Tháng 6, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái vui mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2024), mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều có các hoạt động thiết thực hướng về ngày kỷ niệm. Tại hộ gia đình, nhà nhà trân trọng treo lá cờ Tổ quốc thể hiện tình yêu với Đảng, biết ơn sự lãnh đạo của Đảng đã cho ta có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Tôi chọn cách riêng của mình đó là gặp gỡ và trò chuyện cùng Lê Đức Huy - một Việt kiều định cư tại Arizona - Hoa Kỳ khi anh lần thứ 3 đến thăm Yên Bái.
Huy có khuôn mặt điển trai, phong cách hiền khiến người đối diện có thiện cảm dễ mến, dễ gần. Sau phút đầu rụt rè, Huy mở đầu câu chuyện khá cởi mở với chúng tôi với những chia sẻ thật lòng: "Huy sinh ra tại Arizona - Hoa Kỳ, cha mẹ Huy sang đó định cư từ năm 1982. Ba của Huy là bác sĩ, mẹ làm thư ký cho một cơ quan hành chính. Huy tốt nghiệp y khoa theo nghề của ba nhưng muốn về Việt Nam làm việc và muốn về Yên Bái để mua nhà khi điều kiện cho phép”.
Huy bộc bạch: "Nhiều người thắc mắc rằng ở Mỹ, bác sĩ được trọng dụng, được học tập, được nghiên cứu và phát triển tài năng, vậy sao Huy lại chọn về Việt Nam sinh sống và làm việc? Đúng, ở Mỹ, gia đình Huy đã ổn định, cuộc sống rất tốt nhưng Huy vẫn quyết định về Việt Nam vì đây là quê hương của Huy. Việt Nam cũng rất đáng sống! Về nghề nghiệp, Huy mong muốn được góp sức vào việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình. Một lý do rất riêng tư khác nữa, đó là Huy về Việt Nam còn để khắc phục sai lầm của ba khi ông đã từ bỏ Việt Nam ra đi”.
Tìm hiểu thì được biết, ba của Lê Đức Huy từng là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Huế, trong chế độ Việt Nam Cộng hòa; mẹ của Huy thuộc dòng dõi hoàng tộc. Khi quân giải phóng tiến đánh Huế, ông nhất quyết không đi di tản vì cho rằng mình không có tội, chế độ nào cũng cần thầy thuốc chữa bệnh cho dân.
Sau năm 1975, ba của Huy được trọng dụng, trực tiếp làm việc tại Bệnh viện Huế. Thế rồi, vì cuộc sống sau những năm giải phóng quá khó khăn, vợ ông - một tiểu thư không quen lao động chân tay, trong khi họ hàng thân thích đã qua Mỹ và nhiều nước khác nên gia đình Huy đã qua Mỹ theo diện bảo lãnh. Sang Mỹ, cuộc sống kinh tế gia đình ổn định dần, dù vậy, ông bà luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương. Năm 1982, đặt chân đến nước Mỹ, nhiều người ùa ra đón, không ít người trách móc "sao không đi sớm”, ông liền bảo: "Vì cuộc sống trước mắt khó khăn nên đành lòng ra đi thôi. Sớm muộn rồi chúng tôi lại quay về”. Câu nói ấy đã khiến nhiều người bất ngờ và phật ý.
Trở lại cuộc trò chuyện với Lê Đức Huy, anh thật lòng muốn sống tại thành phố Yên Bái. Anh yêu mến mảnh đất này ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến. Huy cho biết: Về Yên Bái sống, đó là dự định nghiêm túc, Tuy nhiên, đó là dự định thôi vì hiện nay pháp luật chưa cho Việt kiều như Huy mua nhà, đợi Luật Đất đai mới có hiệu lực rồi tính tiếp. Theo Huy, lý do anh chọn Yên Bái để sống lâu dài, vì Yên Bái cũng rất đáng sống, những căn hộ ở Mê Linh Yên Bái, Vincom Yên Bái nào có kém gì bên Mỹ.
Đặc biệt, Huy thực sự ấn tượng với chủ trương phát triển Yên Bái theo hướng "Xanh, bản sắc, hài hòa và hạnh phúc”, Huy tin rằng các lãnh đạo tỉnh Yên Bái phải rất suy nghĩ mới đưa ra được triết lý này. Theo đuổi nó sẽ phải trả rất nhiều giá, đơn cử như từ bỏ nhiều cơ hội đầu tư, đồng nghĩa với từ bỏ nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế nhưng đổi lại người dân phải được sống một cách hài hòa, trong một môi trường xanh và sạch… Đó là những chất liệu cốt lõi để có được hạnh phúc! Tôi đã sống ở Mỹ, đã đi qua Trung Quốc, đặc biệt là Ấn Độ, đã hiểu rõ cái giá của tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua môi trường” - Lê Đức Huy bộc bạch như vậy.
Về công việc, Huy vẫn sẽ làm việc tại Hà Nội, thỉnh thoảng có dịp và được phép sẽ tham gia khám chữa bệnh thiện nguyện cho người dân, nhất là người dân Yên Bái. Nếu được, Huy xin tham gia với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, không cần đợi đến lúc được là công dân của tỉnh nhà cần kiên trì mục tiêu phát triển "Xanh, bản sắc, hài hòa và hạnh phúc”; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ; tận dụng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Yên Bái bằng chương trình, dự án bài bản, quy mô lớn. Yên Bái hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của cả nước và bạn bè quốc tế khi chúng ta biết khai thác hiệu quả. Huy sẽ nói với bạn bè, nhất là kiều bào Mỹ rằng: "Việt Nam đã đổi mới, không giống những gì xưa nay kiều bào vẫn kể; Yên Bái rất tươi đẹp, rất đáng sống.
Lê Phiên