Yên Bái trước giờ khai hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không phải đợi đến ngày 13/2/2008 (tức mồng 7 tết) - ngày khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2008 của Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ, thành phố Yên Bái - nơi diễn ra lễ khai mạc, mới tưng bừng không khí lễ hội.

Màn biểu diễn nghệ thuật đường phố chuẩn bị cho đêm khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008. (Ảnh: Q.N)
Màn biểu diễn nghệ thuật đường phố chuẩn bị cho đêm khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008. (Ảnh: Q.N)

Ngay khi hương vị ba ngày tết còn chưa dứt, cả thành phố Yên Bái đã ngập tràn màu sắc của Du lịch cội nguồn. Không chỉ khu vực trung tâm - nơi diễn ra sự kiện mà khắp các đường phố chính, các cửa ngõ vào thành phố rực rỡ bởi hàng trăm chiếc cờ hội, cờ logo du lịch ba tỉnh, cờ dây, những ánh điện nhiều màu và hoa tươi… Cả thành phố khoác lên mình một chiếc áo mới lộng lẫy đầy màu sắc.

Tại khu trung tâm, hai cổng chào hoành tráng án ngữ khu vực đảo tròn giao thông UBND phường Đồng Tâm và trước cửa Bảo việt tỉnh khiến cho đoạn đường quen thuộc định hình thành một sân khấu đường phố mới lạ, hoành tráng. Cùng với sân khấu đường phố, không gian của một Phiên chợ vùng cao - Khu văn hoá ẩm thực, Hội chợ thương mại - du lịch và sắc màu cuộc sống, Hội xuân sinh vật cảnh và Triển lãm ảnh đường phố đã tạo nên một không gian tưng bừng, náo nhiệt.

Trên sân khấu đường phố, cảnh nhộn nhịp hợp luyện của 2.000 diễn viên chuyên và không chuyên cho màn biểu diễn nghệ thuật tối khai mạc với chủ đề "Những sắc màu tiềm ẩn" đã quen mắt với người dân Yên Bái mấy ngày qua. Việc luyện tập đã được các nhóm tiến hành cả tháng trước đó.

Em Nguyễn Thành Nam, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt cũng như nhiều học sinh khác đã rất vinh dự được tập luyện và biểu diễn cho màn nghệ thuật đường phố trong lễ khai mạc. Ông Nguyễn Tất Hùng, đội trưởng đội trang trí sân khấu cho biết: "Công việc chuẩn bị trang thiết bị cho sân khấu và các màn biểu diễn đã được tiến hành từ hai tháng trước".

Lúc này, những guồng nước, nhà sàn, chim lạc, thuyền rồng, cây rừng… đã sẵn sàng bước vào hội diễn. Sân khấu chính được dựng trước toà nhà Trung tâm hội nghị tỉnh với bề mặt bắt sáng tạo hiệu quả giống như một hồ nước tượng trưng cho hồ Thác Bà, với hai bên là hai tiểu đảo cùng hai sàn diễn phụ tạo làm nên một sân khấu hoành tráng.

Lòng đường - khu vực diễu hành nghệ thuật đường phố tạo nên một sân khấu khổng lồ, cùng với 6 dàn lửa cho hoạt động múa xoè, múa sạp và không gian khu vực quan khách và khán giả với sức chứa của khoảng trên 30.000 người…chỉ còn chờ đợi giờ khắc khai mạc.

 

Dàn đèn hiện đại chuẩn bị cho đêm khai mạc lễ hội Du lịch về cội nguồn.    (Ảnh: Nguyễn Minh Đức)

Trước thời điểm khai mạc, ngày 12/2, nhiều hoạt động phụ trợ khác đã được diễn ra: Trong khuôn viên Nhà thi đấu tỉnh, một không gian của phiên chợ vùng cao và khu văn hoá ẩm thực với qui mô 100 gian hàng tái hiện rõ nét, sinh động những sắc màu cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc: những bộ trang phục hàng ngày của các dân tộc tại các gian hàng, những vật dụng trong nhà đặc trưng như ghế của người Thái, gùi của người Tày, Mông…

Những hình ảnh sống động của nghề dệt thổ cẩm của người Thái, nghề rèn của người Mông, nghề đan lát của người Khơ Mú, nghề chạm khắc bạc của đồng bào Dao, Mông. Nét đặc trưng văn hoá ẩm thực như món thắng cố, rượu sán lùng của người Mông được hiện hữu qua từng vật dụng như ghế gỗ, chảo, bát ăn thắng cố; món cá xỉnh Nậm Thia, cơm lam Mắc Nguộc, táo mèo, trà Suối Giàng…cho đến những tranh, nhạc cụ, đồ lưu niệm, những sinh hoạt văn hoá trong cuộc sống tinh thần của người vùng cao.

Người ta có thể bắt gặp hình ảnh các chàng trai, cô gái trong trang phục các dân tộc khác nhau cùng chung uống bát rượu ấm nồng bên chảo thắng cố hay các cô gái Thái thướt tha trong áo cỏm, khăn piêu đứng xem chàng trai Mông ngây ngất trong điệu múa khèn. Tất cả tạo nên một không khí náo nhiệt, rộn rã âm thanh và sắc màu. …

100 gian hàng của Hội chợ thương mại - du lịch và sắc màu cuộc sống xung quanh khu vực hồ Hào Gia trưng bày, triển lãm tranh đá quý, sản phẩm mỹ nghệ, làng nghề, các mặt hàng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội xuân sinh vật cảnh được diễn ra tại khu vực Trung tâm hội nghị tỉnh với 30 gian hàng trưng bày theo hình thức vườn cảnh, triển lãm giới thiệu và bày bán các sản phẩm về sinh vật cảnh. Cùng đó là 30 bức tranh trong triển lãm tranh, ảnh đường phố giới thiệu hình ảnh về quê hương, đất nước, con người, và văn hoá - du lịch ba tỉnh.

Một không gian rộng với những sắc màu văn hoá đã sẵn sàng cho giờ khai mạc tối nay và không chỉ có riêng người dân Yên Bái chờ đợi màn trình diễn sân khấu và nghệ thuật đường phố: "Những sắc màu tiềm ẩn".    

Thu Hạnh

Các tin khác
Lễ hội Lồng Tồng (Văn Chấn). (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Các dân tộc ở Yên Bái, dân tộc nào cũng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, nhiều mức độ khác nhau trong đó có lễ hội. Chỉ riêng ở Văn Chấn - Mường Lò, tộc người nào cũng có vài lễ hội dân gian. Một địa phương, một xã, thậm chí ở một thôn bản cũng có thể có nhiều lễ hội. Các lễ hội thường diễn ra vào tháng Giêng.

Hội xuân Đại Cại Ảnh: Q.T

YBĐT - Cứ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, người dân Lục Yên lại tổ chức lễ hội Đền Đại Cại. Lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương bởi lẽ đây là lễ hội tâm linh đặc sắc của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

YBĐT - Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong những lễ hội lớn của nước ta đã có từ xa xưa và lưu truyền đến ngày nay. Cháu con của mẹ Âu Cơ ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm lại tìm về quê Mẹ với tấm lòng thành kính và biết ơn.

Xòe xuống đồng.

Sáng ngày 10-2, tức mồng bốn Tết, xã Thanh Phú, huyện Sa Pa đã tổ chức lễ hội xuống đồng đầu năm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục