷ điện Ngòi Hút 1 sẽ đi vào sử dụng vào quí IV/2008, khi đó, hàng năm sẽ cung cấp trên 36 triệu kw điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội hôm nay và mai sau.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Sáng 28/12, Công ty cổ phần xi măng Yên Bình (Yên Bái) đã chính thức công bố sản phẩm và đưa dây chuyền sản xuất xi măng Vinaconex Yên Bình có công suất trên 910 ngàn tấn năm vào hoạt động.
YBĐT - Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái là một trong ba dự án tỉnh trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2003 - 2008. Dự án được triển khai tại 14 xã với 119 thôn, bản của huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải với 47.081 người, trong đó có 2.691 hộ nghèo được tham gia. Qua 4 năm thực hiện, Dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đời sống người dân trong vùng dự án được cải thiện một cách bền vững.
YBĐT - Từ năm 2005 tới nay, các huyện thị phía Tây của tỉnh Yên Bái được đầu tư, sửa chữa 206 công trình thuỷ lợi với năng lực tưới 12.350 ha. Trong đó, huyện Văn Chấn có 110 công trình, Thị xã Nghĩa Lộ 9 công trình, huyện Trạm Tấu 48 công trình và huyện Mù Cang Chải 39 công trình. Các công trình có tổng vốn đầu tư 115 tỷ 434 triệu đồng, vượt 15% Đề án phê duyệt trong cả giai đoạn 2005 - 2010.
YBĐT - Mặc dù đã được sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, nhưng đến nay nhiều hộ dân tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.