Bác Hồ với chiến khu Vần - Hiền Lương
- Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây hơn mười năm, tôi may mắn được đọc cuốn sách: "Căn cứ địa Việt Bắc" của Hoàng Quang Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La do Nhà xuất bản Việt Bắc in năm 1976, mới vỡ lẽ ra rằng: chiến khu Vần - Hiền Lương có liên quan mật thiết với căn cứ địa Việt Bắc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, đặc biệt là sự quan tâm của Bác Hồ.
Thực ra thì từ giữa năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đã được Đảng cử lên khảo sát tình hình để chuẩn bị thành lập khu căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương, nơi giáp ranh hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, đồng thời là một vùng đất hiểm trở, hẻo lánh, kẻ địch ít chú ý đến. Ngay sau đó, Trung ương lần lượt cử nhiều cán bộ về Yên Bái tại các vùng Ngòi Hóp, Mậu A (Văn Yên), Cổ Văn (Lục Yên), Cảm Nhân (Yên Bình), thị xã Yên Bái, đặc biệt là vùng Linh Thông (Trấn Yên) đã có các đồng chí Bình Phương, Bùi Quang Tạo, Lý Bạch Luân, Ngô Minh Loan... về gây dựng phong trào.
Chẳng bao lâu, phong trào cách mạng ở Vần - Hiền Lương đã phát triển sang các làng Bảo Long, Hạ Bằng La, Vân Hội, Hiền Lương, Đức Quân, Giới Phiên, Lương An, Nga Quán, Âu Lâu, Hào Gia, Y Can và Báo Đáp. Những nơi này lần lượt thành lập các Hội Phản đế, các tổ chức cứu quốc và lập tổ Việt Minh. Tình hình cách mạng tỉnh Yên Bái khá sôi động, nhiều gia đình đem súng, lương thực ủng hộ cách mạng, nhiều cai và lính bảo an bỏ chạy, ảnh hưởng cách mạng từ Vần - Hiền Lương lan rộng đến 40 làng, khoảng 400 km2 và gần 20.000 dân. Cũng tại vùng giải phóng Vần - Hiền Lương đã từng đón nhận một số chiến sỹ cộng sản bị giam cầm trong Căng Nghĩa Lộ sau khi tổ chức vụ bạo động phá Căng ngày 17/3/1945, được nhân dân đùm bọc che chở, đã trở về với căn cứ, tiếp tục hoạt động.
Đêm 30/4 rạng ngày 1/5/1945, sau ba tháng tiến công vào Berlin, Hồng quân Liên Xô đã cắm lá cờ chiến thắng "búa liềm và ngôi sao" lên nóc nhà Quốc hội của phát xít Đức, Hít le phải tự sát. Ngày 8/5/1945 tại Pốt-sđam, lễ ký kết đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức được cử hành trang nghiêm dưới sự chủ tọa của nguyên soái Liên Xô Giu-cốp. Thế là lò lửa gây chiến tranh ở châu Âu bị dập tắt.
Thất bại của phát xít Nhật ở châu Á chỉ còn tính từng ngày, từng giờ.
Hạ tuần tháng 5/1945, Bác Hồ về Tân Trào. Bác cho mời ngay đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng lên Tân Trào bàn định chủ trương mới.
Sau khi nghe Ban Thường vụ Trung ương báo cáo về tình hình chung cả nước và Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Bác chỉ thị: vùng giải phóng miền núi Bắc Bộ đã bao gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng bên ngoài gồm một bộ phận các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, địa thế nối liền nhau, cho nên cần thành lập ngay một khu căn cứ cách mạng rộng lớn lấy tên là Khu giải phóng (sau này trong một lá thư gửi đồng bào Việt Bắc nhân ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1947, Bác gọi là "căn cứ địa Việt Bắc"). Đồng thời, Bác chỉ thị khẩn trương chuẩn bị hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân mà Bác đã dự định mở vào cuối năm 1944.
Chấp hành Chỉ thị của Bác Hồ, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập đại biểu 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái về dự hội nghị chính thức thành lập Khu giải phóng. Thế là từ ba trung tâm căn cứ địa Việt Bắc (căn cứ địa Cao Bằng, căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, căn cứ địa Đại Từ - Định Hóa - Sơn Dương - Yên Sơn) giờ đây đã thống nhất lại trở thành căn cứ địa Việt Bắc lớn nhất trong cả nước.
Khu giải phóng đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu. Hội nghị đã thông qua những chủ trương, chính sách nhằm làm cho Khu giải phóng trở thành căn cứ địa kháng Nhật kiểu mẫu, là nơi đóng các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ cách mạng lâm thời, chuẩn bị lực lượng đón thời cơ Tổng khởi nghĩa. Các cuộc hội nghị của Đảng và Đại hội quốc dân sắp tới cũng sẽ triệu tập tại đây.
Hòa chung vào niềm vui Khu giải phóng được thành lập, cao trào cách mạng của quần chúng ở các đô thị, đồng bằng nổi lên, đồng thời hàng loạt các căn cứ địa mới ra đời như: Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (tức Quang Trung), chiến khu Vần - Hiền Lương (Phú Thọ - Yên Bái) ra đời tháng 5/1945, chiến khu Trần Hưng Đạo (tháng 6/1945), hai chiến khu Bắc và Nam Quảng Ngãi thành lập sau khởi nghĩa Ba Tơ... Khu giải phóng đã mở đường liên lạc và đánh thông với chiến khu Vần - Hiền Lương cùng các chiến khu khác. Ngược lại, các chiến khu cũng cử những đội đi bắt liên lạc với căn cứ địa Việt Bắc.
Cũng chính vào tháng 5/1945 lịch sử chính thức ra đời chiến khu Vần - Hiền Lương thì ba chi bộ đầu tiên ở Yên Bái được thành lập - tháng 6/1945, lập ban cán sự Đảng, rồi đổi thành Tỉnh ủy Phú Yên (Phú Thọ - Yên Bái) gồm 3 đồng chí: Ngô Minh Loan, Bình Phương và Lý Bạch Luân, do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Ngày 14/6/1945 tại chùa Hiền Lương, đội du kích Âu Cơ được thành lập, ngay sau đó đã liên tiếp đánh thắng hai trận: đánh Bảo an binh ngày 20/6/1945 và đánh quân Nhật ngày 27/6/1945.
Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú Yên gấp rút chuẩn bị để giành chính quyền.
Từ căn cứ Vần - Hiền Lương, quân dân Phú Thọ - Yên Bái đã nhận Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương Đảng, đặc biệt là lời căn dặn của Bác Hồ với đồng bào cả nước: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Vâng lời Bác! Quân dân Phú Thọ - Yên Bái cùng cả nước đã từ các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đứng dậy Tổng khởi nghĩa, làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(Rút trong tập "Bác Hồ trong lòng người dân Yên Bái - Lào Cai" của Hoàng Việt Quân)
Các tin khác
YBĐT - Ngay từ khi có cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng ủy xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xác định đây là cuộc vận động có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tăng cường sức chiến đấu của Đảng.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái là mốc lịch sử quan trọng ghi dấu ấn tỉnh Yên Bái lần đầu tiên và duy nhất được đón Bác Hồ. Đây là một vinh dự to lớn, sự cổ vũ, động viên phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Trong những năm 1926 – 1927, phong trào cách mạng tiếp tục lên cao. Tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” do Bác sáng lập năm 1925 phát triển khá mạnh. Trong lúc đó tổ chức “Việt Nam Quốc dân đảng” cũng đang ráo riết chuẩn bị bạo động. Khi đó, Bác Hồ đang hoạt động tại Xiêm (Thái Lan).
YBĐT - Đảng bộ xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên - Yên Bái) có 131 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ. Nhiều năm qua, Đảng bộ xã luôn được đánh giá là đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng và phát triển Đảng. Tuy nhiên, tác phong, lề lối tinh thần sáng tạo và hiệu quả công tác của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn hạn chế. Điều đó đã được Đảng bộ nhìn nhận và đánh giá qua đợt sinh hoạt chính trị lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.