Tết Mông - Cuộc triển lãm văn hoá dân tộc Mông

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân như một ân nghĩa của trời đất ban cho con người và vạn vật. Với người Mông, mùa xuân là mùa của chim làm tổ, trai gái tìm nhau, trẻ già dòng tộc quên đi những mâu thuẫn để cùng đón năm mới trong tiếng cười nói vui vẻ. Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở Tà Xùa. Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, ấy là lúc bản người Mông nhộn nhịp đón Tết.

Người Mông ở Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cũng như người Mông trên khắp núi rừng Tây Bắc chuẩn bị rất chu đáo để đón Tết, bởi theo họ cả năm làm việc vất vả rồi nên Tết là dịp để nghỉ ngơi và thăm hỏi nhau. Từ con lợn tết, con gà tết, bộ váy áo… đều được chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ vài tháng trước.

 

Tết Mông vào tháng chạp âm lịch, trước Tết Nguyên đán một tháng. Người Mông quan niệm một tháng luôn có 30 ngày. Nếu năm đó tháng 11 âm lịch có 29 ngày thì ngày 1/12 âm lịch sẽ được coi là ngày 30 tết và cứ như thế lịch sẽ lùi lại 1 ngày.

 

Bắt đầu từ chiều 30 tết, người đàn ông trong gia đình dọn dẹp nhà cửa và trước tiên từ bếp. Theo quan niệm của người Mông bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình. Quét trần bếp phải bằng cành lá của cây tre, cây nứa, vừa quét vừa khấn: "Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, cầu cho cái xấu đi hết, đón cái may mắn về nhà…". Sau đó là quét nhà, sửa sang và sắp xếp đồ đạc gọn gàng.

 

Tiếp đến là dọn xung quanh nhà, khơi thông rãnh nước. Vừa làm vừa khấn: "Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, xin các thần phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khoẻ, làm được nhiều ngô, nhiều lúa…".

 

Ngày 30 tết, ngày cuối cùng trong năm, đó là ngày người đi xa về sum họp với gia đình, ngày âm dương giao hoà, ngày đất trời mở chu trình mới, giấy dó được cắt hình vuông, hình chữ nhật, có những hoạ tiết đơn giản để dán bài vị bàn thờ mới, rồi dán lên cửa nhà, cửa sổ, các xà ngang, cày, bừa, cuốc, xẻng, đồ gùi, gánh gồng… rồi đến máy tuốt lúa, máy xát lúa, thậm chí cả xe máy. Với người Mông, các vật dụng lao động chính là các vị thần đã giúp họ làm ra của cải, nuôi sống họ từ đời này qua đời khác, vì vậy mà chúng cũng được đón Tết trong sự tôn vinh của người Mông.

 

Chiều 30 tết khắp bản làng thơm lừng mùi xôi nếp mới. Nhà nhà xôi nếp để làm bánh dày. Bánh dày là thứ bánh đặc trưng của tết Mông. Người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Sau khi nếp xôi chín được đổ ra máng gỗ giã bằng nhịp chày đôi cho đến khi nhuyễn thì "bắt bánh" - có nghĩa là tạo hình dáng bánh. Chiều 30 tết cả bản làng nhộn nhịp tiếng chày giã bánh.

 

Người Mông rất quan trọng cúng Tết, vào chiều 30 tết chủ nhà phải làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống và bánh dày trước bàn thờ tổ tiên, để tổ tiên thần linh làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. "Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến rồi, gia đình có con gà trống và bánh dày xin dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên thần linh về chứng dám và cùng ăn Tết với gia đình. Xin được phù hộ độ trì". Khấn vậy rồi con gà trống được cắt tiết trước bàn thờ và lông cổ được dính lên bài vị bàn thờ bằng chính tiết của nó.

 

Vào thời khắc giao thừa, người đàn ông trong gia đình làm lễ cúng tổ tiên và thần linh bánh dày đã được dán, tại gian giữa nhà. "Năm cũ đã qua, năm mới đã đến, xin điều giữ mang đi, điều lành ở lại. Xin cho con cháu trong nhà học hành tiến bộ, khỏe mạnh không đau yếu. Xin nuôi con gà được con gà, nuôi con trâu con bò được con trâu con bò, không bị dịch bệnh. Trồng cây lúa thu được hạt thóc, trồng cây ngô thu được bắp ngô… Xin được phù hộ độ trì".

 

Đến 4 giờ sáng ngày mùng 1, gia đình người Mông tiếp tục làm lễ cúng tổ tiên thần linh bằng thịt con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn từ chiều 30, cùng với cơm mới nấu, được đặt trên bàn ở gian giữa nhà để mời tổ tiên thần linh về ăn tết mùng 1. "Năm cũ qua đi, năm mới đến rồi, qua một năm con cháu chúng tôi tích cực lao động sản xuất nay đã thu hoạch gọn gàng để đón năm mới. Xin mời tổ tiên về cùng ăn tết với gia đình và mang đi hết bệnh tật rủi ro. Sang năm mới có sức khoẻ tiếp tục lao động có nhiều của ăn của để. Xin được phù hộ độ trì".

 

Trong các lần cúng thì người cúng cùng ăn với tổ tiên và thần linh như một sự chứng thực về các đồ vật dâng cúng.

 

Những phong tục ăn Tết của người Mông có lẽ không giống với bất cứ dân tộc nào, nó mang những nét văn hoá đặc sắc thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng. Trong những ngày tết bếp của gia đình người Mông không được tắt lửa, nếu chẳng may bị tắt thì cũng không được thổi lên, vì thổi là có gió bão làm mất mùa. Ăn cơm, mọi người không được chan canh vì sợ của cải làm ra sẽ bị nước cuốn trôi mất. Đặc biệt trong 3 ngày tết thì không được ăn rau vì sợ năm mới việc cày cấy mưa gió không thuận hoà dẫn đến đói kém.

 

Những món ăn trong ngày tết gồm tiết canh gà, tiết canh lợn, thịt gà và thịt lợn. Vào ngày Tết mỗi gia đình người Mông có thể mua thịt lợn ở chợ hoặc mổ lợn. Mỡ lợn rán đựng trong chum hoặc ống bương vừa ăn vừa làm nhiên liệu thắp sáng trong lễ tết của người Mông. Và đặc biệt là thịt lợn cắt khổ ướp muối, xâu lạt treo từng dãy trên xà bếp ăn dần mà không hề bị thiu thối.

 

Người Mông cũng có phong tục đến chúc Tết hàng xóm và họ hàng, uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, miếng thịt và cùng chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

 

Đánh quay trong hội xuân

 

Tới ngày mùng 3 tết, các bản Mông tưng bừng hội xuân. Âm thanh ngày xuân rộn ràng trong tiếng khèn, tiếng hát của các cô gái, chàng trai người Mông như muốn bay bổng cùng với mây trời "Hát, không hát lời nặng/ Hát chẳng hát lời đau/ Bài hát không để người già ghét/ Hát không để người trẻ nhiếc/ Đã hát thì hát đến nơi…"

 

Cũng trong hội xuân có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc, trong đó có trò chơi "nẩy pao", đánh yến. Quả pao mềm mại, cái yến thanh mảnh, người đánh đi, kẻ trao lại như một cuộc đối thoại bằng hơi ấm bàn tay, trong đó gửi trao biết bao lời hẹn hò. Các chàng trai thể hiện sức mạnh, sự khéo léo của mình trước các cô gái bằng trò chơi đẩy gậy, kéo co hay đánh quay. Tất cả tạo nên bức tranh sống động, phong phú đầy mầu sắc, nhiều âm thanh về một hoạt động văn hoá tinh thần của đồng bào Mông.

 

Tết Mông là một cuộc triển lãm văn hoá của dân tộc Mông, tất cả những phong tục tập quán tốt đẹp, những nét văn hoá đặc sắc… là kho tàng văn hoá độc đáo góp phần tạo nên một nền văn hoá đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Thanh Ba - Thanh Chi

Các tin khác
Dọc đường đi Tây Bắc, hoa cúc quỳ nở đầy bên núi.

Qua miền Tây Bắc vào dịp cuối đông, du khách bất chợt gặp một thảm hoa cải trắng, hoa cúc quỳ vàng, hoa ban đỏ, hoa dẻ ngát hương. Cảm giác va chạm với thiên nhiên, xua đi bao cực nhọc dọc đường.

Vùng đất Kim Long - TP Huế, vốn nổi tiếng với nhiều sản vật truyền thống, trong đó phải kể đến món mứt gừng. Hàng năm, để chuẩn bị cho Tết Cổ truyền của dân tộc, nơi đây lại nhộn nhịp với công việc làm mứt. Hàng trăm tấn mứt từ làng nghề này toả đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, góp một chút ấm nồng cho mùa Xuân.

Tam giác kinh tế du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh phát triển sẽ kéo theo sự phát triển du lịch của các tỉnh phía Bắc

Nước mắm Phan Thiết sở dĩ ngon là nhờ loại cá này. Ngư dân Bình Thuận đánh bắt cá nục bằng mành chà, một loại lưới được du nhập từ các tỉnh lân cận và được địa phương hoá

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục