Lễ hội "Xến Xó Phốn" của người Thái vùng Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2007 | 12:00:00 AM
Lễ hội cầu mưa (hay còn gọi là lễ hội Xến Xó Phốn) vùng Tây Bắc được ra đời và hình thành cùng kho tàng văn hóa phi vật thể của người Thái. Qua bao đời chắt lọc, gạn đục khơi trong để có được tinh hoa, những giá trị về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Lễ hội cầu mưa ngày nay mang đủ bản sắc văn hóa của người Thái Tây Bắc.
|
Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh cai quản mưa nắng không mang yếu tố dị đoan mà chỉ mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người, phần hội tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục nhân cách, phẩm hạnh để con người vươn tới cái đẹp, của đạo đức truyền thống mà người Thái đã có.
Người Thái ở vùng Tây Bắc quan niệm rằng thần linh cai quản mưa gió thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán, vì vậy trời không mưa là lỗi của những người phụ nữ chửa hoang. Vì vậy dân bản phải làm lễ cầu mưa, cúng lễ các vị chủ nước, chủ sông suối (thuồng luồng, tiếng Thái gọi là Tô Ngược) để mời các thần linh về nghe nguyện vọng của con người đồng thời trách phạt những người phụ nữ đó đã không biết giữ mình. Những lời cầu xin, trách móc được truyền tụng và đúc kết thành các bài cúng và các trò chơi trong lễ hội cầu mưa.
Người đóng vai trò chính trong lễ hội là bà Mè mải. Mở đầu lễ cầu mưa, đoàn người đi đến các nhà xin lễ vật.
- Đến nhà thứ nhất, mè mải nói
Ở nhà đấy bà thím ơi
Chúng tôi đến xin cơm đấy nhé
Rau chua xiểm cũng xin
Canh khoai nhạt cũng xin
- Chủ nhà thứ nhất trả lời
Ngày cúng chủ nước sông tôi có chút lễ bằng rau, bằng cỏ để cùng xin cầu mưa:
Mè mải đáp lời
Cảm ơn chủ nhà nhé
Lời cảm ơn vừa dứt chủ nhà té nước gạo lên người hoặc dùng hạt bông tung vào đoàn người giả làm mưa.
Đoàn người luôn miệng hô to
Có mưa rào, mưa ra gạo ra lúa
Sau đó đoàn người tiếp tục đến nhà thứ 2, thứ 3… và lặp lại bài cúng trên. Đến khi đã có đủ lễ vật, đoàn người rước Tô Ngược đến địa điểm cúng lễ và bà mè mải bắt đầu cúng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước chủ sông về ăn lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu xin trời làm mưa cho đến khi sấm sét nổi lên và trời mưa xuống thì chuyển sang phần hội.
Ở phần hội, cả bản làng cùng chơi ném còn, uống rượu cần và hát các bài hát về tình yêu đôi lứa…
Cùng với Lễ hội cầu an bản Mường, Lễ hội cầu mưa của người dân tộc Thái miền Tây Bắc là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người dân tộc ở nơi đây. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch hàng năm (gần tết Nguyên Đán) được biểu hiện qua tiếng sấm, tức là lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng...Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộc ở bản, mường.
(Theo Báo Đà Nẵng)
Các tin khác
Vùng Mân Tây, phía Tây Nam tỉnh Phúc Kiến, có những quần thể nhà tròn được xem là độc đáo nhất Trung Quốc. Người địa phương gọi kiểu nhà như thế là thổ lầu.
Là một thắng cảnh nổi tiếng của TP. Nha Trang, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước. Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi Lasan. Dưới chân đồi là bãi đá ngổn ngang có thể là do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn.
Cuối tuần qua, nhiều người dân Đức đã đổ về thị trấn Ingelheim am Rhein của Đức để tham gia lễ hội vẽ trên cơ thể lần thứ tư.
Ninh Bình nổi tiếng với cố đô Hoa Lư, thắng cảnh Tam Cốc, Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm... Nhưng nếu du khách đến đây chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình.