P.V: Thưa đồng chí, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ nào mà Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Đề án số 11- ĐA/TU về STĐVĐT tỉnh Yên Bái?
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà: Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số trên thế giới và ở nước ta đang phát triển rất mạnh mẽ, mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực; chuyển đổi số đã trở thành vấn đề tất yếu trong hoạt động quản lý của hệ thống chính trị.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Từ hoạt động thực tiễn, với sự tiếp thu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra sau khi thực hiện thí điểm; việc ứng dụng nền tảng số STĐVĐT trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ sẽ giúp cấp ủy, chi bộ tra cứu, nắm bắt nghiệp vụ cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình; hỗ trợ, tiết kiệm chi phí trong việc chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt như: thông báo thời gian, địa điểm, in ấn, cung cấp văn bản tài liệu đến đảng viên....
Qua đó cũng kịp thời hỗ trợ đảng viên trong việc nghiên cứu, học tập các văn bản, tài liệu của Trung ương của cấp ủy cấp trên; giúp cấp ủy theo dõi sát đến từng đảng viên trong việc học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương và của địa phương; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; tạo bước đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Vì vậy, việc ban hành Đề án STĐVĐT tỉnh Yên Bái là rất quan trọng và cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
P.V: Với cách làm bài bản, khoa học, đúng lộ trình, đến nay Đề án số 11 đã đạt những kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà: Tính đến 31/6/2022, toàn Đảng bộ tỉnh có tổng số 2.920 chi bộ, gồm: 190 chi bộ cơ sở, 2.720 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; trong đó, loại hình chi bộ thôn, bản, tổ dân phố là 1.356, chiếm 46,4% tổng số chi bộ trong toàn tỉnh, với số đảng viên là 36.614, chiếm 60,9% và cũng là nơi có số đảng viên bình quân cao nhất trong các loại hình chi bộ (27 đảng viên).
Yên Bái là một trong ba tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng STĐVĐT. Sau thời gian thực hiện thí điểm và mở rộng, ngày 28/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về STĐVĐT tỉnh Yên Bái.
Trong thời gian thực hiện thí điểm (từ 1/3-31/5/2022), có 41 tổ chức cơ sở Đảng với 170 chi bộ thực hiện (tăng 109 chi bộ), số đảng viên đã được cấp tài khoản là 3.701 người (tăng 2.025 tài khoản) so với kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm ứng dụng STĐVĐT.
Giai đoạn mở rộng từ 1/6 đến nay, số triển khai thêm là 1.085 chi bộ với tổng số 23.453 đảng viên được tạo tài khoản. Như vậy, tính đến nay đã có 1.255/2.920 chi bộ triển khai ứng dụng STĐVĐT trong sinh hoạt chi bộ.
Theo lộ trình thực hiện Đề án, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, hiện đang tiến hành quy trình đầu tư xây dựng phần mềm STĐVĐT tỉnh Yên Bái và xây dựng kế hoạch để mở các lớp tập huấn sử dụng STĐVĐT với 350 lớp cho 58.000 học viên bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
P.V: Vậy việc triển khai nền tảng số STĐVĐT tỉnh Yên Bái và "số hóa” nghiệp vụ công tác Đảng đã góp phần như thế nào để nâng cao chất lượng công tác Đảng, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà: Việc triển khai nền tảng số STĐVĐT tỉnh Yên Bái đã từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên theo chủ trương Nghị quyết số 51 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đồng thời, đổi mới căn bản, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; kịp thời hỗ trợ đảng viên trong việc nghiên cứu, học tập các văn bản, tài liệu của Trung ương của cấp ủy cấp trên; nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chuyển đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng cũng như trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Việc ứng dụng nền tảng số giúp cấp ủy tra cứu, nắm bắt những nghiệp vụ cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời, thông qua đó, từng bước nâng cao về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở; thay đổi nhận thức, thói quen của đảng viên về việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống.
P.V: Xin đồng chí cho biết, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra để thực hiện hiệu quả "số hóa”công tác Đảng trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà: Từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của đảng viên về việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực công việc và đời sống; đồng thời, giúp đảng viên trong việc tiếp cận, nghiên cứu, học tập các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của cấp ủy cấp trên; cập nhật kịp thời, chính xác những thông tin thời sự của Đảng, Nhà nước và của địa phương; qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là bí thư cấp ủy.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, 100% tổ chức Đảng, 95% đảng viên trở lên trong toàn tỉnh được triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng nền tảng số STĐVĐT tỉnh Yên Bái, trong đó, 100% đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được cài đặt và sử dụng thành thạo nền tảng số; duy trì từ 90% đảng viên trở lên sử dụng có hiệu quả ứng dụng nền tảng số STĐVĐT tỉnh Yên Bái đảm bảo theo mục tiêu của Đề án 11.
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu giúp Tỉnh ủy tập trung vào 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tới toàn thể đảng viên, nhân dân nhận thức được lợi ích tích cực từ việc sử dụng nền tảng số.
Hai là, thực hiện có hiệu quả phần mềm STĐVĐT tỉnh Yên Bái, nhất là đảm bảo duy trì phần mềm hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đảng viên trong truy cập thường xuyên.
Ba là, đảm bảo thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là tại nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố. Đây là nơi sinh hoạt chi bộ của các chi bộ khu dân cư, và cũng là nơi người dân tiếp cận, chia sẻ công nghệ phục vụ đời sống tinh thần, vật chất.
Bốn là, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo các quy định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trước mọi nguy cơ mất an toàn thông tin mạng. Tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo việc xây dựng STĐVĐT để thống nhất sử dụng tại các địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Mạnh Cường