Đầu năm đến Đền Đông Cuông
- Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương trong những ngày đầu năm.
|
Những ngày đầu xuân này, du khách thập phương đổ về Văn Yên (Yên Bái) không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp kì vĩ trong những cánh rừng nguyên sinh Nà Hẩu hay thưởng thức bản nhạc rừng từ Thác Quẽ - Ao Xanh, thăm các di tích văn hóa truyền thống dọc Sông Hồng... mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông (xã Đông Cuông), để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian cũng như hiện đại như: đánh đu, ném còn, kéo co, thi đấu bóng chuyền, võ karate...
Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương trong những ngày đầu năm. Xuân Mậu Tý này cũng vậy, ngay từ những ngày đầu xuân, tuy chưa phải là chính hội nhưng đã có hàng ngàn du khách đến thắp hương tế lễ. Lễ hội đền Đông Cuông năm nay được tổ chức vào ngày 21/2 (tức 15 tháng Giêng Mậu Tý, là ngày Mão thứ 2 trong năm). Trải qua năm tháng, đền Đông Cuông luôn được chính quyền, nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo, bảo lưu các giá trị văn hóa đặc sắc.
Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, đã ngầm theo giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong "Thần vệ quốc" và đã hóa thân thành Mẫu Thượng ngàn, tức là người mẹ của vũ trụ, được nhân dân tôn kính thờ phụng. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân.
Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Trâu dùng tế lễ được tuyển chọn kỹ từ nhiều tháng trước và nhất thiết phải là trâu trắng. Trâu mổ ra được thui và được chủ tế cúng để cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, con cái khỏe mạnh, làm ăn phát tài...
Sau khi cúng, trâu được đem ra chế biến thành các món ăn mời du khách đến đền làm lễ. Tiếp ngay sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong ba lễ chính của hội đền Đông Cuông. Lễ rước Mẫu sang sông bắt đầu vào lúc 8h. Trước đó đã có hàng ngàn người dân địa phương và du khách tập trung trước cửa đền cùng tham gia rước Mẫu. Lễ rước Mẫu sang sông là để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc.
Trước khi đến bờ sông sẽ diễn ra các trận đấu vật trước tượng Mẫu. Các đô vật được tuyển chọn kỹ, có sức khỏe, dẻo dai. Đây là dịp để con cháu, du khách về dự lễ hiểu biết thêm về lịch sử địa phương, qua đó nêu cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe xây dựng quê hương.
Tượng Mẫu được rước sang sông đến dưới chân núi, nơi có dòng nước xoáy mà khi xưa tướng quân Hà Đặc nhảy xuống. Sau khi các thầy cúng làm thủ tục tế lễ, tượng Mẫu lại được rước quay về đền. Lúc này đúng 10h và cũng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu, lễ cuối cùng của hội đền Đông Cuông.
Hàng ngàn du khách thập phương lần lượt dâng hương, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm. Sau lễ dâng hương sẽ có các hoạt động thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian như: kéo co, đánh đu, ném còn, bóng chuyền, đấu võ...
Với ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của lễ hội đền Đông Cuông, Văn Yên đang xây dựng quy hoạch tổng thể đền nằm trong khu du lịch văn hóa tâm linh của huyện. Năm 2006, đền Đông Cuông chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày nay, du khách đến với đền Đông Cuông không chỉ để dâng hương tế lễ cầu may mà còn cùng người dân địa phương hòa vào không khí lễ hội của những ngày đầu xuân.
Anh Dũng
Các tin khác
Khô cá sặt rằn còn gọi là khô cá bổi, giống cá rằn ri nâu xám, con lớn bằng cả bàn tay. Miền Tây nơi nào cũng có cá sặt rằn, nhưng nơi nhiều mà ngon là ở vùng U Minh của bán đảo Cà Mau và những vùng ngập lũ của sông Cửu Long.
YBĐT - Không phải đợi đến ngày 13/2/2008 (tức mồng 7 tết) - ngày khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2008 của Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ, thành phố Yên Bái - nơi diễn ra lễ khai mạc, mới tưng bừng không khí lễ hội.
YBĐT - Các dân tộc ở Yên Bái, dân tộc nào cũng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, nhiều mức độ khác nhau trong đó có lễ hội. Chỉ riêng ở Văn Chấn - Mường Lò, tộc người nào cũng có vài lễ hội dân gian. Một địa phương, một xã, thậm chí ở một thôn bản cũng có thể có nhiều lễ hội. Các lễ hội thường diễn ra vào tháng Giêng.
YBĐT - Cứ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, người dân Lục Yên lại tổ chức lễ hội Đền Đại Cại. Lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương bởi lẽ đây là lễ hội tâm linh đặc sắc của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.