Đáng kể là các chủ thuyền, đò không được tự do đón khách như trước, mà phải tham gia hợp tác xã mới được làm dịch vụ. Việc làm này nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo, vòi thêm tiền từ du khách. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất và sẵn sàng phục vụ du khách về du xuân, trẩy hội, chiêm bái đầu năm.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thời gian qua, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chỉnh trang giao thông, bến bãi, xuồng đò, quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, quản lý các bến xe, vệ sinh môi trường. kiểm tra tuyên truyền nhắc nhở nhân dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của Ban tổ chức.
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2024 cho biết: Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương luôn tạo điều kiện tốt nhất để du khách về tham quan lễ Phật, duy trì đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
"Ban tổ chức tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị để đón du khách về thăm quan lễ Phật. Trước hết là chúng tôi tập trung chỉ đạo vào chỉnh trang hành lang, vỉa hè; xây dựng nhiều điểm công tác thông tin tuyên truyền để cho du khách dễ nhận biết về công tác đổi mới của Chùa Hương", ông Cảnh nói.
Theo Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, năm nay Ban tổ chức tiếp tục sử dụng xe điện phục vụ du khách theo lộ trình với ba tuyến đường: bến xe Hội xá- Bến đò Yến Vĩ; Bến xe Đục Khê- Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe Đường số 1- Bến đò Chùa Tuyết Sơn. Số lượng xe điện đưa vào hoạt động tăng gấp đôi so với năm trước (với khoảng 110 xe).
Ông Lê Tiến Thanh, Giám đốc Công ty xe điện Chùa Hương xanh cho biết: "Để chuẩn bị cho công tác lễ hội năm 2024, thì công ty cổ phần Chùa Hương xanh cũng đã mạnh dạn đầu tư 70 phương tiện mới và cũng hợp tác thêm 40 phương tiện ở các đơn vị lân cận. Với cái dàn phương tiện mới này thế nên đáp ứng được không để du khách bất cập về vấn đề đi lại đâu vì dàn xe này gần như 100% xe mới".
Một trong những điểm mới của Lễ hội Chùa Hương năm nay đó là, Ban quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn tiếp tục thực hiện chuyển đổi việc bán vé từ mô hình truyền thống, sang bán vé điện tử, bỏ bán vé tại 2 cổng Đục Khê và Tiên Mai, chuyển sang phục vụ bán vé thắng cảnh và vé thuyền đò tại bến đỗ phương tiện của du khách. Việc đổi mới hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, sự minh bạch công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, tránh tình trạng vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu di tích Chùa Hương đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật, đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội cho biết: "Vé điện tử hiện nay chúng tôi đang tổ chức in và tổ chức bán vé điện tử theo cặp trong đó là có cả vé thắng cảnh và vé tàu đò thuyền và được bán ở các điểm bến bãi xe. Khi du khách đến với Chùa Hương, đến tới bến bãi gửi xe là nơi đấy chúng tôi bố trí các điểm để bán vé, thuận lợi cho du khách, để tránh trường hợp là khi khách đến đò thuyền rồi mà vẫn chưa có vé, thì cái này chúng tôi đã triển khai".
Theo Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương, từ ngày 01/01/2024, giá vé thắng cảnh Hương Sơn được thực hiện theo Nghị quyết số 16/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể là 120.000 đồng/người/lượt. Còn với những đối tượng ưu tiên thì giá vé là 60.000 đồng/người/lượt (giá vé này đã bao gồm 2.000 đồng phí bảo hiểm). Việc trông giữ phương tiện của du khách cũng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của du khách đến với Lễ hội chùa Hương.
Trường hợp lượng khách đông đột biến trong các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, Uỷ ban nhân dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức sẽ trưng dụng Sân vận động xã Hương Sơn và đường nội bộ khu đồng huyện để làm nơi đậu xe của du khách.
(Theo VOV)