Trước đây, gia đình ông Phạm Quang Trung ở thôn Nà Na gặp nhiều khó khăn do chưa biết áp dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, nhờ đổi mới phương thức canh tác nên gia đình ông Trung không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững. "Nhờ có cán bộ xã đến nắm bắt và tuyên truyền về các giải pháp thoát nghèo, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi hơn 2.000m2 diện tích trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí ngô lấy hạt và trồng trồng mướp đưa lại năng suất cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa”, ông Trung nói.
Cũng như ông Trung, đến nay ở xã Sơn Lương đã có gần 80 hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trọng tâm là triển khai mô hình trồng bí ngô, bí đao, bầu và mướp đắng lấy hạt, với tổng diện tích trên 6ha. Theo người dân nơi đây hoạch toán, mỗi ha trồng trồng bí ngô có thể thu hoạch hơn 1.000 kg hạt, trừ chi phí có thể thu lãi trên 200 triệu đồng.
Đồng chí Trần Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương cho biết: "Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo đa chiều, bền vững, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo đó, Đảng ủy xã đã tăng cường phổ biến, quán triệt, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” và Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở Sơn Lương là địa phương này đã mạnh dạn rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng thôn để phân nhóm, có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp, thiết thực. Đồng thời, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người dân.
Mô hình trồng bí ngô lấy hạt ở Sơn Lương góp phần tăng thu nhập cho người dân
Bí thư Trần Mạnh nhấn mạnh: "Xã đã chú trọng công tác, tuyên truyền về giảm nghèo phù hợp với từng thôn, từng nhóm đối tượng với các hình thức phù hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo; vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; tham gia vay vốn phát triển sản xuất, tham gia học nghề, tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động …".
Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo cho người người dân, xã Sơn Lương còn chú trọng việc đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, xã đã kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên cho các thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với tạo việc.
Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo với doanh nghiệp thông qua các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn; hỗ trợ thông tin thị trường và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ nghèo...nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tế của địa phương, cùng với ý thức tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân là tiền đề quan trọng để xã Sơn Lương phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,49% vào cuối năm nay.
Văn Tuấn