Nhớ một “thời hoa lửa”

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2020 | 8:52:01 AM

YênBái - May mắn trở về sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc, hôm nay, thương binh Nguyễn Văn Trường (71 tuổi) - người cựu tù cộng sản Nhà tù Phú Quốc, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Yên Ninh 3 vẫn nhớ về những tháng ngày "nếm mật nằm gai” nơi chiến trường và cả ngày đất nước toàn thắng, non sông thu về một mối.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp mặt truyền thống.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp mặt truyền thống.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước nở hoa độc lập, song trong ký ức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là đối với những người lính đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở những chiến trường cam go, khốc liệt như những cựu chiến binh (CCB) của Tiểu đoàn Yên Ninh (Yên Bái) thì những năm tháng lịch sử hào hùng chống giặc cứu nước giành độc lập dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí.

May mắn trở về sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc, hôm nay, thương binh Nguyễn Văn Trường (71 tuổi) - người cựu tù cộng sản Nhà tù Phú Quốc, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Yên Ninh 3 vẫn nhớ về những tháng ngày "nếm mật nằm gai” nơi chiến trường và cả ngày đất nước toàn thắng, non sông thu về một mối. 

19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện lời kêu gọi tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, năm 1968, cùng với gần 3.000 người lính của 4 tiểu đoàn Yên Ninh được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng trong 2 năm (1967 - 1968), ông Trường đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Chiến trường Trị Thiên (Huế) - một trong những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. 

Cuối năm 1969, trong một lần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, đưa cán bộ lên đường 9 Nam Lào ở thung lũng A Sầu, A Lưới, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong lúc quay về, không may bị địch phục kích, ông đã bị bắn thương nặng, nát 2 bàn tay, gãy xương đùi phải, đứt 5 đoạn ruột và bị địch bắt giải về Đà Nẵng, rồi đưa ra Nhà tù Phú Quốc. 

Tại đây, mặc dù bị đàn áp, tra tấn dã man, bỏ đói nhiều ngày, song với tinh thần yêu nước kiên trung, bất khuất, đoàn kết, đồng lòng cùng với các tù binh cộng sản khác, ông vẫn kiên quyết đấu tranh, không khai báo với kẻ thù. 

Đến năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng trị đã diễn ra cuộc trao trả tù binh, tù chính trị yêu nước lớn nhất, ông Trường và hàng vạn tù binh cộng sản bị Mỹ - ngụy bắt bớ, đày đọa đã được trở về với cách mạng, với nhân dân vùng giải phóng. Thuộc diện thương binh nặng (mất 91% sức khỏe) nên sau khi được trao trả, ông đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đưa về Quân khu 3 tiếp tục điều trị, sau đó về với gia đình. 

Sức khỏe yếu, cộng thêm nỗi đau mất 2 người con do ảnh hưởng của chất độc da cam nhưng ông vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Nhớ lại những năm tháng bị tù đày trong Nhà tù Phú Quốc, ông Trường bày tỏ: "Đó là "địa ngục trần gian” của những tù nhân yêu nước trong thời kì chiến tranh, song đó cũng là "nơi tôi luyện” ý chí kiên cường, lòng gang dạ thép, bản lĩnh chính trị của bộ đội Cụ Hồ, của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam”. 

Cũng với một tinh thần yêu nước sục sôi như ông Trường và bao người con quê hương Yên Bái,  năm 1968, khi vừa tròn 19 tuổi, thương binh Hoàng Văn Lộc - nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Yên Ninh 2 đã xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Long An. 

Tại đây, ông và các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, Sân bay Đức Hòa, chiến dịch giúp nước bạn Campuchia và các trận đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn. Bản thân ông, trong quá trình chiến đấu với Mỹ - ngụy tại chiến trường Bình Chánh đã anh dũng bắn chìm một tàu trên sông Sài Gòn, diệt được gần 40 tên địch. 

Chiến trường cam go, khốc liệt, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, vào tháng 10/1969, trong lúc làm nhiệm vụ, không may ông bị thương. Sức khỏe tuy có yếu đi nhiều nhưng sau khi lành vết thương, ông vẫn tiếp tục ở lại chiến trường tham gia các công việc giúp anh em đồng đội chiến đấu. Đến năm 1976, khi đất nước hòa bình, ông xuất ngũ trở về địa phương. 

Hiện, tay phải của ông Lộc bị mất một xương trụ nên phải đóng khớp giả, không thể duỗi thẳng, chân phải cũng bị thương nặng nên thường xuyên đau nhức. Đau thương, mất mát là thế, song khi hồi ức lại "thời hoa lửa" ấy, ông Lộc vẫn không khỏi tự hào: "Đói, rét, thương vong, bệnh tật là điều mà những người lính thường xuyên phải đối mặt nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt tinh thần, ý chí yêu nước. Càng khó khăn, gian khổ, anh em cán bộ, chiến sĩ càng quyết tâm cao".

Hòa bình lập lại, trong Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, có người đã nằm lại vĩnh viễn hoặc để lại một phần xương máu trong lòng đất mẹ, có người xuất ngũ trở về địa phương lao động sản xuất, người tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc… 

Dù ở cương vị, điều kiện, hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống để tiếp tục giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Trong số gần 3.000 thanh niên Yên Bái gia nhập 4 tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa nay chỉ còn hơn 200 người. Các CCB của Tiểu đoàn Yên Ninh vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Nhiều người hiện là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, điển hình làm kinh tế giỏi... Trong cuộc sống hàng ngày, họ vẫn luôn động viên, giáo dục con cháu, ra sức thi đua học tập, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. 

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước, xin chúc những người lính của Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa thật nhiều sức khỏe, tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng rỡ thêm "Trang nhật ký hào hùng của các tiểu đoàn Yên Ninh”! 
Hồng Oanh

Tags Yên Bái Tiểu đoàn Yên Ninh chống giặc cứu nước giành độc lập dân tộc

Các tin khác
Mẹ Nhuần ngậm ngùi trước di ảnh người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

45 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, dù phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn của chiến tranh, song Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Nhuần ở thôn Tân An, xã Đại Phác, huyện Văn Yên vẫn vững chí, bền lòng.

Cựu chiến binh Mỹ William Hubert.

“Tên tôi là William Hubert. Năm nay tôi đã 95 tuổi, đang sống tại miền nam bang California - Hoa Kỳ. Tôi là một cựu chiến binh từ cuộc chiến Việt Nam năm 1964 ở Sài Gòn, tôi xin được góp chút tiền, chung tay với nhân dân Việt Nam chống dịch bệnh Covid-19. Xin liên lạc với tôi ở số điện thoại (…) để trao đổi thêm”.

Hội CCB xã Púng Luông tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Phong trào “Ba bỏ”.

Những năm qua, các cấp Hội cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải đã tích cực phối hợp, vận động, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy thông qua Phong trào “Ba bỏ” (bỏ trồng; bỏ hút; bỏ tàng trữ, vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy).

Đồng chí Đoàn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh trao bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2018.

Kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái (5/5/1990 - 5/5/2020, đã khẳng định được vị trí, vai trò của Hội là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục