Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
- Thời gian qua, công tác du lịch của tỉnh đã khai thác giá trị của lễ hội, sự kiện văn hóa như thế nào, thưa đồng chí?
- Những năm gần đây, việc khai thác giá trị của lễ hội, sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những hướng đi được tỉnh quan tâm để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng thương hiệu cho du lịch Yên Bái trên bản đồ du lịch của cả nước.
Để khai thác các giá trị của lễ hội, sự kiện văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng khai thác lợi thế hiện có, xác định lễ hội, sự kiện văn hóa là hạt nhân, chú trọng gắn kết cùng sắc thái văn hóa truyền thống để tạo nên chuỗi lễ hội, sự kiện, sinh hoạt văn hóa, đặt trong bối cảnh, không gian vốn có của di sản, đảm bảo phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, địa bàn dân cư, bảo đảm chủ thể di sản được tham gia vào hoạt động khai thác.
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái.
Yên Bái đã bước đầu thành công trong việc khai thác giá trị văn hóa của các lễ hội, sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn được nhân dân, du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Hàng năm, các địa phương duy trì tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống.
Bên cạnh đó, đã duy trì tổ chức thường niên các lễ hội, sự kiện du lịch như: Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Chương trình du lịch "Về miền đất ngọc”, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn… trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh được du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi.
Đặc biệt, lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 tạo tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.
- Đồng chí đánh giá gì về hiệu quả mà các sự kiện, lễ hội vừa diễn ra trong tháng 9?
- Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tặng cho thành phố Yên Bái và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II, Lễ hội Trà Shan tuyết, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò là 3 sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh Yên Bái được tổ chức trong tháng 9/2023 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.
Việc tổ chức các sự kiện này cùng các hoạt động hưởng ứng rộng khắp đã góp phần tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái, giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế về "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện, nhân ái, mến khách, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân; thu hút trên 220.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại thành phố Yên Bái và các huyện, thị miền Tây của tỉnh trong tháng 9. Việc khai thác các giá trị lễ hội, sự kiện văn hóa đã góp phần hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Yên Bái.
- Xin đồng chí cho biết, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh với vai trò chính sẽ có những tham mưu và hướng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh sau lễ hội, sự kiện văn hoá như thế nào?
- Từ đầu năm đến nay, thông qua tổ chức 12 hoạt động lễ hội, sự kiện, ngành du lịch đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của vùng Tây Bắc. Nhờ tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện thường xuyên liên tục nên 9 tháng, ngành du lịch Yên Bái đã đón, phục vụ 1.568.225 lượt, vượt 4,5% so với kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 83.736 lượt, đạt 55,8% kế hoạch; doanh thu đạt trên 1.284 tỷ đồng, bằng 95,1% kế hoạch, tăng 44,8% so với cùng kỳ. Ngành xác định tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, trọng tâm là:
(1) Rà soát, điều tra nhu cầu khách du lịch sau lễ hội để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới cách thức, nội dung tổ chức lễ hội, có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội có thương hiệu bền vững để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tham quan của khách.
(2) Làm tốt công tác quảng bá; nắm bắt xu hướng và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ du khách.
(3) Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, tỉnh sẽ xây dựng thêm sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng nhằm thu hút khách du lịch đến Yên Bái.
(4) Tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(5) Thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh tới du khách một cách thuận lợi nhất.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, hy vọng rằng ngành du lịch tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Ba (thực hiện)