Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc ở Yên Bái - góp thêm một minh chứng phản bác quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Bài 3: Khẳng định quyền tham chính của người dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/6/2024 | 7:41:25 AM

YênBái - Bình đẳng về chính trị là quyền tham chính của các dân tộc trong hệ thống chính trị. Đại biểu xuất sắc tiêu biểu của dân tộc thiểu số (DTTS) cần có mặt trong các cơ quan của Đảng và ở các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào phát biểu tại nghị trường Quốc hội.


Các thế lực thù địch, phản động liên tục rêu rao rằng, đồng bào DTTS không được tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị của đất nước như người Kinh, đồng bào DTTS không có quyền hành gì đối với đất nước. Sự thật là, mặc dù người Kinh là dân tộc chiếm đa số nhưng thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vai trò và sự tham gia vào hệ thống chính trị cũng như đóng góp vào đời sống xã hội của người DTTS ngày càng được đảm bảo. Thực tế đó ở Yên Bái luôn được chính những cán bộ người DTTS thấy rõ, hiểu rõ hơn ai hết. 

Chị Khang Thị Mào - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mù Cang Chải; đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc Mông, sinh ra, lớn lên tại huyện Mù Cang Chải. Năm 2006, sau khi nghiệp lớp THPT, chị Khang Thị Mào được cử tuyển học lên đại học. Chị Khang Thị Mào chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp đại học trở về địa phương, tôi được cấp ủy, chính quyền tuyển dụng vào công tác tại các cơ quan, đơn vị của huyện. Trong quá trình công tác, tôi luôn được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể của huyện như: bồi dưỡng lớp chuyên viên; học trung cấp lý luận chính trị, cao cấp chính trị; tham gia thi vào Đề án 11-ĐA/TU ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy Yên Bái về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” và điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Chủ tịch Hội LHPN huyện hiện nay”. 

Đặc biệt, với vai trò là đại biểu Quốc hội, chị Khang Thị Mào tham gia tích cực, trách nhiệm và chất lượng đối với các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao cũng như quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, nhất là các chính sách liên quan tới bình đẳng giới, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đưa ra nhiều đóng góp cụ thể, sát thực tế trên các diễn đàn của Quốc hội. 

Là người dân tộc Thái, từ thực tiễn công tác của bản thân, anh Chu Quốc Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chánh Tranh tra thị xã Nghĩa Lộ cũng khẳng định: "Cán bộ người DTTS luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện, được xem trọng”. Bản thân anh Chu Quốc Hoàng sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2018 được nhận vào làm hợp đồng, hợp đồng trong biên chế và thi tuyển, trúng tuyển vào Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Nghĩa Lộ.

 Anh Chu Quốc Hoàng chia sẻ: "Trong quá trình công tác, tôi được quan tâm, bồi dưỡng kết nạp Đảng, được cử đi học trung cấp chính trị, cao cấp chính trị; được tạo điều kiện tham gia học cao học quản lý kinh tế, học thêm văn bằng 2 đại học chuyên ngành Luật; được chọn cử tham gia các lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp huyện để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Từ sự nỗ lực của bản thân, tôi được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, ghi nhận, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm, giới thiệu bầu chức danh Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ năm 2014; năm 2019 là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Phúc và hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chánh Thanh tra thị xã Nghĩa Lộ. Cùng với đó, bản thân tôi được định hướng vận động, đăng ký tham gia và trúng tuyển Đề án 11 Tỉnh ủy Yên Bái về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS tỉnh Yên Bái. Ở Nghĩa Lộ có 6/9 đồng chí tham gia Đề án 11 là người DTTS”.

Năm 2021, anh Chu Quốc Hoàng được bầu là đại biểu HĐND xã, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Phúc nhiệm kỳ 2021 - 2026; được bầu là đại biểu HĐND tỉnh, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là những điều kiện thuận lợi để anh thực hiện quyền tham chính của mình vào những vấn đề quan trọng tại địa phương. 

"Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh, tôi cùng với Tổ đại biểu, cùng Ban Dân tộc HĐND tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ đại biểu của Ban Dân tộc. Với vai trò là đại biểu của nhân dân, là người đứng đầu cơ quan Thanh tra, tôi thường xuyên liên hệ, gắn bó chặt chẽ, thường xuyên tiếp công dân, luôn lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng cử tri; trực tiếp tham mưu giải quyết và kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri; tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ theo quy định” - anh Chu Quốc Hoàng cho hay. 

Anh cũng luôn là thành viên có trách nhiệm của Ban Dân tộc HĐND tỉnh trong việc tham gia các đoàn giám sát của Ban; tham gia các hội nghị thẩm tra các tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh, đặc biệt là các tờ trình và dự thảo nghị quyết về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn bản công tác, anh Chu Quốc Hoàng thấy rằng: "Quyền bình đẳng về chính trị của các dân tộc ở đất nước ta không chỉ được thừa nhận trong Hiến pháp và pháp luật mà quan trọng hơn là được thừa nhận trong thực tế. Dù là người Kinh hay người DTTS đều được bình đẳng tham gia vào đời sống chính trị của đất nước”.

Chị Hoàng Thị Siêm - người dân tộc Tày, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Hội LHPN, đại biểu HĐND xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ cũng khẳng định quan điểm: "Thực tế là một nữ cán bộ người DTTS, tôi đã được tiếp cận rất nhiều chủ trương, cơ hội tạo điều kiện cho người DTTS được phát triển,  khẳng định bản thân, đóng góp, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. 

Theo chị Siêm chia sẻ, quá trình công tác tại địa phương, từ những nhiệm vụ, chức vụ nhỏ, chị đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện tham gia nhận nhiệm vụ và thể hiện năng lực bản thân, từ đó được cấp trên nhìn nhận và phân công, sắp xếp đảm nhận những nhiệm vụ ở các vị trí trách nhiệm cao hơn. 


Các đại biểu người dân tộc thiểu số tại kỳ họp của HĐND tỉnh. 

Chị Hoàng Thị Siêm cho biết: "Với vai trò là đại biểu HĐND xã hiện nay, tôi được là người đại diện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, trong đó đa số là đồng bào DTTS gửi tới các cấp, các ngành; được là người tuyên truyền, triển khai và giúp đỡ những đồng bào DTTS trên địa bàn xã được tiếp cận và có thêm nhiều cơ hội để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia hệ thống chính trị. Bên cạnh việc được tạo điều kiện tham gia đảm nhận nhiệm vụ trong hệ thống chính trị. Tôi luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để cử đi học, tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; hằng năm được quy hoạch vào các vị trí cán bộ chủ chốt của xã ở các giai đoạn tiếp theo”. 

Từ thực tiễn bản thân và ở địa phương, chị Hoàng Thị Siêm khẳng định: "Đồng bào DTTS luôn được bình đẳng, được có cơ hội và được quan tâm tạo điều kiện như dân tộc Kinh và thực tế, tôi thấy nhiều khi DTTS còn được thụ hưởng những chính sách, tiêu chí ưu tiên hơn để tạo điều kiện cho DTTS phát triển và tham gia hệ thống chính trị của đất nước”.

Là cán bộ người Phù Lá (Xa Phó) - DTTS ít người, chị Đặng Thúy Vui, công tác tại Trạm Y tế xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên còn vinh dự là đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chị Đặng Thúy Vui cho hay: "Từ khi học xong trung cấp y, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tôi đã được bố trí công tác ở vị trí việc làm đúng theo chuyên môn đào tạo. Tôi còn vinh dự được tham gia làm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ này và là đại biểu HĐND xã trong nhiệm kỳ trước. Đây là những cơ hội để tôi được đại diện cho dân tộc mình tham gia vào những vấn đề quan trọng của địa phương, của tỉnh. Quá trình công tác tôi còn được giới thiệu vào Đảng, được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ chuyên môn, tạo cho tôi cơ hội tiếp cận xã hội và phát triển bản thân”.

Những cán bộ DTTS như chị Khang Thị Mào, anh Chu Quốc Hoàng, chị Hoàng Thị Siêm hay chị Đặng Thị Thúy Vui chính là những minh chứng thuyết phục khẳng định quyền bình đẳng về chính trị của người DTTS là sự thật không thể phủ nhận trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung. Rõ ràng, quyền bình đẳng của các DTTS đã và đang được đảm bảo thực hiện, thể hiện một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang được thực hành trong thực tiễn. Qua đó, có thể thấy rõ các luận điệu của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta thực sự là sự xuyên tạc, bóp méo và hết sức vô căn cứ.

Thu Hạnh

Tags Yên Bái dân tộc thiểu số bình đẳng Đề án 11

Các tin khác
Nghệ thuật Xòe Thái ngày càng được phát huy giá trị trên vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Bình đẳng về văn hóa là việc bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đưa các giá trị, các nhu cầu văn hóa mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tới cho đồng bào hưởng thụ ngày càng nhiều.

Cuộc sống của người dân thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên ngày một ấm no, phát triển.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định chính sách dân tộc (CSDT) có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của CSDT về quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS). Việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các quyền bình đẳng của các DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái - một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc chung sống là minh chứng sống động, góp thêm một tiếng nói phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc CSDT ở Việt Nam.

Fanpage

Tập trung tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện của Văn Yên còn chủ động, kịp thời nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan dư luận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức.

Chung tay xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng thật trong sạch, vững mạnh.

Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói đạo đức giả, tích cực rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, nâng cao lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất, danh dự, sống có trách nhiệm với cơ quan, địa phương, đất nước, đảng viên và cán bộ mới làm tròn trách nhiệm, lời hứa thiêng liêng trước cờ Đảng, trước nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục