Theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Văn Chấn đã kiên cố hóa đường GTNT đạt trên 60 km, nâng tỷ lệ kiên cố hóa GTNT toàn huyện lên 720,4 km (đạt 62,2%). Giao thông phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con từng bước được nâng lên rõ rệt. Cái đói nghèo đang dần được thu hẹp, thay thế bằng sự sung túc, no đủ, hạnh phúc.
Có mặt ở thôn Lường, xã Đại Lịch khi bà con nhân dân đang cùng nhau làm tuyến đường dài 650m. Mỗi người một việc! Người thì vận chuyển cát sỏi, người san gạt mặt đường, tiếng chuyện trò hòa vào tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, người tất cả diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp. Mặc dù trong cái nắng gay gắt của mùa hè, mồ hôi đẫm áo song tôi vẫn cảm nhận được sự vui mừng của người dân nơi đây khi con đường mới sắp hoàn tất, bê tông đến đâu, niềm vui đến đó.
Bà Hoàng Thị Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Lường hào hứng: "Thôn Lường có 122 hộ, trước đây, những con đường trong thôn là đường đất, rất khó khăn cho người đi lại, sinh hoạt cũng như vận chuyển hàng hóa. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng, còn lại theo tính toán, bà con nhân dân đóng góp 933.000 đồng/khẩu để làm đường GTNT, dù không phải dễ dàng với nhiều gia đình, song khi hiểu được lợi ích của con đường mang lại, thuận tiện trong giao thương, buôn bán sẽ giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ tài nguyên rừng của địa phương nên ai cũng phấn khởi”.
Là địa phương có diện tích trồng chè lớn của huyện Văn Chấn với 500 ha, để tạo điều kiện cho bà con trồng chè đi lại, vận chuyển sản phẩm chè thuận lợi, phát triển kinh tế, khi địa phương có chủ trương làm đường, thị trấn Nông trường Liên Sơn đã tích cực vận động người dân chung sức làm đường GTNT. Đến nay, thị trấn đã bê tông hóa được 39/42 km đường giao thông nối các tổ dân phố, đường sản xuất, nội đồng trên địa bàn.
Khi đường xá được bê tông hóa, ngoài việc tạo điều kiện đi lại sạch sẽ, giao thương hàng hóa dễ dàng thì giá trị sản phẩm nông nghiệp của bà con cũng tăng lên. Ví dụ như trước đây diện tích chè trên đồi trị giá 200 triệu - 250 triệu đồng/ha thì sau khi đường giao thông được bê tông hoá, ô tô, xe máy lên tận nơi, giá trị diện tích chè tăng lên từ 300 triệu - 400 triệu đồng/ha.
Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Sự phát triển mạnh mẽ của đường giao thông thúc đẩy bà con phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo đói và có đời sống ngày càng khấm khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm theo từng năm: năm 2021 có 114 hộ nghèo; năm 2022 còn 89 hộ và dự kiến hết năm 2023 giảm còn 69 hộ (4% hộ nghèo)”.
Đường xá đi lại thuận tiện, giúp người dân tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Năm 2023 được xác định là năm trọng tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, huyện Văn Chấn đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn. Phấn đấu đến hết năm 2023, Văn Chấn giảm 4,7% hộ nghèo và 1,32% hộ cận nghèo trở lên. Đến năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,51%. Tỉ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện theo từng giai đoạn.
Để đạt mục tiêu đặt ra, ngoài các giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn theo các nguồn vốn đã được tỉnh phê duyệt; triển khai kịp thời các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững; tích cực tuyên truyền để khơi dậy quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân… Đặc biệt, việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông luôn được huyện xác định là đòn bẩy quan trọng để giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Một trong những điều kiện quan trọng để góp phần xoá đói, giảm nghèo là cần phát triển nhanh và bền vững hệ thống GTNT. Vì vậy, huyện Văn Chấn đang tập trung nguồn lực và huy động sự vào cuộc của người dân để phát triển kết cấu hạ tầng cho nông thôn nói chung và đường GTNT nói riêng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Thanh Chi