Bác Hồ là tấm gương sáng trong việc "trồng người"
- Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bác Hồ từng dạy chúng ta "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". "Trồng người" là cách nói truyền thống, nhưng trong công tác tổ chức cán bộ thì "trồng người" chính là công tác đào tạo cán bộ.
Được sự đầu tư của Nhà nước, các trường học ở vùng cao Yên Bái đã tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. (Ảnh Trường Phong)
|
Ông Nguyễn Viết Hoàn, người đã từng làm công tác bảo vệ Bác Hồ, sau này phụ trách Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, tháng 7/1993 có đến nói chuyện về việc "trồng người" của Bác Hồ tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức cán bộ Trường quản lý Nhà nước Hà Nội khóa 17 và là khóa đầu tiên do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ mở.
Ông kể: Thời gian 1925, 1926, 1927 Bác Hồ mở các lớp đào tạo cán bộ đầu tiên. Cách đào tạo của Bác là mở các lớp ngắn ngày, cứ mỗi khóa 3 tháng. Đây là những năm mở lớp trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, các tổ chức yêu nước bị thực dân Pháp khủng bố. Ở Trung Quốc chỉ có 1 tổ tam xã có dăm ba thanh niên ôm bầu máu nóng cách mạng nhưng rất lúng túng. Bác bắt đầu đào tạo những người này, đưa vào tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Rồi Bác tập hợp những người yêu nước khác để đào tạo, vì chỉ có người yêu nước mới học tập chăm chỉ, chân thành, chung thủy.
Mục tiêu đào tạo cho cán bộ rất rõ ràng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở đó chỉ ra con đường cụ thể đi theo cách mạng. Điều này khác với Phan Bội Châu cũng mở lớp nhưng mục tiêu không rõ ràng, không thiết thực, thậm chí có sai lầm, dạy học chủ yếu chỉ dựa vào những sáng tác thơ văn. Vì vậy, mặc dù các khóa học Bác mở rất ngắn hạn, nhưng việc "trồng người" của Bác rất hiệu quả, các học viên đều trở thành các chiến sĩ cách mạng kiên định, tài giỏi.
Từ đó đến nay, chúng ta có cả một đội ngũ cán bộ đông đảo, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tuy cũng có vấp ngã, nhưng vẫn vững vàng, chung thủy, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng.
Trong nội dung của việc "trồng người" Bác đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức tư cách của người cán bộ. Ở tác phẩm "Đường Kách mệnh" Bác chỉ ra 23 điều xử thế của người cán bộ, làm rõ nhiệm vụ của cán bộ là thông hiểu chính trị và có đạo đức tốt, Bác coi tiêu chuẩn đạo đức là hàng đầu, đạo đức và chính trị là hai vấn đề quan trọng, còn tài năng rất cần nhưng tài năng mà không có đức thì không thể làm cán bộ được. Bác căn dặn cán bộ phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".
Bác thường kết hợp lý luận và thực tiễn trong việc "trồng người". Bác coi trường lớp chỉ là một khâu trong lý luận "trồng người" và đòi hỏi lý luận phải gắn với thực tiễn. Học xong, cán bộ phải vào hoạt động trong dân thì mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân, mới vì dân phục vụ. Vì thế, Bác khẳng định: "Người cán bộ là đầy tớ của dân".
Khi xác định được mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ rõ ràng, Bác Hồ chỉ cho thấy vai trò của công tác cán bộ: "Cán bộ quyết định tất cả", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Cán bộ tốt không phải trên trời rơi xuống, mà do rèn luyện mà nên".
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Bác vạch ra 3 vấn đề huấn luyện: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa với các cách thức huấn luyện cụ thể. Bác căn dặn: "Các cơ quan phải rất chú ý đến lựa chọn cán bộ", "không được bủn xỉn trong việc chi tiêu để đào tạo cán bộ". Bác căn dặn rất nhiều về công tác đào tạo cán bộ, sử dụng cán bộ, đối xử và có chính sách đối với cán bộ.
Bác yêu cầu người lãnh đạo phải hiểu biết cán bộ, muốn vậy phải tự rèn luyện đạo đức cho mình. Bác nói: "Biết người cố nhiên là khó, nhưng tự biết mình lại càng khó khăn", hoặc: "Muốn biết sự phải trái của người thì trước hết phải biết sự phải trái của mình", phải đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của người khác thì mới xem xét đúng.
Trong quá trình công tác, sự nóng nảy rất dễ xảy ra đối với cán bộ lãnh đạo, nhưng với Bác thì chưa bao giờ thấy Bác nóng nảy với ai. Bác rất mực thương yêu cán bộ, ai có khuyết điểm, bác thẳng thắn phê bình, nhưng rất mực chân thành, chỉ bảo ân cần cụ thể giúp người đó tiến bộ.
Bác Hồ thực sự là tấm gương sáng trong việc "trồng người" cho mọi cán bộ noi theo.
Hoàng Việt Quân
Các tin khác
YBĐT - Cũng như các địa phương khác của huyện Văn Chấn (Yên Bái), ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ xã Tú Lệ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể.
YBĐT - Buổi chiều ngày 23/9/1958, ngoài đường phố từ Lò Vôi đến bến phà Âu Lâu, khu vực Nam Cường được tin Bác đến thăm, bà con khu phố ra đường làm vệ sinh, khu vực ga Yên Bái được dọn dẹp và sửa sang sạch sẽ, gặp ai cũng thấy hồ hởi, phấn khởi. Mặc dầu nhà cửa của dân lúc ấy là tranh tre, nứa lá nhưng gia đình nào cũng dọn dẹp ngăn nắp, không khí trong thị xã Yên Bái và các huyện Yên Bình - Trấn Yên nhộn nhịp hẳn lên. Ai ai cũng chờ để được đi dự mít tinh, được trông thấy Bác.
YBĐT - Nói đến xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) là nói đến chiến công đánh đồn Đại Bục, Đại Phác; đồn Gióm... của chiến thắng sông Thao thời kỳ chống Pháp. Chiến thắng này đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông - Tây của Pháp. Trên mảnh đất lịch sử ấy giờ đây đã thay đổi rất nhiều.
YBĐT - Cách đây hơn mười năm, tôi may mắn được đọc cuốn sách: "Căn cứ địa Việt Bắc" của Hoàng Quang Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La do Nhà xuất bản Việt Bắc in năm 1976, mới vỡ lẽ ra rằng: chiến khu Vần - Hiền Lương có liên quan mật thiết với căn cứ địa Việt Bắc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, đặc biệt là sự quan tâm của Bác Hồ.