Cưỡi rồng lên mây
- Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2007 | 12:00:00 AM
Đầm Vân Long, khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng sinh thái đồng bằng Bắc bộ, nằm giữa thung lũng bốn bề là những dãy núi đá vôi tạo hình ngoạn mục và trong lòng còn tiềm ẩn nhiều hang động chưa được khám phá. Vân Long cũng là nơi hàng nghìn động, thực vật, thuỷ sinh lưu trú, sinh trưởng bên vách núi, trên bờ hoặc dưới nước.
Thuyền đi trong không gian huyền ảo.
|
Trong đó không thể không nhắc đến loài chim nước chuyên di trú lúc mùa đông, cà cuống thuộc loại chân bơi quý hiếm đã đưa vào Sách Đỏ và đặc biệt loài linh trưởng voọc quần đùi, đang có hiểm hoạ tuyệt chủng toàn cầu… Ngoài ra, Vân Long còn được giới du lịch miền Bắc đánh giá là một tuyến điểm du lịch sinh thái đặc sắc hấp dẫn du khách Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Lướt thuyền nan mộc trên đầm
Trên đường từ Hà Nội - tỉnh Ninh Bình, đến ngã ba Gián Khẩu rẽ phải chạy thêm 8km sẽ vào địa phận xã Gia Vân - huyện Gia Viễn. Tại đây chỉ còn cách ban quản lý khu du lịch sinh thái non 2km đường nhựa, đi tiếp hoặc thuê xe trâu, xe bò thong thả dạo quanh đường làng, ngắm cảnh sinh hoạt đồng quê thôn dã, trước khi đặt chân đến bến thuyền Vân Long.
Lên chiếc thuyền bé bắt đầu cuộc dạo chơi khi sương mù buổi sáng còn lãng đãng trên đầm nước trong vắt. Không gian mênh mông, tĩnh mịch đến mức nghe từng tiếng cá quãy mạnh lúc đớp mồi, tiếng ơi ới vang vọng từ xóm làng ở tận cuối con đê, phút chốc xuất hiện vài cánh chim bay vút về phía chân trời. Nhìn sang hướng tây, hơn 10 chiếc thuyền nan chở khách lướt nhẹ vào Kẽm Trắm, tên một hồ nước rộng lớn giữa núi non trùng điệp. Cảnh vật như bức tranh thuỷ mặc, vừa xa xăm vừa gần gũi thân quen...
Dễ nhận ra, vẻ đẹp Vân Long sẽ chẳng được duyên dáng, thi vị nếu thiếu hình ảnh con thuyền nan mộc mạc, những cô gái chân quê quanh năm chống sào đưa khách thăm thú đây đó. Và dù hiện nay chùa Hương - tỉnh Hà Tây, hay danh thắng Tam Cốc - Ninh Bình đã "hiện đại hoá" vận chuyển khách bằng thuyền sắt, thuyền tôn thậm chí bằng thuyền máy, ca nô thì Vân Long vẫn gắn bó, thuỷ chung với chiếc thuyền nan truyền thống xưa kia.
Đi núi về hang
Đường vào thăm hang Cá, hang lớn nhất trong dãy núi Hoàng Quyển, thuyền phải lần lượt vượt qua nhiều đồng cỏ năn, cỏ lác mọc lúp xúp, những vũng nước mà người vãn cảnh tha hồ ngắm nhìn những loài thuỷ sinh xao động dưới làn nước trong veo.
Câu chuyện dân gian kể rằng, xa xưa có người bắt được con cá chuối lớn đến vài ba người mang vác không xuể, nên mới đặt tên hang Cá. Hư thực thế nào chưa rõ, nhưng giờ hang Cá là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối... và trên hết nó là hang động đẹp, nửa chìm nửa nổi, với chiều dài 250 mét, xuyên suốt quả núi, tô điểm vô số nhũ đá lấp lánh, dáng hình phong phú mà thiên nhiên chạm khắc sau hàng trăm triệu năm.
Vân Long vốn nổi tiếng có nhiều hang động đẹp, hang Bóng, hang Cá, hang Ông Thang, hang Chanh và hàng chục hang động khác. Hàng trăm ngọn núi. Trong đó núi Mèo Cào, núi Nghiên, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn mỗi nơi một vẻ song đều có giá trị phát triển du lịch lâu dài.
Từ lâu, khi nhắc đến tỉnh Ninh Bình, nhiều người ắt nhớ ngay Tam Cốc, Bích Động từng vang bóng một thời với khách Tây lẫn khách ta. Nhưng thực tế không thể không thừa nhận địa danh này đã quá quen thuộc, ít nhiều gây cho khách tâm lý nhàm chán. Bên cạnh, khu vực Vân Long mở ra như tuyến điểm mới đầy sức hấp dẫn. Điều đáng trân trọng là Vân Long - nơi duy nhất thực hiện được ba điều không. Không có hiện tượng ăn xin, thợ chụp ảnh nhũng nhiễu, phiền hà khách. Không để xảy ra trường hợp người lái đò kèo nài, vòi vĩnh, ép khách mua hàng lưu niệm. Mỗi thuyền nan chỉ bố trí 2 người khách, bất luận người nước ngoài hay nội địa.
(Theo 24h)
Các tin khác
Ngải bún có nguồn gốc từ Campuchia, mọc hoang trong những khu rừng hoang dã ở Seam Reap, Battambang... Người Việt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sang Campuchia lập nghiệp đã mang củ ngải bún về trồng ở Việt Nam cách đây 45 năm. Ngải bún dùng để nấu bún nước lèo (num-chóc) và món kèn dừa (xăm-lo bờ-hơ), hai món ăn không thể thiếu trong bộ phận gia đình người Việt đã từng cư ngụ tại Campuchia (mà người ta thường gọi là Việt kiều - Campuchia), đang sống rải rác ở các tỉnh Nam bộ.
Du khách quốc tế luôn chọn Việt Nam là nơi dừng chân cho những kì nghỉ thú vị của mình bởi rất nhiều lý do nhưng trong đó có 5 lý do chính là: giá hàng hoá và dịch vụ thấp, phong cảnh thiên nhiên, văn hoá, du lịch mạo hiểm và con người thân thiện...
Bánh kẹp dừa làm từ bột gạo, bột mì và bột năng. Nhân bánh là những sợi dừa già tới, sên đường trắng cho dẻo lại, ăn rất bùi và béo.
Nhân dịp lễ 30-4 và 1-5, lần đầu tiên, di sản văn hoá thế giới Khu đền tháp Chămpa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) "mở cửa" đón du khách ở lại chiêm ngưỡng một Mỹ Sơn huyền thoại trong không gian về đêm.