Lễ hội đường phố tưng bừng giữa lòng Thủ đô
- Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 17/2, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Xuân Hà Nội 2008 đã diễn ra tưng bừng với sự tham dự của hàng ngàn người dân Thủ đô và du khách.
Đám rước Tứ trấn Thăng Long tại lễ hội.
|
Lễ hội do do Sở Văn hoá thông tin Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhằm tạo khí thế vui tươi phấn khởi đầu xuân, từng bước tập dượt cho các lễ hội văn hóa - thể thao, tiến tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.
Đồng chí Phạm Quang Nghị, UVBCT, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành, đoàn thể đã tới dự
Mở đầu lễ hội là Lễ dâng hương trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, người có công khai sáng Quốc đô Thăng Long. Tiếp đó là các hoạt động diễu hành, biểu diễn nghệ thuật của 18 đoàn lễ hội dân gian truyền thống gồm gần 2.000 người đến từ nhiều xã, phường trên địa bàn Thủ đô, giới thiệu những nét tinh hoa truyền thống của các địa phương.
Các hoạt động trong cờ giong trống mở liên tục suốt 3 giờ đồng hồ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và tập trung tại 3 sân khấu bố trí tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Quảng trường đông Kinh - Nghĩa Thục và ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ tạo nên lễ hội đường phố đầy ấn tượng giữa lòng Thủ đô.
Những nghệ sĩ diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam mở màn bằng hoạt cảnh vui "Đám cưới chuột", trong đó cả dàn diễn viên vài chục người vào các vai chuột nhắt, chuột nhà, chuột đồng, trình diễn dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, lôi kéo người xem bằng thứ ngôn ngữ hình thể vui mắt.
Đoàn xiếc di chuyển một vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm theo sau là 9 đội múa rồng của huyện Thanh Trì, Từ Liêm, quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng, nối tiếp là 4 đội rước "Thăng Long tứ trấn" của các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm tạo thành một đám rước lớn suốt từ phố Đinh Tiên Hoàng sang phố Lê Thái Tổ.
Trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng theo bước chân của 400 người mang cờ hiệu Trấn Bắc, Trấn Nam, Trấn Tây, Trấn Đông, công chúng Thủ đô và du khách có thể cảm nhận nét linh thiêng, huyền thoại về các ngôi đền cổ Quán Thánh, Kim Liên, Voi Phục... nơi thờ 4 vị thần (Huyền Thiên Trấn Vũ, Cao Sơn, Long Đỗ và Linh Lang) trấn giữ kinh thành Thăng Long xưa. Tiếp sau rước tứ trấn là màn diễn xướng dân gian lễ hội Gióng (xã Phù Đổng) và lễ hội Triều Khúc (xã Tân Triều-Thanh Trì).
Sau những nghi thức dân gian truyền thống là màn biểu diễn võ thuật, hừng hực sức xuân của các vận động viên Wushu, Karatedo Hà Nội, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia từng đoạt Huy chương Vàng tại Sea Games 24 và nhiều đấu trường khu vực và quốc tế…
Lễ hội Xuân Hà Nội 2008 khép lại, nhưng dư âm về một lễ hội đường phố với nhiều hoạt động văn hoá thể thao, truyền thống và hiện đại đan xen, nhuần nhuyễn hứa hẹn những lễ hội rực rỡ và hoành tráng sẽ được tổ chức tới đây trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Mùa xuân – mùa của lễ hội, bởi thế mà cứ mỗi độ tết đến, xuân về là lúc người người nô nức đi trẩy hội. Đi lễ chùa đầu năm để cầu phúc, cầu an lành cho gia đình và người thân đã trở thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam từ ngàn xưa. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Ngày 14-2, hàng trăm cặp tình nhân cùng hàng ngàn du khách đã tề tựu về khu du lịch Thung lũng Tình yêu (Đà Lạt) để tham gia lễ hội Tình nhân (Valentine) lần đầu tiên do Thành đoàn Đà Lạt, Đài PT-TH Lâm Đồng và Công ty CP Du lịch Thanh Niên Đà Lạt tổ chức.
Mỗi nơi có một cách chế biến vẹm khác nhau, có thể là nướng, hấp, hay tẩm bột rán, tuy nhiên người Pháp lại có một cách chế biến con trai rất đặc biệt. Đó là trai hấp rượu vang trắng hoặc đỏ.
YBĐT - Tối 13/2 (tức mùng 7 tết), dòng người cuồn cuộn đổ về Quảng trường trung tâm, người mỗi lúc một đông thêm vì ở đây diễn ra chương trình khai mạc lễ hội với những tiết mục đặc sắc nhất và mới lạ nhất.