Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có các đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Đồng thời quán triệt, dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về: nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số… Đến nay, 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…
Tại Yên Bái, đến nay 40% cán bộ, công chức của tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số. Toàn tỉnh có 1.356 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn với trên 10 nghìn thành viên. Năm 2022, tỉnh xác định được 8 mô hình chuyển đổi số, từ đó hoàn thành việc thí điểm và đang triển khai nhân rộng các mô hình; Cổng Dịch vụ công (DVC) đã kết nối 11/17 hệ thống dữ liệu chuyên ngành, tiếp nhận, giải quyết 21/25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú qua dịch vụ công đạt 77,8% (cao thứ 4 toàn quốc).
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Tỉnh đã tập trung thực hiện số hóa dữ liệu, tài khoản hỗ trợ, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 71% người sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế giấy khi khám chữa bệnh… Đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng một số hạng mục của Đề án đô thị thông minh.
Yên Bái cũng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên kết nối thành công Cổng DVC với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã gửi gần 82 yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; cấp mới 96% trong tổng số 700 nghìn hồ sơ cấp CCCD; hướng dẫn kích hoạt thành công trên 43 nghìn tài khoản định danh điện tử…
Năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ chọn là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số năm 2023 được tỉnh Yên Bái xác định là năm "bứt phá trong chuyển đổi số” với đặc trưng của Yên Bái – chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn. Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương, tỉnh sẽ yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, trong đó làm rõ từng chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Đồng thời, xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 20230 làm căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục đánh giá, nhân rộng các mô hình, giải pháp về triển khai chuyển đổi số cũng như Đề án 06 một cách hiệu quả.…
Thanh Chi – Mạnh Cường