Nhà máy Thủy điện Thác Bà chính thức khởi công xây dựng ngày 19/8/1964. Hàng nghìn công nhân, lao động và bộ đội chuyển ngành hăng hái, tình nguyện về đây cống hiến sức trẻ của mình cho việc xây dựng công trình trọng điểm của đất nước.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, cùng với Sân bay Yên Bái, Nhà máy Z183, tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai, công trình Thủy điện Thác Bà là mục tiêu trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ với các loại "Thần sấm”, "Con ma” cùng các loại vũ khí tối tân nhất.
Trong ký ức của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - người kỹ sư tham gia xây dựng Nhà máy: "Lúc ấy đi đâu, làm gì chúng tôi cũng có cây súng trường bên cạnh, nghe còi báo động là xách súng lao xuống giao thông hào, chờ máy bay nhào xuống là bắn. Có lần, địch ném bom vào công trường, làm chết 37 cán bộ, công nhân, thi thể đồng nghiệp nằm la liệt trên mặt đất. Đau xót lắm!”.
Cùng với các phong trào "ba sẵn sàng”, "ba đảm đang”, "tay cày, tay súng”, cán bộ công nhân trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà "tay búa, tay súng”, tham gia trong các tiểu đội tự vệ đã phối hợp với bộ đội chủ lực và Tỉnh đội Yên Bái chiến đấu kiên cường, dũng cảm với không quân Mỹ, bẻ gãy hàng trăm cuộc tấn công đường không; đặc biệt, tự vệ Nhà máy đã trực tiếp bắn rơi 2 máy bay Mỹ.
Với tinh thần quả cảm của những chiến sĩ tự vệ, sự hăng say trong lao động sản xuất, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, công trình xây dựng Thủy điện Thác Bà vẫn ngày đêm thi công để con đập sừng sững hiên ngang chặn dòng thác lũ tạo nên hồ chứa hàng tỷ mét khối nước cùng nhà máy đồ sộ với tổng công suất 120 MW, cung cấp dòng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, hơn 50 năm qua, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đóng góp hàng tỷ ki-lô-oát giờ điện cho đất nước, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà luôn là đơn vị tiêu biểu nộp ngân sách và tích cực làm công tác từ thiện nhân đạo. Thác Bà "miền xanh trong” đã được xếp hàng danh thắng, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa, nhất là du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Tổng Giám đốc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà Nguyễn Văn Quyền cho biết: "Song song với nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng - an ninh (QP-AN); coi công tác đảm bảo an toàn là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình hoạt động. Đó không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm mà còn là truyền thống của người thợ Thác Bà đã gây dựng nên từ máu lửa của cuộc chiến tranh”.
Đảng ủy Công ty đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo gắn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với củng cố, tăng cường công tác QP-AN, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc đã xây dựng kế hoạch, kinh phí quốc phòng trình đại hội cổ đông thông qua, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự xây dựng kế hoạch năm, tổ chức củng cố, xây dựng lực lượng bảo đảm quân số và chất lượng tốt.
Lực lượng tự vệ Công ty được tổ chức quán triệt, học tập chỉ thị về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị bảo đảm theo chương trình kế hoạch được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Bình phê duyệt (kết quả huấn luyện hàng năm 100% đạt yêu cầu, trên 75% đạt khá, giỏi).
Cùng với cán bộ Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Bình tới thăm Nhà máy Thủy điện Thác Bà vào giữa những ngày tháng 4 lịch sử, đứng trên cao trình đập số 1, giữa mênh mang trời nước, chúng tôi ngắm nhìn tượng đài ghi công những cán bộ, công nhân và chiến sĩ đã ngã xuống cho công trình vươn lên; thấp thoáng bóng dáng những chiến sĩ tự vệ đang đi tuần tra và những khẩu đội tự vệ đang hăng say luyện tập bên những ụ pháo cao xạ 12,7 mm. Nén hương trầm ai đó viếng các anh thoảng trong gió. "Vinh quang và tự hào lắm người chiến sĩ tự vệ Thác Bà” - tôi nhớ những cựu cán bộ, công nhân Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã nói với nhau như vậy trong buổi gặp mặt truyền thống của mình.
Lê Phiên