Văn minh tại các di tích, lễ hội
Lễ hội đền Đông Cuông Xuân Giáp Thìn năm 2024 với 11 hoạt động đặc sắc đã được tổ chức thành công trong hai ngày 20 - 21/2 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn - ngày Mão đầu tiên của năm mới) tại Quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền
Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu năm mới, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái. Theo thống kê của Ban tổ chức, chỉ trong hai ngày tổ chức chính, Lễ hội đã thu hút gần 80.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái và tham gia các hoạt động. Lượng khách du lịch lớn và có thời điểm đông cục bộ nhưng công tác tổ chức tiếp đón, hành lễ vẫn đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp.
Ông Vũ Ngọc Ứng - Ban Quản lý đền Đông Cuông cho biết: "Chúng tôi đã huy động 100% quân số, phân công công việc rõ từng người, từ bảo đảm an ninh trật tự, nhắc nhở du khách không sử dụng nhiều hương nhang, không rải rắc tiền lẻ… đến việc bố trí người thu gom, sắp đặt đồ lễ gọn gàng”.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội trang nghiêm, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia Lễ hội nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người đi lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống”.
Qua ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, hầu hết lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh đều diễn ra với hai phần lễ và hội vừa trang nghiêm vừa vui tươi, phấn khởi. Người đi hội đông, có lúc xảy ra ùn tắc cục bộ, song vẫn bảo đảm an ninh trật tự. Đặc biệt, không có hiện tượng chen lấn, tranh cướp, dẫm đạp phản cảm như những mùa lễ hội các năm trước.
Đền Đông Cuông không còn hiện tượng nhúng tiền vào chậu tiết trâu để xin vía cầu may. Tại các điểm du xuân trên địa bàn thành phố Yên Bái như: chùa Tùng Lâm, đền
Nam Cường, đền Tuần Quán…, người đi lễ đã hạn chế dâng cúng vàng mã, chỉ thắp từ 1 đến 3 nén hương và đặt tiền lễ đúng nơi quy định. Các hành vi đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn… được kiểm soát chặt chẽ. Các lò hóa vàng mã không còn xảy ra tình trạng quá tải.
Có mặt tại đền
Mẫu Thác Bà vào những ngày đầu năm mới, chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Thanh Yên, xã Vĩnh Kiên cho hay: "Năm nay, dù tấp nập người đến lễ nhưng không bị xô bồ, không nghi ngút khói hương và lạm dụng vàng mã. Mọi người ứng xử văn minh, thành tâm lễ Phật và rất có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung”.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng năm có khoảng trên 40 lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân. Mỗi lễ hội có nét độc đáo riêng, nhưng đều có điểm chung là chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu các lễ hội: đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn (Văn Yên); đền
Đại Cại (Lục Yên); đền Tuần Quán, đền Nam Cường (thành phố Yên Bái); đền Thác Bà (Yên Bình); đình làng Dọc, đình - đền Quy Mông (Trấn Yên) … Lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và thể hiện lòng tri ân các bậc tiền nhân có công với dân tộc, với quê hương, đất nước.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, Yên Bái đã đón trên 207 nghìn lượt khách đến du xuân, tham quan, hành hương, lưu trú trên địa bàn, tăng 48,59% so với cùng kỳ. Riêng dịp Tết Nguyên đán, khách đến
tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định: "Từ đầu mùa lễ hội đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh cũng chưa phát hiện cơ sở nào có hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tại các di tích để trục lợi”.
Trước Tết Nguyên đán, ngành văn hoá - thể thao và du lịch đã ban hành các văn bản về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh như: Công văn số 69/VHTTDL-NSVH ngày 15/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Công văn số 159/VHTTDL-NSVH ngày 29/01/2024 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn…) gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý các dịch vụ ăn, nghỉ cho du khách, đảm bảo bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá…
Cùng với đó là Kế hoạch số 13/KH-VHTTDL về kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lễ hội; hướng dẫn ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích và nhân dân, du khách khi tham gia các hoạt động tại lễ hội kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trái với thuần phong mỹ tục, trái các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội...
Phó Giám đốc Nguyễn Lâm Tới cho biết thêm: "Công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vẫn đang được duy trì thường xuyên, quyết tâm không để xảy ra bất kỳ trường hợp mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn trong suốt mùa lễ hội năm nay, đảm bảo mùa lễ hội xuân 2024 diễn ra an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui xuân của nhân dân”.
Để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan trong các lễ hội đầu năm, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp mạnh nhằm bài trừ hiện tượng mê tín dị đoan, giảm đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự đảm bảo phù hợp thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ý nghĩa của các lễ hội là rất cao cả, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa giáo dục hướng về nguồn cội. Việc giữ gìn nét văn hóa, văn minh trong lễ hội cũng là cách để mỗi người dân hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như những giá trị truyền thống của dân tộc. Tham gia lễ hội đầu xuân cũng là góp phần làm đẹp lễ hội thông qua ứng xử có văn hóa của người tham gia.
Thu Trang