Các dự án đầu tư dàn trải, phân tán, chậm tiến độ
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2009 | 12:00:00 AM
Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về giám sát các dự án đầu tư trong nửa đầu năm nay. Theo bộ này, mặc dù hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư và giám sát đầu tư đã khá hoàn thiện, song tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, chậm tiến độ ở hầu hết các dự án vẫn diễn ra.
Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án trong năm 2009 chủ yếu vẫn là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khó khăn.
|
Điển hình đối với các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư lại rơi vào các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo tổng hợp của Bộ KHĐT từ 97 cơ quan bộ, ngành, số dự án được quyết định đầu tư trong năm 2009 là 8.810 dự án, cao hơn số dự án dự kiến kết thúc đưa vào hoạt động là 6.598 dự án, cho thấy tình hình đầu tư vẫn dàn trải, phân tán, số dự án bố trí đầu tư không tương ứng với số dự án đi vào hoạt động. Có tới 4.182 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, trong đó phổ biến là các vi phạm về chậm tiến độ (4.076 dự án, chiếm khoảng 12,7% tổng số dự án thực hiện đầu tư); không phù hợp quy hoạch 51 dự án (0,2%); đấu thầu không đúng quy định 29 dự án (0,1%); phê duyệt không kịp thời 108 dự án (0,3%), chất lượng xây dựng thấp 149 dự án (0,5%); có lãng phí 94 dự án (0,3%)...
Điều đáng nói là tình trạng chậm tiến độ của các dự án vẫn chưa được cải thiện đáng kể so với mọi năm, trong đó, rất nhiều dự án đầu tư thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng quan trọng. Chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư của các dự án.
Đánh giá của các bộ, ngành cũng cho thấy, nguyên nhân của chậm tiến độ các dự án trong năm 2009 chủ yếu vẫn là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khó khăn, tư vấn yếu kém hoặc quá tải; một số đơn vị thi công không đủ năng lực; năng lực tổ chức thực hiện của chủ đầu tư yếu; đơn vị thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, đấu thầu kéo dài; không đủ vốn; thanh quyết toán chậm; chuẩn bị thủ tục, đấu thầu, xét thầu kéo dài... Kết quả là đã có tới 6.478 dự án đầu tư đang thực hiện phải điều chỉnh, khiến hiệu quả dự án giảm sút rõ rệt.
Báo cáo giám sát của Bộ KHĐT cũng chỉ ra tỉ lệ các dự án nhóm A kết thúc đưa vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2009 chỉ là 135/742 dự án nhóm A của các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện (chiếm 18,19%), thấp hơn cùng kỳ năm trước (năm 2008 tỉ lệ này là 22,3%). Số dự án nhóm A chậm tiến độ có 55 dự án, chiếm 7,41% tổng số dự án thực hiện. Ngoài việc làm hạn chế tăng trưởng kinh tế nói chung, Bộ KHĐT đánh giá, các dự án nhóm A chậm tiến độ so với yêu cầu còn dẫn tới hệ quả không đảm bảo huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, làm tăng chi phí của ban quản lý dự án, lãi vay trong thời gian xây dựng, chi phí thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp dự án sử dụng vốn ODA, lãng phí là rất lớn và hiệu quả đầu tư thấp. Đến nay, đã có 40 dự án nhóm A xin điều chỉnh lại vốn đầu tư.
Bộ KHĐT cho biết, tình trạng buông lỏng việc thực hiện công tác giám sát đầu tư cũng tồn tại ở nhiều ngành, địa phương. Đến hết tháng 9, song nhiều cơ quan vẫn chưa có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm, trong đó có 6 tỉnh, 5 cơ quan bộ và ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ; 4 tập đoàn và tổng công ty, gồm: Tập đoàn Công nghiệp caosu VN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN, TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), TCty Giấy...
Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ các dự án thực hiện giám sát đầu tư thấp hơn 50% tổng số các dự án đang thực hiện trong kỳ hoặc gửi báo cáo giám sát đầu tư còn không có số liệu, không có phân tích, đánh giá cụ thể, kiến nghị, đề xuất.
Bộ KHĐT đã kiến nghị Thủ tướng phải xử lý các cơ quan có vi phạm này, đồng thời, phải kiểm điểm báo cáo trước Thủ tướng về nguyên nhân chậm trễ.
(Theo Lao Động)
Các tin khác
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa ký Hợp đồng tín dụng trị giá 220 triệu USD tài trợ vốn cho Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau.
Yên Bái: Đã giải ngân 64% vốn cho Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên
YBĐT - Năm 2008 - 2009, Chính phủ đã hỗ trợ trên 8.270 tỷ đồng cho các địa phương trong cả nước để kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; đến nay, đã giải ngân được gần 5.150 tỷ đồng, đạt 76%.
Bộ GD-ĐT cho biết tính đến giữa tháng 9-2009, các địa phương đã phân bổ 7.697,194 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án thuộc đề án kiên cố hóa tường, lớp và nhà công vụ giáo viên năm 2008-2009, đạt 93% so với số vốn được giao.
Những khoản này được tài trợ trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên 3, một sáng kiến chung của Ủy ban châu Âu và Bộ Công Thương Việt Nam.