Mùa xuân hành trình về nguồn cội

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008 là năm thứ tư thực hiện chương trình “Du lịch về cội nguồn” giữa ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Qua ba năm hoạt động, ba tỉnh đã đón trên 10 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng, thu hút hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đã xây dựng, quảng bá được hình ảnh du lịch của vùng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Rực rỡ những sắc màu văn hóa

Ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai là những địa danh đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người.

Nói đến Phú Thọ là nói đến một nền văn hóa tâm linh - mảnh đất cội nguồn dân tộc với Đền Hùng - nơi thờ “Các vua Hùng đã có công dựng nước” và ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của dân tộc Việt Nam. Xuân này, du khách đến Phú Thọ trong hành trình về cội nguồn sẽ được hưởng thụ đời sống văn hóa tâm linh thông qua các lễ hội: lễ hội hát Xoan (từ ngày 1 - 3 tháng Giêng), lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (từ ngày 5 - 7 tháng Giêng), lễ hội Phết - Hiền Quan (từ ngày 12 - 13 tháng Giêng), lễ hội Đền Hùng (từ ngày 7 - 10 tháng Ba âm lịch), lễ hội bơi chải Bạch Hạc (từ ngày 8 - 9 tháng Ba âm lịch).

Yên Bái - cửa ngõ miền Tây Bắc với vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Nơi đây hội tụ trên 30 dân tộc chung sống đã tạo nên bản sắc phong phú, đa dạng cho mảnh đất và những sinh hoạt cộng đồng. Mỗi dịp xuân về, đồng bào các dân tộc nô nức trong mùa lễ hội. Từ các xóm làng dọc sông Hồng đến các thôn, bản trên núi cao lại tưng bừng tổ chức Hội Lồng tồng, Tết nhảy, lễ hội Mừng cơm mới, hội đua thuyền, ném còn, đánh quay, vặn cây, vật dân tộc, hát then, hát lượn v.v...

Lào Cai nổi tiếng từ lâu với những đặc trưng văn hóa chợ vùng cao, văn hóa ẩm thực với những cái tên đã trở nên quen thuộc và ghi dấu ấn trong lòng du khách: chợ tình Sa Pa, chợ phiên Bắc Hà... Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, tụ họp, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hát múa, vui chơi; là nơi hò hẹn, gặp gỡ, giao lưu tình cảm, tìm hiểu bạn đời... Dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và thung lũng Mường Hoa ở Sa Pa là một nét chấm phá, mở cánh cửa cho du khách bước vào chiêm ngưỡng và tận hưởng những cảm xúc thuần khiết, trong sáng nơi vùng cao. Đặc biệt, du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên hay chinh phục đỉnh Phan - xi - păng sẽ khơi dậy sự tò mò khám phá, mang lại sự đồng cảm, tâm giao giữa hồn người với vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời.

Yên Bái - điểm hẹn mùa xuân

Năm nay, Yên Bái lần thứ hai vinh dự là trưởng nhóm tổ chức chương trình “Du lịch về cội nguồn”. Nằm sâu trong nội địa nhưng lại là cửa ngõ miền Tây Bắc, Yên Bái được biết đến với những cảnh đẹp và đặc trưng văn hóa rất riêng.

Đó là cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nổi tiếng của hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nơi có đứa con đầu lòng của ngành thủy điện nước nhà. Hồ Thác Bà với 1.331 hòn đảo lớn nhỏ có những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch. Nhắc đến Yên Bái, không thể không nói đến Suối Giàng (Văn Chấn) với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong không gian văn hóa đặc trưng của người Mông. Đất ngọc Lục Yên giàu tiềm năng đá quý, khoáng sản. Mù Cang Chải đã được Nhà nước công nhận Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha - niềm tự hào về bản hùng ca trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống ấm no của đồng bào vùng cao Yên Bái. Trạm Tấu ẩn mình trong những rừng pơ mu ngút tầm mắt. Vùng quế Văn Yên bốn mùa thơm nồng. Mường Lò - cánh đồng lớn thứ hai của Tây Bắc, nơi phát tích của người Thái cổ, là mảnh đất mang vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc Yên Bái... Nhắc đến Yên Bái cũng phải nói đến những sinh hoạt cộng đồng dọc bên bờ sông Chảy - một hình thức du lịch đặc biệt hấp dẫn. Hình ảnh các thiếu nữ Tày, Dao, Mông, Thái... như những bông hoa khoe sắc giữa núi rừng đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngay trong những ngày đầu xuân mới, du khách sẽ được tham gia nhiều chương trình du lịch lễ hội văn hóa - tâm linh ở Yên Bái: Lễ khai mạc chương trình “Du lịch về cội nguồn - 2008” (ngày 7 tháng Giêng), lễ hội Đền Đông Cuông, lễ hội Đền Đại Cại (15 tháng Giêng).

Hành trình về nguồn cội

Chương trình “Du lịch về cội nguồn - 2008” được khai mạc vào dịp đầu xuân, khởi nguồn cho nhiều lễ hội du lịch văn hóa truyền thống sẽ diễn ra trên mọi miền đất nước. Chương trình với mục đích hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đạt mục tiêu: năm 2008, ngành du lịch ba tỉnh đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch và tham quan, trong đó khách quốc tế đạt 350.000 lượt, doanh thu đạt trên 800 tỷ đồng; thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng tăng; tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch mới đặc trưng của ba tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo đảm phát triển bền vững.

Sự liên kết tổ chức chương trình này là sự khởi đầu cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang tính lâu dài của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai.  Hy vọng, du lịch về cội nguồn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái sẽ là sự lựa chọn, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai sẽ cùng thắp chung ngọn lửa quê hương, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, mở rộng vòng tay, hân hoan chào đón du khách và bạn bè bốn phương.

Hồng Thanh Tâm

 

Các tin khác

Dự kiến Carnaval Hạ Long 2008 sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến 1/5/2008 với chủ đề “Hạ Long - Hướng tới kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Du khách mua sắm tại Hội chợ xuân miền Tây.

YBĐT - Thực hiện Đề án "Những nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2005 - 2010", tỉnh Yên Bái đã đầu tư 16 tỷ 387 triệu đồng cho chương trình phát triển du lịch.

Theo chu kỳ 12 năm, người Nùng (sông Mao – Bình Thuận) lại tổ chức lễ cầu an. Đây là một trong những nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống tinh thần của người Nùng nơi đây.

Đậu phụ đã quen với bữa ăn của nhiều gia đình, lại đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Khi cuộc sống của nhiều gia đình đã đầy đủ, dư thừa chất béo, người ta càng muốn tìm về những món ăn thanh cao, dễ tiêu hoá. Cách chế biến không cầu kỳ, lạ miệng, vì vậy, các bà nội trợ cũng có thể dễ dàng thay đổi cho thực đơn gia đình hàng ngày. Hãy tham khảo một số món ăn được giới thiệu dưới đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục