Sức bật đất anh hùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2015 | 9:49:48 AM

YênBái - YBĐT - Là một trong 62 huyện khó khăn của cả nước, nhưng từ sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, bộ mặt Mù Cang Chải hôm nay đang đổi thay từng ngày, xứng đáng với truyền thống anh hùng thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng.

Trung tâm huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)
Trung tâm huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Sau Tuần Văn hóa và Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang năm 2015, chúng tôi lên Mù Cang Chải. Lúa vẫn ươm vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Trên các triền núi, bà con người Mông tranh thủ thời tiết nắng ráo hối hả thu mùa. Về tình hình sản xuất, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Tiến Lâm vui vẻ cho biết: "Vụ mùa này, toàn huyện gieo cấy 2.894 héc-ta lúa, năng suất ước đạt 40 tạ/ha, sản lượng 11.576 tấn. Cộng cả năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34.894 tấn, tăng 2.159 tấn so với năm 2014".

Vui với thành công của vùng cao vì lương thực - vấn đề hàng đầu, là nỗi trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo và người dân nơi đây đã cơ bản được giải quyết. Vậy là cảnh bà con rồng rắn vào rừng khai thác gỗ hay ngồi từng đoàn ở trụ sở UBND xã, huyện chờ gạo cứu đói những ngày giáp hạt đã không còn! Thành công này, là do Mù Cang Chải đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng cao, đồng thời vận động bà con tăng gia sản xuất.

Trong chuyến công tác này, tôi gặp lại Trịnh Thế Bình - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang, hiện đang giữ cương vị Chánh Văn phòng Huyện ủy, là một trong nhiều cán bộ được huyện tăng cường về cơ sở xây dựng phong trào. Gặp nhau, chúng tôi vui vẻ ôn lại chuyện những tháng ngày anh cùng nhiều cán bộ tăng cường lặn lội tại cơ sở, vận động nhân dân triển khai làm vụ đông, làm cây rơm thức ăn cho gia súc, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, ăn chung một tết dân tộc…

Hỏi về tình hình của huyện trên cương vị mới, anh vui vẻ cho biết: "Từ một vụ nay bà con Mù Cang Chải đã biết làm lúa hai vụ, biết làm vụ thu, vụ đông. Qua đánh giá, tổng diện tích lương thực và cây màu của cả nhiệm kỳ qua toàn huyện đạt 9.382 héc-ta, tăng 2.054,6 ha so với năm 2010, trong đó có 1.140 ha lúa nương chuyển đổi sang trồng ngô. Hiện, bình quân lương thực đầu người của Mù Cang Chải đã đạt 600 kg". Với một huyện vùng cao với 90% đồng bào Mông, địa hình cực kỳ khó khăn, con số mà đồng chí lãnh đạo huyện cung cấp thật ấn tượng!

Đêm, thị trấn Mù Cang Chải rực ánh đèn điện. Hòa cùng dòng khách phượt, chúng tôi dạo quanh phố huyện. Thị trấn trung tâm huyện vùng cao giờ đã mang dáng dấp đô thị du lịch với hệ thống giao thông nội thị tương đối hoàn thiện, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, xử lý chất thải được đầu tư, cải tạo. Nhà dân xây san sát nhưng khá ngăn nắp, dày đặc biển hiệu dịch vụ ăn uống, lưu trú... Tìm hiểu được biết, không chỉ phố huyện, không gian đô thị tại thị tứ Khao Mang, ngã Ba Kim, trung tâm xã Nậm Khắt… cũng được đầu tư tạo thành điểm nhấn. Trong đó, từ các nguồn lực đầu tư phát triển trong 5 năm (2010 - 2015) đạt 2.680 tỷ đồng mà hàng trăm công trình cầu, cống, thủy lợi, trường học… được cải tạo, mở mới. Giờ đây, tất cả các bản của Mù Cang Chải đã có đường xe máy, trong đó 60% số bản đi được xe máy bốn mùa; 83/126 bản có điện lưới quốc gia... Phát triển nhanh như vậy nên chẳng trách buổi tối ngồi ở phố huyện nhìn trên các triền núi, chúng tôi thấy ánh đèn điện, ánh đèn xe máy về bản như sao sa. Vùng cao thực sự đổi thay!

Ở Mù Cang Chải tôi chợt nhận ra, vùng cao mùa này thật đẹp! Đẹp từ cảnh sắc, con người đến thời tiết. Không còn thấy cảnh lam lũ, khốn khó của những ngày đói cơm, thiếu vải của đồng bào mà tôi đã thấy nụ cười rạng ngời của sự no ấm, sự tin tưởng vào tương lai mới. Trời đất vùng cao, tối có cái se lạnh của mùa đông, sáng là mùa xuân, nắng lên thì mát mẻ của mùa thu, trưa hẳn là hè nhưng điều mà chúng tôi ai cảm thấy khác lạ là không cảm nhận thấy hanh khô - sự khắc nghiệt đặc trưng của vùng Tây Bắc với gió Lào quay quắt.

Trong câu chuyện với các anh lãnh đạo huyện được biết, chỉ tính trong 5 năm gần đây, nhân dân đã trồng mới 3.740 héc-ta, nâng tổng diện tích đất có rừng của Mù Cang Chải đạt trên 72 ngàn héc-ta, tỷ lệ che phủ 61%. Có rừng là có nguồn sinh thủy, rừng Mù Cang Chải không chỉ góp phần cung cấp nguồn nước cho 3 cụm thủy điện trên địa bàn công suất trên 100MW hoạt động mà còn cung cấp nước cho Thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Không những vậy, dưới tán rừng Mù Cang Chải giờ còn có 1.700 héc-ta sơn tra, trong đó có 800 héc-ta đã cho thu hoạch trên 2.200 tấn/năm và 1.422 héc-ta cây thảo quả, sản lượng quả tươi đạt 850 tấn/năm. Từ rừng mà nhiều triệu phú, tỷ phú vùng cao đã xuất hiện. Không những vậy, việc duy trì nước cho hoạt động 3 cụm thủy điện đã giúp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn có bước tăng trưởng vượt bậc, ước năm nay đạt 50 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2010. Con số này cách đây vài năm nhiều người lạc quan cũng không dám nghĩ tới!

Trong phát triển kinh tế, không chỉ bám vào nông - lâm nghiệp đơn thuần, Mù Cang Chải đã biết tận dụng lợi thế tập trung sắp xếp đổi mới, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Số cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tăng nhanh từ 350 (năm 2010) lên 900 cơ sở năm 2015. Toàn huyện có 48 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, hàng năm tạo việc làm ổn định cho gần 2.500 lao động.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên. Với 39 cơ sở giáo dục, tỷ lệ kiên cố hóa lớp học đạt 50%; hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú được đặc biệt quan tâm đầu tư, hoạt động có hiệu quả, góp phần thu hút tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm đạt từ 95%. Đến nay, huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100% số xã; phổ cập giáo dục trung học cơ sở 13/14 đơn vị đạt 93%. Cùng với giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư; đặc biệt đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế được nâng lên cả về số và chất lượng, tỷ lệ 3,6 bác sỹ/vạn dân.  Với 14 trạm y tế xã, 1 trung tâm y tế và 2 phòng khám đa khoa khu vực, 138 giường bệnh, hàng năm, trên 50 nghìn lượt người dân vùng cao được khám, chữa bệnh. Qua triển khai các chương trình y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 97%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm còn 22,5%; số hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 85%.

Những ngày ở vùng cao cũng đúng dịp Mù Cang Chải tổ chức kỷ niệm 58 năm ngày thành lập huyện (18/10). Để tổ chức sự kiện trọng đại này, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được triển khai. Vùng cao đang đổi thay và từ những gì đã đạt được trong chặng đường mới này, chắc chắn Mù Cang Chải anh hùng sẽ phát triển nhanh hơn với sức bật mạnh mẽ hơn.

Đình Tứ

 

Các tin khác
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hiện có 4 người tham gia xuất khẩu lao động.

YBĐT - Chúng tôi về Đông An (Văn Yên) khi cái nắng đầu thu như dát vàng lên những cánh đồng màu trù phú được đắp bồi bởi phù sa của dòng sông Hồng khoáng đạt. Đông An hôm nay đang chuyển mình, vượt ra khỏi những tư duy xưa cũ trong phát triển kinh tế. Càng mừng hơn khi trên 350 lao động của địa phương đã và đang tham gia vào các thị trường lao động quốc tế, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia..., đưa Đông An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện về xuất khẩu lao động.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các đại biểu tiêu biểu trong đồng bào công giáo.

YBĐT - Những năm qua, phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", đồng bào công giáo tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần cù, sáng tạo thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.

Anh Hảng A Gia vui mừng được mùa thảo quả.

YBĐT - Đã chấm hết những ngày sống du canh du cư, đi khắp núi rừng đốt nương làm rẫy, những chàng trai trẻ người Mông ở thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng (Văn Chấn) như Hảng A Gia hôm nay luôn coi những cánh rừng quê hương như chính cuộc sống của mình và anh đã truyền ngọn lửa đam mê, quyết tâm giữ rừng tới đồng bào một cách tự nhiên, hồn hậu...

Già làng Bàn Văn Lý hướng dẫn con cháu cách phòng trừ sâu, bệnh cho cây quế.

YBĐT - Với đồng bào dân tộc Dao ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, già làng Bàn Văn Lý thực sự là “cây đại thụ” của bản làng. Dẫu đã ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng già vẫn cống hiến không mệt mỏi cho quê hương trong việc giữ gìn nguồn gen giống quế quý của địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thôn Khe Dứa trở thành điểm sáng văn hóa của xã Viễn Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục