Phát triển dựa trên tài nguyên du lịch
Sau khi chiêm bái, vãn cảnh đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, gia đình anh Phạm Hồng Phương ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã đến trải nghiệm tắm suối khóng nóng tại xã
Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Thoải mái, sảng khoái sau khi tắm nước nóng, anh Phương cho biết: "Qua tìm hiểu tôi được biết, điểm tắm nước nóng tại bản
Cao Sơn ngoài hàm lượng khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe, ngâm khoáng nóng để thư giãn gân cốt, chữa các bệnh ngoài da, khu vực này rất hoang sơ và có cảnh quan bắt mắt. Tôi thấy địa điểm này có tiềm năng lớn để phát triển nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.”
Các thiếu nữ bản Cao Sơn tắm suối khoáng sau một ngày lao động.
Từ lâu, nhắc đến Văn Yên là nhớ ngay đến Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, nằm trên địa bàn xã vùng cao
Nà Hẩu . Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với địa thế lòng chảo lớn bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh, có cộng đồng dân tộc thiểu số người Mông và người Dao sống quần tụ và hài hòa, được xem là nơi có "Làng trong rừng và rừng trong làng”, "với tay là chạm tới rừng”, tạo cảm giác hết sức đặc biệt đối với khách du lịch.
Du khách có cơ hội chiêm ngưỡng rừng hoa trắng bát ngát Nà Hẩu vào mùa hoa táu (nét riêng có của Nà Hẩu) bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4, với những cây táu hàng trăm năm tuổi, cao như những cột chống trời. Vào mùa hè, Nà Hẩu ngập tràn hoa bướm trắng, những cây bướm trắng thân gỗ ở đây to lạ thường và cao đến vài mét. Khách du lịch đi vào đúng mùa hoa sẽ ngẩn ngơ say mà quên lối về.
Ông Giàng A Châu - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: Nà Hẩu còn có những thác nước, hang động rất đẹp, có thể thu hút khách du lịch. Thác Tiên và thác Trời Nà Hẩu là 2 thác nước đẹp nằm trong khu vực vùng lõi của Khu bảo tồn. Đặc biệt, đến thác Trời Nà Hẩu, du khách sẽ đắm mình trong cảnh quan của rừng già nguyên sinh. Thác từ xa thì nhìn không thấy đáy, đứng gần thì không thấy đỉnh, dòng nướctrắng xóa "kẻ" giữa màu xanh đại ngàn khiến thiên nhiên vô cùng huyền ảo, thơ mộng.
Cùng với những nét độc đáo về thiên nhiên, Văn Yên còn có nhiều hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc khác của đồng bào dân tộc thiểu số có thể khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như: múa rùa, múa chuông và múa ra quân của người Dao đỏ; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Phù Lá (xã Châu Quế Thượng); múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền, các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Mông (xã Nà Hẩu); hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp của người Tày (xã Đông Cuông, xã Đại Phác)...
Đồng chí Hà Trung Kiên - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: Thời gian qua, nhận thức được tiềm năng và lợi ích từ du lịch, lãnh đạo huyện Văn Yên đã chỉ đạo Phòng rà soát và lập danh mục các tài nguyên để có phương án khai thác và bảo vệ các tài nguyên du lịch. Qua đó, đến hết năm năm 2023, số lượt khách du lịch đến huyện đạt khoảng 460.000 lượt người, trong đó, khách lưu trú khoảng 198.000 lượt người; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 228 tỷ đồng.
Phát huy tối đa cơ hội và tiềm năng du lịch
Du khách tới tham quan, trải nghiệm và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp tại mùa vàng Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong khai thác thế mạnh về du lịch nhưng du lịch Văn Yên vẫn đang ở dạng tiềm năng và đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch của huyện. Các điểm du lịch hiện nay mới có quy mô nhỏ lẻ, phát triển mang tính tự phát, sản phẩm và chương trình du lịch vừa thiếu vừa đơn điệu, thiếu các dịch vụ có chất lượng, Vì vậy, chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm.
Năm 2023, Văn Yên chỉ mới có 35 cơ sở lưu trú với 200 phòng, trong đó có 1 khu nghỉ dưỡng (Đại Phú An), 3 khách sạn chuẩn 1 đến 2 sao, 12 homestay cộng đồng. Huyện chưa có đơn vị lữ hành và đơn vị vận chuyển du lịch, phần đa là nhà đầu tư về lưu trú và ăn uống với quy mô nhỏ lẻ theo dạng hộ gia đình kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Hướng tới xây dựng ngành du lịch Văn Yên phát triển bền vững, lấy du lịch sinh thái, văn hóa, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng làm chủ đạo, huyện Văn Yên đã xác định đưa khu suối khoáng nóng Phong Dụ Thượng, Khu bảo tồn Thiên nhiên
Nà Hẩu và đền Đông Cuông là 3 điểm nhấn chủ đạo cho việc phát triển du lịch của địa phương.
Đồng thời, Văn Yên sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương; đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường quảng bá, marketing; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các đơn vị kinh doanh đầu tư phát triển tour du lịch (đại lý, lữ hành), các điểm check in chụp ảnh hay các điểm tham quan hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Văn Yên sẽ cân nhắc tính toán đầu tư đúng trọng tâm, đúng địa điểm và đúng thời điểm để phát huy tối đa cơ hội và tiềm năng du lịch của địa phương trên cơ sở khai thác hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động dịch vụ, thương mại, gắn kết liên ngành, liên vùng, kết hợp tốt giữa các thành phần kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, đáp ứng nhu cầu và thu hút ngày càng nhiều du khách, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Thành Trung