Đánh thức tiềm năng du lịch nhân văn của các vùng văn hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Do có địa hình tự nhiên chia cắt bởi sông, núi, Yên Bái lại có cộng đồng gồm 30 dân tộc cư trú trên địa bàn, là tiềm năng để tạo ra sản phẩm du lịch nhân văn từ việc khai thác lễ hội truyền thống các tộc người và từ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.
Lễ khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008.
|
Trong đời sống nhân dân, lễ hội đã mang đến sức sống mới, tạo niềm vui cho nhân dân, tình yêu quê hương gắn kết cộng đồng hình thành và duy trì bản sắc tộc người, tạo nét văn hóa đặc trưng khu vực, vùng, miền... Trong những năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt các tiềm năng du lịch nhân văn đã được quan tâm khai thác.
Khai thác tiềm năng du lịch nhân văn dọc sông Hồng
Thông qua Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức và thu hút được sự chú ý của đông đảo du khách trên khắp mọi miền đất nước. Khu vực thành phố Yên Bái và dọc sông Hồng là nơi tập trung các lễ hội tâm linh tín ngưỡng như: lễ hội đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am... hàng năm được duy trì tổ chức, trở thành những điểm du lịch tâm linh phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân địa phương. Lễ hội đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng ngàn là một trong những lễ hội lớn nhất, có ảnh hưởng khu vực và cả nước, kéo dài từ ngày Mão đầu năm và duy trì đến rằm tháng 4 âm lịch hàng năm. Cùng với các lễ hội là nhiều hoạt động, trò chơi dân gian mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Vùng văn hóa sông Hồng là nơi hội tụ những lễ hội đền, chùa được tổ chức thường niên nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển loại hình văn hóa du lịch tâm linh. Trong thực tế, ngành du lịch Yên Bái đã xây dựng các tour du lịch về cội nguồn, kết nối các điểm du lịch dọc sông Hồng từ Phú Thọ qua Yên Bái lên đến Lào Cai. Với chương trình liên kết tour du lịch như thế đã thu hút được nhiều khách du lịch đến với Yên Bái - một địa danh du lịch chưa được biết nhiều so với Lào Cai và Phú Thọ. Khai thác các giá trị văn hóa từ các lễ hội gắn với các hoạt động du lịch là một trong những ưu thế để thu hút khách du lịch. Trong mỗi lễ hội đã tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống làm tăng sự đa dạng và phong phú, tạo cho người dân địa phương được biết thêm và có cơ hội để thưởng thức các giá trị văn hóa bản địa.
Khai thác tiềm năng du lịch nhân văn của vùng văn hóa sông Chảy
Khác với vùng văn hóa sông Hồng, vùng văn hóa sông Chảy là nơi hội tụ các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh Yên Bái. Nổi bật là quần thể Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên). Đây là nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa thời Trần và giá trị khảo cổ học quý giá.
Để khai thác và phát huy phục vụ trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Yên Bái đã bước đầu quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi các giá trị văn hóa trong quần thể di tích này trong tổng thể khu danh thắng hồ Thác Bà. Đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu, tìm tòi và tôn vinh giá trị văn hóa vốn có của nó. Ngoài mục đích gìn giữ những cổ vật quý của quốc gia, bổ sung vào kho tàng văn hóa - lịch sử của dân tộc, còn xây dựng các tài liệu tuyên truyền giới thiệu về vùng đất ngọc Lục Yên để phục vụ khách du lịch đến với nhiều mục đích khác nhau: tham quan thắng cảnh, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu và thưởng thức văn hóa bản địa kết hợp với cơ hội phát triển kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm chế tác từ đá quý nổi tiếng nơi này.
Khai thác tiềm năng du lịch nhân văn của vùng văn hóa Mường Lò
Nói tới Mường Lò là nói tới vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh Yên Bái, hội tụ những nét đẹp văn hóa tinh hoa của các tộc người như: Thái, Tày, Mông, Mường, Khơ Mú...
Để khai thác tiềm năng du lịch vùng đất này, ngành du lịch đã quan tâm và chú trọng đến các lễ hội, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong Chương trình Du lịch về cội nguồn, nhiều lễ hội đã được tổ chức như: Ngày hội văn hóa Mông Suối Giàng tôn vinh cây chè tổ, vùng chè thủy tổ Đông Nam Á, Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò, Hội chợ, tổ chức tour du lịch khám phá Di tích danh thắng cấp quốc gia - ruộng bậc thang Mù Cang Chải... với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách.
Tiết mục múa khèn Mông trong Tuần lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò. (Ảnh: Quang Thiều)
Các món ăn đặc sản của địa phương, các nghi lễ, phong tục tập quán, dân ca, dân vũ... của mỗi dân tộc vùng văn hóa Mường Lò là một trong những yếu tố để tạo nên phần hồn của mỗi lễ hội. Ngành du lịch đã xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu nhằm gìn giữ và phát huy những yếu tố đó như: xây dựng hồ sơ Đề tài khoa học cấp tỉnh "Thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể Yên Bái gắn với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch", "Bảo tồn bản truyền thống người Mông ở bản Pang Cáng, xã Suối Giàng" với nội dung nghiên cứu và khảo sát những làng, bản của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó, vùng văn hóa Mường Lò là một trọng điểm. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động lễ hội được tổ chức trong các dịp lễ, tết thường niên của cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Khai thác tính đa dạng của văn hóa truyền thống dân tộc ít người
Một trong những yếu tố làm nên kho tàng văn hóa phong phú đa dạng của tỉnh Yên Bái nói chung là văn hóa phi vật thể. Trong thời gian qua, ngành du lịch đã quan tâm chú trọng đến việc khai thác giá trị truyền thống dân ca, dân vũ, âm nhạc như: các điệu khèn của người Mông, các điệu múa xòe của người Thái, múa sạp Tây Bắc có nguồn gốc từ Yên Bái, tính tẩu của người Tày...
Các lễ hội dân gian như: Lồng tồng, Hạn Khuống, Gầu tào... được khôi phục và tổ chức thường xuyên, gắn với các hoạt động du lịch. Có thể nói, với 30 dân tộc anh em đủ để tỉnh Yên Bái có được một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, hội tụ những nét đặc sắc và độc đáo không lẫn với dân tộc nào. Tuy nhiên, do những điều kiện không thuận lợi về giao thông và cư trú ở vùng cao nên những “mỏ vàng" này chưa được khai thác hết. Những truyền thuyết hay sự tích về một lễ hội hoặc phong tục tập quán nào đó của dân tộc đang cần có sự cố gắng hết sức để nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và gìn giữ, bổ sung vào kho tàng văn hóa dân tộc của tỉnh.
Các điểm di tích và lễ hội du lịch thu hút khách du lịch không kém, nhất là di tích văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh. Văn hóa ẩm thực cũng là một sản phẩm được chú trọng khai thác. Những món ăn truyền thống của người thiểu số như: xôi ngũ sắc, nếp Tú Lệ, cá nướng ngòi Thia, các món ăn chế biến từ nguồn thủy sản hồ Thác Bà, từ rau rừng... Thậm chí có cả những món ăn chế biến từ côn trùng của địa phương, đã trở thành những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng cao Yên Bái được nhiều du khách yêu thích lựa chọn.
Tuy nhiên cũng cần phải nói tới mặt hạn chế của du lịch Yên Bái, đó là sự bền vững của sản phẩm du lịch chưa cao, phần lớn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu khách tham quan du lịch; công tác quảng bá chưa được thường xuyên, phạm vi quảng bá chưa rộng; nhận thức về vai trò du lịch đối với nhân dân còn hạn chế... Khắc phục những khó khăn này, những tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh Yên Bái sẽ được khai thác hiệu quả hơn nữa thông qua Chương trình Du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ và chương trình liên kết tour, tuyến du lịch trong cả nước.
Anh Thư
Các tin khác
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 11 km về phía Đông Nam, quần thể Ngũ Hành Sơn là danh thắng nổi tiếng, in đậm nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử, cách mạng. Nơi đây nổi bật như một điểm nhấn trên hành trình khám phá vùng đất miền Trung theo con đường di sản...
Mặc dù có xuất xứ Nam bộ, nhưng giờ đây bánh tráng phơi sương đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người dân Việt, thậm chí cả những thực khách nước ngoài. Tại Huế, tuy bánh tráng phơi sương không phải là món ăn quen thuộc, nhưng bằng tài chế biến khéo léo, các bà, các mẹ ở Huế đã tạo nên một món bánh tráng phơi sương mang đậm phong vị Huế và cũng cực kỳ hấp dẫn.
YBĐT - Giữa cuộc sống ồn ã, bộn bề, bạn đang muốn tìm cho riêng mình những khoảnh khắc êm đềm, một chút gì đó tĩnh lặng? Hãy về với Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) – một làng gốm cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam.
Lươn um xưa kia, theo truyền thống, vốn là món chỉ om với nước cốt dừa cùng lá nhàu hoặc rau ngổ trong nồi đất hoặc nồi nhôm.