Mùa xuân chinh phục núi Thần áo đen

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chẳng biết thực hư thế nào? Nhưng nghe người ta đồn rằng: Đầu năm, lúc mà tiết xuân còn trong sân ngoài ngõ, ai trèo được tới đỉnh núi Thần Áo đen ở xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thì năm đó sẽ được Thần áo đen ban cho sức khỏe, mọi sự tốt lành, an khang, thịnh vượng.

Chuyện vậy! Và người dân trong vùng, du khách gần xa đã tìm đến đây để chinh phục ngọn núi huyền thoại này. Núi không cao, chỉ chừng ba, bốn trăm mét. Không khó đi, nhưng để lên tới đỉnh cũng chẳng đơn giản. Người lên núi ngoài sức khỏe, có một cái tâm trong sáng, tấm lòng thánh thiện sẽ được Thần Áo đen dẫn đi đúng hướng, đến được những địa điểm ngắm cảnh sơn thủy hữu tình.

Có cả trăm bậc đá bắt đầu từ chân núi được hình thành do địa phương bỏ công của xây dựng. Nhưng đến được bên Thần Áo đen thật đâu có dễ dàng. Nếu không có kinh nghiệm, người lên núi sẽ mất sức rất nhanh, có khi phải bỏ cuộc khi mới đếm hết số bậc đá. Hoặc chủ quan bỏ lại áo ấm vì sợ nóng bức khi leo núi thì có thể bị lạnh khi lên đỉnh gặp sương mù. Giày dép, mũ áo cũng phải đàng hoàng và chắc chắn lắm.

Mùa này, đỉnh núi thường có mây mù che phủ. Ngày quang mây, từ xa nhìn lại, người ta mường tượng trên một phiến đá ở ngang lưng núi có hình một vị thần tọa trên ngai.  Long bào của ngài có màu đen. Hình tượng vững chãi từ dân gian ấy luôn in đậm trong lòng người dân nơi đây. Ngọn núi sừng sững chắn gió bắc, chặn những dòng lũ ào ào đổ xuống bảo vệ mùa màng, trông nom vườn tược của dân.

Thần Áo đen không có truyền thuyết, nhưng trong tâm trí đồng bào và một số tài liệu liên quan cho rằng: Thần Áo đen là một vị tướng người Tày. Ngài đã tập hợp dân binh sát cánh cùng với triều đình xưa chống giặc ngoại xâm rồi ngài hóa thân vào vách đá, đời đời kiếp kiếp che chở dân lành. Con ngựa chiến cũng hóa thành núi Bạch Mã phủ phục trước mặt ngài.

Từ Núi Thần Áo đen người ta có thể thấy Bạch Mã huyền ảo trong sương sớm! Khi sương tan, từ trên nhìn xuống Bạch Mã hiện ra bên tả ngạn sông chảy, cùng với dãy núi bên hữu ngạn thuộc xã Tô Mậu tạo thế rồng chầu hướng về "Đất Phật". Sau bốn lần khai quật, vùng đất này đã được các nhà khảo cổ đưa ra những thông tin quý giá về những giá trị lịch sử, văn hóa ở cụm di tích Hắc Y - Đại Cại. Chùa tháp Hắc Y, chùa tháp Bến Lăn, chùa Hang Úc, chùa Xão và hệ thống chùa chiền đã nằm sâu trong lòng hồ Thác Bà là những cơ sở để khẳng định đây là trung tâm Phật giáo ở phía bắc Đại Việt xưa.

Dòng nước này có nguồn từ xã Khai Trung, Tân Lập sau khi tưới mát hệ thống ruộng nước của bà Chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh và khu vực thành nhà Bầu thì đổ vào sông Chảy tạo nguồn than trắng Thác Bà. Bên bến Lăn lịch sử, trung tâm xã Tân Lĩnh hình thành ngày một sầm uất. Mấy người có thể hình dung đây là một nơi huấn luyện quân lính, là nơi đảm bảo lương thực cho binh sỹ triều đình từ thế kỷ 16.

Sau chừng hơn một tiếng đồng hồ, nếu thuận lợi, du khách có thể tới đỉnh núi, tìm lối vào khu vườn quả tự nhiên sai trĩu 4 mùa. Tương truyền, ai lên đến đỉnh núi cũng có thể vào ăn quả thỏa mái, nhưng không được mang về. nếu mang quả về sẽ không tìm được lối, mà sẽ bị lạc đi loanh quanh trên núi. Tới đỉnh núi, người chinh phục tự khắc thấy trong mình sức bền bỉ, dẻo dai. sự sung mãn của tuổi thanh xuân.

Mỗi người có thể tìm chỗ nghỉ ngơi và khám phá những bí ẩn trên ngọn núi linh thiêng này. Từ đỉnh núi Thần Áo đen hướng về phía nam là những xã Tân Lập, Phan Thanh, Động Quan; sau lưng là điểm đến bình nguyên xanh Khai Trung, là đất của Lâm Thượng, Mai Sơn. Đâu đâu cũng thấy núi! Núi cao núi thấp đang chờ đón du khách. Rồi du khách sẽ đến! Đến với hội đền Đại Cại, đến với chợ đá quý Lục Yên và tham gia tour du lịch mạo hiểm để chinh phục núi Thần Áo đen trong mùa xuân Mậu Tý này.

Quang Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Các cụ ta xưa thường nói "Miếng ngon nhớ lâu...”, dù Nam hay Bắc, dù là chốn đô hội thị thành hay nông thôn dân dã, thậm chí là vùng cao miền núi, đâu đâu và thời nào cũng có miếng ngon để cho ta nhớ lâu, nhớ mãi... Nhớ mà hễ có người nhắc đến là ta lại xao xuyến trong lòng, tần ngần da diết, chỉ ước gì được ngửi thấy, được nếm lại cái hương vị của quê hương... Nhất là đối với người Yên Bái ngày xưa, hay là đối với những người xa xứ thì nỗi nhớ ấy lại càng không thể nào quên được.

YBĐT - Rượu là thức uống có tính kích thích. Rượu có khắp mọi nơi trên thế giới. Mỗi nước đều có rượu với những tên khác nhau. Anh, Mỹ có Whisky, Nga có Vodka, Nhật có Sakê, Pháp có Champagne, Trung Hoa có Mao Đài và người Kinh của Việt Nam có rượu đế. Mỗi thứ có hương vị, màu sắc đến cách làm, cách thưởng thức đều khác nhau. Và mời bạn về Tây Nguyên thưởng thức rượu cần!

Mâm cỗ tết của người Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa ẩm thực riêng. Người Thái ở Mường Lò, Văn Chấn, (Nghĩa Lộ - Yên Bái), sống trong vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những sản phẩm tự nhiên, vì vậy từ xa xưa họ đã tích lũy, xây dựng được cho mình một vốn văn hóa ẩm thực đa dạng phong phú và vô cùng hấp dẫn. Ngày xuân nói chuyện tết, xin giới thiệu một phần nhỏ trong văn hóa ẩm thực ngày tết của họ.

YBĐT - Đầu năm chảy hội đền chùa là mỹ tục ngàn đời của người Việt Nam. Tết đến xuân sang, dòng người lại đến với Yên Bái, đến với những địa danh linh thiêng được truyền tụng lâu nay. Những chùa Ngọc Am, đền Tuần Quán, đền Nam Cường ở ngay thành phố Yên Bái cũng đón hàng ngàn khách thập phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục