Du xuân trên miền đất nguồn cội

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Như một món quà cho du khách đầu xuân Mậu Tý 2008 khi chương trình “Du lịch về cội nguồn” lại được bắt đầu khởi động dịp xuân sang. Xuân này là năm thứ tư của hành trình Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, nghĩa là, còn vạn ngàn điều mới mẻ, hứng khởi chờ đợi du khách chiêm ngưỡng, khám phá trên một miền đất cội nguồn này.

Một thoáng Tân Hương - Thác Bà.
(Ảnh: Thanh Miền)
Một thoáng Tân Hương - Thác Bà. (Ảnh: Thanh Miền)

Còn gì thanh thản hơn, khi trong những ngày đầu xuân được dâng nén tâm hương lên Mẹ Việt. Ấy là khi, du khách theo dòng sông Hồng đặt chân đến nơi người Mẹ của “50 đứa con xuống biển, 50 lên non”, hạ sinh bọc trăm trứng như truyền thuyết lưu lại mà chẳng người dân Việt nào không biết đến. Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), ngày 5-7 tháng Giêng hàng năm vẫn là dịp để những người con đất Việt tỏ lòng thành với người Mẹ chung của dòng giống Lạc Hồng. Như một sợi dây vô hình chốn tâm linh đưa du khách qua “đất Mẹ”, đến “quê Cha” trong ngày Quốc giỗ 10-3 nơi Đất tổ Hùng Vương với quần thể di tích lịch sử Đền Hùng rạng danh ngàn năm lịch sử. Thật đúng là một sự khởi đầu của hành trình về nguồn cội! Trên mảnh đất Phú Thọ đậm màu sắc văn hoá tâm linh này du khách còn được du xuân trong lễ hội hát Xoan, lễ hội Phết - Hiền Quan hay lễ hội bơi chải Bạch Hạc.

Ngược tiếp dòng chảy con sông Hồng nặng đỏ phù sa, du khách đến với chùa Bách Lẫm, Tuần Quán, chùa Am, đền Đông Cuông hay Hắc Y - Đại Kại… trên quê hương Yên Bái. Tĩnh tâm giữa không gian linh thiêng, huyền bí của những đền chùa, miếu mạo nơi đây, du khách lại được hoà mình vào sự náo nức của những lễ hội Lồng Tồng người Thái, tết Nhảy người Dao, lễ hội Mừng cơm mới người Cao Lan; sự  trẻ trung, nhộn nhịp của những hội ném còn, đấu vật, hát then, đánh quay…trên vùng đất đa dạng màu sắc văn hoá của 30 dân tộc anh em. Tiếp tục dòng chảy tâm linh, đến Lào Cai, một không gian đền miếu linh thiêng chờ đợi du khách ở đền Ông Hoàng Bảy, đền Thượng thờ Đức Thánh Trần uy nghi… Và một không gian rất Tây Bắc nơi chợ phiên Bắc Hà, chợ tình Sa Pa…vốn nổi danh trong làng du lịch bấy lâu, cũng  đợi chờ những người ưa khám phá.

Dâng lễ, thắp hương đền chùa, miếu mạo những ngày đầu xuân, cầu những điều an lành, tốt đẹp cho một năm mới vẫn là nét sinh hoạt văn hoá ngàn đời của người dân Việt. Một hành trình du lịch tâm linh chẳng phải là một điều mới mẻ độc đáo trong làng du lịch và cũng hợp đất trời, đúng ý người đó sao? Song, hành trình Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai không chỉ có đền chùa, miếu mạo, mà còn hàng loạt những danh thắng, những nét sinh hoạt đậm màu văn hoá của cộng đồng dân tộc trên dải đất này. Còn đó, một Sa Pa mờ sương quen thuộc mà vẫn vô cùng đắm say với Vườn Hồng, Thác Bạc, Cầu Mây, bãi đá cổ, hay những nét kiến trúc độc đáo kiểu Pháp nơi nhà thờ đá; một “nóc nhà Đông Dương” - đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ chào đón những người muốn chinh phục, khám phá; Vườn quốc gia Hoàng Liên hay thung lũng Mường Hoa đưa du khách về với thiên nhiên trong lành, thuần khiết nơi miền sơn cước trên đất Lào Cai…

Đến với nước non Yên Bái, du khách lại được đến với non nước Thác Bà, vùng hồ rộng lớn trong xanh in rõ bóng 1.331 hòn đảo lớn nhỏ; vào Mường Lò, thả mình trong những suối nước nóng thiên nhiên, đắm say trong điệu xoè Thái; lên vùng cao Suối Giàng nhấp ngụm chè Shan tuyết ấm nồng trong khí trời lạnh ngọt mà trong lành bên gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; qua Tú Lệ thưởng thức hương vị dẻo thơm của nếp Tan nổi tiếng, để rồi mê mải trước những bức tranh kì vĩ ruộng bậc thang của người Mông Mù Cang Chải mà thấy rằng kì tích của bàn tay lao động ấy quả xứng đáng là di tích danh thắng quốc gia…Giữa cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú ấy, một làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, một phiên chợ vùng cao người Mông…càng làm cho cuộc “hành trình về nguồn cội” mê mải lòng người. Tự bản thân cuộc sống mộc mạc, bình dị với những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc nơi đây đã là một thế giới muôn màu với bao điều để khám phá, đắm say.

Một hành trình độc đáo của du lịch tâm linh, du lịch sinh thái sẽ làm vừa ý, đẹp lòng du khách trong hành trình về với cội nguồn trong những ngày đầu xuân mới!

Thu Hạnh

Các tin khác
Đầu năm ai lên tới đỉnh núi sẽ được Thần Áo đen ban cho sức khỏe và thịnh vượng.

YBĐT - Chẳng biết thực hư thế nào? Nhưng nghe người ta đồn rằng: Đầu năm, lúc mà tiết xuân còn trong sân ngoài ngõ, ai trèo được tới đỉnh núi Thần Áo đen ở xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thì năm đó sẽ được Thần áo đen ban cho sức khỏe, mọi sự tốt lành, an khang, thịnh vượng.

YBĐT - Các cụ ta xưa thường nói "Miếng ngon nhớ lâu...”, dù Nam hay Bắc, dù là chốn đô hội thị thành hay nông thôn dân dã, thậm chí là vùng cao miền núi, đâu đâu và thời nào cũng có miếng ngon để cho ta nhớ lâu, nhớ mãi... Nhớ mà hễ có người nhắc đến là ta lại xao xuyến trong lòng, tần ngần da diết, chỉ ước gì được ngửi thấy, được nếm lại cái hương vị của quê hương... Nhất là đối với người Yên Bái ngày xưa, hay là đối với những người xa xứ thì nỗi nhớ ấy lại càng không thể nào quên được.

YBĐT - Rượu là thức uống có tính kích thích. Rượu có khắp mọi nơi trên thế giới. Mỗi nước đều có rượu với những tên khác nhau. Anh, Mỹ có Whisky, Nga có Vodka, Nhật có Sakê, Pháp có Champagne, Trung Hoa có Mao Đài và người Kinh của Việt Nam có rượu đế. Mỗi thứ có hương vị, màu sắc đến cách làm, cách thưởng thức đều khác nhau. Và mời bạn về Tây Nguyên thưởng thức rượu cần!

Mâm cỗ tết của người Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa ẩm thực riêng. Người Thái ở Mường Lò, Văn Chấn, (Nghĩa Lộ - Yên Bái), sống trong vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những sản phẩm tự nhiên, vì vậy từ xa xưa họ đã tích lũy, xây dựng được cho mình một vốn văn hóa ẩm thực đa dạng phong phú và vô cùng hấp dẫn. Ngày xuân nói chuyện tết, xin giới thiệu một phần nhỏ trong văn hóa ẩm thực ngày tết của họ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục