Du lịch về cội nguồn: Cơ hội phát triển cho các công ty du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2007 | 12:00:00 AM

Ngày 7-12, tại TPHCM, UBND ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ họp báo giới thiệu nội dung hoạt động chương trình du lịch về cội nguồn năm 2008 và xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch vùng. Đây được xem là cơ hội để các hãng lữ hành tại TPHCM làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của mình.

Nét duyên dáng của những cô gái dân tộc Thái vùng Mường Lò.
Nét duyên dáng của những cô gái dân tộc Thái vùng Mường Lò.

Thị trường du lịch đầy tiềm năng

Trước hết, du khách sẽ dừng chân tại Yên Bái - tỉnh nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa Tây Bắc và Trung du Bắc bộ. Do được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương này rất đa dạng, với hàng loạt những danh thắng nổi tiếng như: hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất nước.

Nó gắn liền với công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Khu sinh thái suối Giàng nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển với khí hậu mát mẻ quanh năm – nơi có loài chè shan tuyết cổ thụ. Bên cạnh đó là nguồn suối nước nóng tự nhiên như Bản Bon, Bản Hốc; vùng thượng lưu sông Hồng còn có các quần thể thác Lâm An, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu… Vì vậy, rất thuận lợi cho các hãng lữ hành trong cả nước phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, mạo hiểm.

Không dừng lại ở tài nguyên du lịch tự nhiên, Yên Bái còn được biết đến với rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích Cách mạng như: Thạp đồng Đào Thịnh, quần thể di tích Hắc Y - Đại Cại, đền Đông Cuông, khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, khu di tích mộ Nguyễn Thái Học… Du lịch làng nghề truyền thống của Yên Bái cũng đáng để bạn ghé thăm, như làng nghề tranh đá qúy Lục Yên, làng dệt thổ cẩm Nghĩa An… Ngoài ra, đến Yên Bái du khách còn được hòa mình vào những lễ hội truyền thống, mang  đậm bản sắc dân tộc như: múa khèn của đồng bào Mông, hát lượn của đồng bào Tày, múa xòe của đồng bào Thái, múa xịnh ca của đồng bào Cao Lan...

Riêng về  góc độ ẩm thực, Yên Bái được biết đến bởi vô số món ăn đặc sắc, mang nét đặc trưng không đâu có được của đồng bào Thái vùng Mường Lò như xôi ngũ sắc, cá sỉnh nướng, thịt trâu hun khói, rêu đá vùi than, khoai tím của vùng đất ngọc Lục Yên, bưởi Đại Minh thơm ngon nổi tiếng vùng sông Chảy…

Đến với Lào Cai - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt và Phú Thọ - nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm du lịch thuộc hàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, đó là cảnh đẹp SaPa (Lào Cai) với khí hậu quanh năm mát mẻ; là quần thể di tích đền Hùng (Phú Thọ) đầy thiêng liêng… Tất cả những yếu tố trên khiến sản phẩm du lịch của ba tỉnh ngày càng cuốn hút du khách.

Đẩy mạnh tour du lịch về nguồn

Với những lợi thế nêu trên, trọng tâm của chương trình họp báo giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ diễn ra tại TPHCM lần này đó là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa du lịch về với cội nguồn dân tộc, xúc tiến thu hút đầu tư du lịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Theo đó, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11- 2008 hàng loạt sự kiện lễ hội văn hóa sẽ diễn ra tại ba tỉnh.

Trước mắt là lễ khai mạc chương trình du lịch về cội nguồn với chủ đề “Những sắc màu tiềm ẩn” được diễn ra vào ngày 13-2-2008 tại thành phố Yên Bái với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn. Tiếp đến là lễ hội đền mẫu Âu Cơ dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-2, lễ hội đền Thượng, đền Đông Cuông (21-2), lễ hội Đền Hùng (13 đến 15-4), lễ hội đền Đại Cại, lễ hội hát Xoan, lễ hội bơi chải Bạch Hạc...

Cùng nằm trong chương trình du lịch về nguồn, cả 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ còn tổ chức các chương trình: tuần lễ văn hóa Sa Pa, tuần lễ khám phá Thác Bà (tháng 5-2008), tuần văn hóa du lịch Bắc Hà (tháng 6-2008), lễ hội đền Bảo Hà (tháng 8-2008), tuần văn hóa du lịch Mường Lò, tổ chức giải leo núi quốc tế chinh phục đỉnh Phanxipăng lần thứ 2 (tháng 10-2008)...

Đặc biệt, đến với ba tỉnh trong dịp này, du khách còn có thể chọn cho mình rất nhiều chùm tour khác nhau để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự linh thiêng của vùng Tây Bắc như:  đền Hùng - đền mẫu Âu Cơ - đền Tuần Quán - Mường Lò - Mù Cang Chải - Sa Pa - Lào Cai - Hà Khẩu (Trung Quốc); đền Hùng - hồ Thác Bà - đất ngọc Lục Yên - Phố Ràng - Bắc Hà - đền Thượng - Sa Pa…

(Theo SGGP)

Các tin khác

Tin từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, ngày 6/12, một thành viên trong đoàn du khách Mỹ của Cty dịch vụ lữ hành Saigontourist đến Nội Bài trên chuyến bay Việt Nam 830 (Bangkok - Hà Nội) của Vietnam Airlines sẽ trở thành vị khách quốc tế thứ bốn triệu lần đầu tiên VN đón được trong năm 2007.

Hoàng hôn trên hồ Thác Bà. (Ảnh Thanh Miền)

Năm 2008 với vai trò là trưởng nhóm hợp tác ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7/12/2007, để giới thiệu quảng bá sâu rộng hơn chương trình du lịch về cội nguồn và xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của ba tỉnh.

Trong ba dòng sông lớn miền Tây Bắc nước ta gồm sông Đà, sông Mã, sông Thao thì sông Đà là một dòng sông đặc biệt hiểm trở và bí ẩn.

Nguyên liệu : 338g thịt bò. 12 đọt măng tây lớn, cắt dài khoảng 13cm. 28g nấm enoki. 1/2 trái ớt cà chua cắt hình răng cưa. 2 muỗng canh dầu ăn. 1/3 tách súp thịt gà. 1/2 muỗng canh bột bắp hoà tan trong một muỗng cà phê nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục