Minh An tạo sức bật giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/6/2023 | 11:19:14 AM

YênBái - Là xã mới cán đích nông thôn mới từ đầu năm 2022, song xã Minh An, huyện Văn Chấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống và mức thu nhập bình quân chưa đồng đều, điều đó kéo theo tiêu chí số 11 về hộ nghèo rất dễ biến động.

Người dân xã Minh An phát triển vùng trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Minh An phát triển vùng trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Như Đình - Chủ tịch UBND xã Minh An cho biết: "Theo thống kê, tỷ lệ nghèo đa chiều hiện nay của xã là 289 hộ, chiếm 27,9%. Năm 2023, theo kế hoạch, xã phấn đấu giúp đỡ 100 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 18%. 

Xác định đây là mục tiêu khó, vì địa phương thuộc diện khó khăn, song với quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, xã đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, đối với diện tích cây ăn quả bị chết do dịch bệnh, địa phương tập trung vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày như bí, ớt; chú trọng cải tạo đất trồng, lựa chọn giống, phân bón phát triển các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao”.

Ngoài ra, các hội, đoàn thể có vai trò nòng cốt giúp đỡ các hộ nghèo theo danh sách cụ thể, theo địa bàn quản lý ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nguồn vốn, kiến thức, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất phù hợp theo nhu cầu. Đồng thời, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, chú trọng với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân… 

Bên cạnh việc tranh thủ các chương trình, dự án giảm nghèo của trung ương, của tỉnh, việc phát huy nội lực của người dân trong phát triển kinh tế được xã Minh An quan tâm triển khai đến từng thôn, bản, người dân với phương châm "mưa dầm thấm lâu”, "cầm tay chỉ việc”. 

Ông Lý Sinh An - Trưởng thôn Đồng Quẻ cho biết: "Thôn hiện có 136 hộ, hơn 550 nhân khẩu, trong đó còn hơn 40 hộ nghèo. Đặc thù của thôn có trên 70% số hộ là đồng bào dân tộc Dao, trình độ học thức còn nhiều hạn chế, phát triển kinh tế chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún. Qua các buổi họp thôn, chúng tôi lồng ghép hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trong trồng quế, phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ người dân đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký chăn nuôi để hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh…”. 

Nắm rõ nhu cầu cần được giúp đỡ của từng hộ, thôn đã vận động các hộ dân có điều kiện khá giả giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động để các hộ có điều kiện phát triển kinh tế… Với cách làm bài bản, hiệu quả, thôn Đồng Quẻ phấn đấu năm 2023 có từ 10 hộ trở lên thoát nghèo. 

Một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, đó là được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo đó, xã Minh An đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội, đoàn thể ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên có nguồn vốn phát triển. 

Bà Lò Thị Phấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hiện nay, Hội quản lý nguồn vốn gần 5,8 tỷ đồng với 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho hơn 120 hội viên vay theo 8 chương trình, chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm… 

Là một trong những hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Triệu Thị Sinh ở thôn Đồng Quẻ chia sẻ: "Năm 2016, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tổ chức Hội Phụ nữ để trồng 5 ha quế. Năm vừa qua, gia đình đã bán một phần diện tích quế để trả hết nợ Ngân hàng, sắm sửa thêm các vật dụng sinh hoạt và thoát nghèo. Tôi vui lắm, con cái được học hành, chăm sóc tốt hơn, cuộc sống cũng ổn định hơn trước nhiều”. 

Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp với từng thôn, bản, từng hộ dân, công tác giảm nghèo của xã Minh An  đã và đang từng bước đạt được những kết quả khả quan, không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn đang góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trần Ngọc

Các tin khác
Nhiều hộ dân vùng cao Mồ Dề phát triển nuôi dê tăng thu nhập.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập không ổn định, những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất của các cấp, ngành; cấp ủy, chính quyền xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đặc biệt chú trọng tạo sinh kế, việc làm, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ trao tiền hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo tại xã Nghĩa Phúc.

Các xã, phường ở Nghĩa Lộ đã tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Nông dân Lục Yên sử dụng máy gặt đập liên hoàn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân.

Đến thời điểm này, toàn huyện Lục Yên đã thu hoạch trên 1.500 ha lúa xuân, năng suất ước đạt 57,3 tạ/ha.

Bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nằm biệt lập trên đỉnh núi cao, là điểm tái định cư của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông.

Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2015, nhiều nguồn lực và giải pháp đã tập trung đầu tư trọng điểm vào vùng “lõi nghèo" nhằm hỗ trợ người dân nơi đây phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững, nâng cao chất lượng sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục