Tiềm năng vẫy gọi
- Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một mùa xuân mới đến mang theo bầu không khí trong lành, tươi mới ngập tràn không gian bao la của núi rừng Tây Bắc. Vùng đất Yên Bái với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với những con người đôn hậu, thật thà và mến khách như muốn níu chân du khách lại nơi này. Năm 2006 đã đi qua với những thành công đáng kể của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực mà trong đó, thương mại và du lịch - ngành “công nghiệp không khói” được coi là một trong những thành công nhất.
Khu du lịch Tân Hương. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Năm 2006, Yên Bái đã đón 170.051 lượt khách du lịch (tăng 31% so với năm 2005), trong đó có 9.409 lượt khách nước ngoài; tổng doanh thu đạt 45 tỷ 073 triệu đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Đó mới chỉ đơn thuần là con số, còn rất nhiều loại hình du lịch đang có thêm cơ hội phát triển như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch gắn với các giá trị lịch sử truyền thống... Các điểm du lịch hấp dẫn vốn có như lời mời gọi ngọt ngào quyến rũ của cô thiếu nữ vùng sơn cước, có thể kể như du lịch hồ Thác Bà, du lịch sinh thái suối nước nóng Bản Bon, Bản Hốc, Suối Giàng, các khu du lịch tâm linh như đền Đại Cại, đền Đông Cuông, đền Tuần Quán... Bao quanh đó là mạng lưới các điểm du lịch cộng đồng như: nhà sàn văn hóa dân tộc Thái ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), du lịch “Bình nguyên xanh” Khai Trung (Lục Yên), du lịch Ngòi Tu (Yên Bình)... đưa du khách đến với những nét văn hóa độc đáo các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Yên Bái, đến thả mình trong bầu không khí trong lành, thưởng thức các món ăn riêng có của đồng bào thiểu số vùng cao... Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy “xã hội hóa du lịch” của tỉnh nhà.
Thác Thiến (Hưng Khánh, Trấn Yên). Ảnh: Quang Tuấn
Nơi ăn rồi nơi nghỉ, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng từng bước được hoàn thiện với 59 cơ sở lưu trú, trên 1000 phòng nghỉ chất lượng tốt, trong đó có những phòng tiêu chuẩn 1-2 sao theo quy chuẩn quốc tế. Nhiều cơ sở lưu trú mới được đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ trọn gói các loại hình dịch vụ như xông hơi, massage, quầy bar cao cấp... Khách đến nơi này khi về có thể bỏ túi những món đồ lưu niệm, đặc sản làm quà cho người thân qua các dịch vụ bán hàng lưu niệm và những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hệ thống nhà hàng được xây dựng quy mô, sang trọng, tập trung chủ yếu phục vụ khách du lịch với nhiều món ngon đặc sản của địa phương; một số cơ sở phục vụ thêm các món ăn Trung Quốc, tạo sự phong phú, đa dạng.
Trong năm 2006, nhiều vùng du lịch trọng điểm đã được chú trọng đầu tư với quy mô lớn như khu du lịch Hồ Thác Bà đến nay đã hoàn thành hạ tầng cơ sở như đường, điện, hệ thống nước sạch, cây xanh và hoàn thiện một số nhà nghỉ đơn trên các đảo, nhà điều hành đón tiếp và một số mô hình vui chơi giải trí trên mặt nước... Trong thời gian tới, nơi đây sẽ là một trong những khu du lịch sinh thái chuyên đề cấp quốc gia. Tìm cảm giác thư giãn cho những ngày nghỉ cuối tuần, những chuyến pícníc, du khách có thể đến khu du lịch sinh thái Việt Hồng - Vân Hội, Đầm Hậu (Trấn Yên); khu du lịch Suối Giàng với quy mô trên 60ha phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách...
Ở tầm vĩ mô, ngành du lịch đã có những chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với hai tỉnh Phú Thọ, Lào Cai với chương trình Du lịch về cội nguồn. Xen vào đó là các chương trình du lịch lớn như Tuần văn hóa du lịch Mường Lò với những lễ hội Hạn khuống, Lồng tồng... trong năm qua đã thu hút 57.000 lượt du khách; Hội chợ văn hóa du lịch miền Tây thu hút trên 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia; các ngày hội văn hóa - thể thao với nhiều môn thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co, đánh quay... Đội ngũ làm công tác du lịch bước đầu đã qua các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cơ bản, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.
Du khách nước ngoài thưởng thức điệu múa “Đi cấy” của dân tộc Cao Lan tại nhà sàn làng văn hóa Ngòi Tu, Vũ Linh, Yên Bình.
Du lịch là một lĩnh vực đòi hỏi có kế hoạch dài hơi, chiến lược tầm xa và đầu tư nhiều công sức, tiền của. Hy vọng thêm một tuổi mới, với nỗ lực không ngừng của mình cộng với sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội, những tiềm năng đang vẫy gọi sẽ đưa ngành du lịch Yên Bái bước lên một tầm cao mới.
Tô Anh Hải
Các tin khác
YBĐT - Chúng ta ai cũng từng nghe câu:" Nam vô tửu như kỳ vô phong". Người ta lại nói trong sinh hoạt:" Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà" để nói lên văn hóa uống rượu của cha ông từ ngàn xưa, cũng là một trong những kinh nghiệm để giữ cho đầu óc luôn minh mẫn, duy trì sức khỏe "Lương y bất đáo gia". Kể ra mỗi khi vui tết, đón xuân, giỗ chạp, liên hoan, lễ hội... có chén rượu thì thêm ấm cúng, nghĩa tình. Rượu mà bà con vẫn ta thường dùng hiện nay được nấu bằng nếp và men tự làm, an toàn.
YBĐT - Mỗi lần Tết đến, xuân về, người Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao huyện Văn Chấn lại tổ chức lễ cúng thần núi. Tiếng Mông là Tsang hâur tose, nghĩa là gầu tào.
YBĐT - Ngày xưa, cứ mỗi lần tết đến, mẹ và chị cả thường giã nếp thình thịch thâu đêm để gói bánh tét cúng gia tiên và “tết bò”. Chiếc cối đẽo từ cây danh mộc vững chãi. Vành cối rộng và vuông vức giữ cho nếp khỏi văng đổ ra ngoài, miệng cối hình tròn sâu hoắm - nơi đôi chày cái giở lên, cái giã xuống thậm thịch làm trộn trạo những hạt nếp bóc vỏ trắng bóng.
YBĐT - Dân gian ta có câu:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.