Yên Bái – Viettel - hình mẫu hợp tác chiến lược về chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2024 | 9:49:40 AM

YênBái - Chương trình ký kết hợp tác về chiến lược chuyển đổi số (CĐS) giữa tỉnh Yên Bái và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội(Viettel) giai đoạn 2022 - 2025, hướng đến năm 2030 sau 2 năm thực hiện đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) thành phố Yên Bái
Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) thành phố Yên Bái

Tập đoàn Viettel đồng hành cùng Yên Bái trong chuyển đổi số

Tháng 2/2022, Tập đoàn Viettel và tỉnh Yên Bái đã ký kết chương trình hợp tác về chiến lược CĐS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022 - 2025, hướng đến năm 2030. Thỏa thuận hợp tác tập trung vào 7 nhóm nội dung, lĩnh vực quan trọng, gồm: triển khai các giải pháp tạo nền móng CĐS; phát triển hạ tầng, nền tảng dữ liệu số; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đảm đảm bảo an toàn thông tin mạng; CĐS trong một số lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch và xây dựng đô thị thông minh. 

Trên cơ sở 7 lĩnh vực trọng tâm trong Thỏa thuận hợp tác đã ký kết, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel Yên Bái tham mưu cụ thể hóa thành 38 nhiệm vụ chi tiết, phân công nhiệm vụ  cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tổ chức thực hiện.


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel ký kết chương trình hợp tác về chiến lược triển khai CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, tháng 2/2022.

Sau hơn 2 năm thực hiện Thỏa thuận, với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng sự đồng hành của Tập đoàn Viettel, đã có 33/38 nhiệm vụ hợp tác được thực hiện, đạt 86,8% kế hoạch đề ra; 5 nhiệm vụ còn lại đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong năm.

Tỉnh Yên Bái xác định CĐS là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, nền tảng quan trọng trong CĐS của tỉnh xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về CĐS của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân. 

Để tạo nền móng CĐS, Tập đoàn Viettel đã tư vấn xây dựng thể chế CĐS của tỉnh; tư vấn các giải pháp thực hiện CĐS cho 5 cơ quan cấp tỉnh và 6 cơ quan cấp huyện, thị xã; phối hợp tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CĐS tại Học viện Viettel với sự tham gia của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 100% giám đốc các sở, ban, ngành, bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Viettel đã phối hợp phát triển hạ tầng số, nền tảng số, nâng cao chất lượng sóng di động, Internet trên toàn tỉnh; xóa vùng lõm sóng và tiến tới phủ sóng 4G, phát triển hạ tầng mạng cáp quang tới 100% thôn/bản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết của CĐS. Đặt mục tiêu năm 2025 xóa 173 vùng lõm sóng, song đến hết tháng 1/2024, Viettel Yên Bái đã hoàn thành khắc phục 167/173 vùng lõm, đạt 96% kế hoạch. 

Cùng đó, Viettel triển khai phát sóng thử nghiệm 3 trạm 5G tại Quảng trường 19/8 (thành phố Yên Bái), Quảng trường thị xã Nghĩa Lộ, đền Đông Cuông (huyện Văn Yên), đưa Yên Bái trở thành 1 trong 18 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước có sóng 5G của Viettel. Đây là bước tiến vượt bậc về hạ tầng mạng di động, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ số hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để phổ cập sử dụng Internet chất lượng cao, giá rẻ, hỗ trợ việc đẩy nhanh quá trình phát triển xã hội số.

Hợp tác phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số

Ưu tiên xây dựng chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số phục vụ hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet. Trong đó đã đưa Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình, Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) thành phố Yên BáiTrung tâm Điều hành đô thị thông minh thị xã Nghĩa Lộ đi vào hoạt động. Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thị xã Nghĩa Lộ với tổng kinh phí 6,08 tỷ đồng.

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel và nguồn vốn ngân sách thị xã,  từ tháng 5/2022, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh đã vận hành, đi vào hoạt động giai đoạn I với 7 phân hệ phân tích dữ liệu về kinh tế - xã hội; giám sát điều hành y tế, giáo dục; giám sát điều hành hạ tầng ứng dụng và ứng dụng công nghệ thông tin khác… Đây là những phân hệ mang lại nhiều giá trị, giúp lãnh đạo kịp thời nắm bắt thông tin về phát triển chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã. Từ đó, giúp chính quyền đưa ra các quyết định chỉ đạo kịp thời.

Đến nay, Yên Bái đã có 100% cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); 80% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 30% hồ sơ TTHC được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.

Tỉnh cũng đã triển khai một số nền tảng phát triển kinh tế số như: nền tảng truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm nông nghiệp; nền tảng quản trị, phục vụ khách du lịch; nền tảng chữ ký số cho doanh nghiệp; nền tảng hóa đơn điện tử, nộp thuế diện tử…; thúc đẩy việc đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực lên các sàn thương mại điện tử, các chợ 4.0, gian hàng 4.0 thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng hành với tỉnh Yên Bái trong phát triển kinh tế số, Viettel Yên Bái đã hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) đưa sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; ký kết thỏa thuận hợp tác với ngành điện và Công ty Cổ phần Cấp nước và Xây dựng  Yên Bái về việc thanh toán không dùng tiền mặt; đã triển khai hệ thống chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại 16 chợ trung tâm tại các huyện; triển khai truy xuất nguồn gốc cho bưởi Đại Minh, vùng trồng cây nguyên liệu, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình; sản phẩm chè Suối Giàng, măng sặt của xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn; trà hoa vàng của HTX Minh An, huyện Văn Chấn và cá tầm tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên 

Ông Nguyễn Văn Định, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình chia sẻ: "Sau khi được hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn mã truy xuất nguồn gốc trên cây bưởi vườn nhà, gia đình tôi đã bán được nhiều hàng hơn và khách hàng yên tâm hơn khi quét mã truy xuất nguồn gốc”.

Phát triển xã hội số nhằm cải thiện dân trí, chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự tham gia tích cực các hoạt động xã hội, dịch vụ công trên nền tảng số, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn. Đến nay, 80% người dân trưởng thành tỉnh Yên Bái có điện thoại thông minh; 65% sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 62% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; 77% các nhà văn hóa thôn, bản, tổ đã được kết nối Internet. 

Viettel phối hợp triển khai thử nghiệm miễn phí nền tảng Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) cấp xã tại Trạm Y tế xã Đông Cuông, huyện Văn Yên phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân với kết quả đạt được rất tích cực và hối hợp triển khai thí điểm thành công mô hình CĐS tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành. Yên Bái cũng là tỉnh thứ 6 trên địa bàn toàn quốc triển khai hệ thống Telehealth đến cấp xã. 

Viettel cũng triển khai chương trình hỗ trợ tổng cộng 4.010 máy điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gần 4,2 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương của Yên Bái thực hiện CĐS với tổng kinh phí hơn 15,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng 6/2023, Viettel đã phối hợp với UBND tỉnh triển khai ứng dụng Công dân số Yên Bái (YenBai-S) trên toàn tỉnh. Đây là ứng dụng đa tiện ích trên thiết bị thông minh, chỉ cần cài đặt 1 app duy nhất, người dùng có thể sử dụng nhiều tiện ích để tương tác trực tiếp với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của dân với chính quyền, nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh. 

Ngoài ra, YenBai-S cũng tích hợp các ứng dụng của chính quyền số: xử lý phản ánh kiến nghị, thư điện tử, sổ tay đảng viên điện tử, quản lý văn bản điều hành… Đến nay, hệ thống đã ghi nhận gần 300.000 tài khoản, hơn 1,1 triệu lượt xem ứng dụng; đã tiếp nhận 1.519 phản ánh góp ý, trong đó có 1.238 ý kiến được các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý và đăng tải trên ứng dụng.

Yên Bái và Tập đoàn Viettel trở thành hình mẫu hợp tác về chuyển đổi số

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, đến nay, Yên Bái đã triển khai công tác CĐS một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi trội. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của tỉnh tăng 25 bậc so với năm 2020, đứng 15/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện chỉ số DTI so với đầu nhiệm kỳ. Đạt được kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của Tập đoàn Viettel trong việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác chiến lược về CĐS với UBND tỉnh Yên Bái trong hơn 2 năm qua.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng: Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đồng hành cùng với Viettel trong quá trình kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt và tâm huyết của những người đứng đầu tỉnh Yên Bái trong CĐS.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng khẳng định: Thời gian tới, Tập đoàn Viettel sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đào tạo cán bộ chủ chốt cán bộ chiến lược của tỉnh; khắc phục vấn đề lõm sóng di động 4G. Đồng thời, mong muốn sự hỗ trợ đồng hành của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái trong triển khai hạ tầng viễn thông; xây dựng và triển khai chiến lược về dữ liệu và triển khai các ứng dụng liên quan đến Đề án 06; quản lý đồng bộ dữ liệu an toàn, hiệu quả; bảo vệ các hệ thống thông tin, dữ liệu trên địa bàn tỉnh đang triển khai trên địa bàn.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Thỏa thuận hợp tác chiến lược về CĐS giữa tỉnh Yên Bái và  Tập đoàn Viettel, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá cao kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ của Tập đoàn Viettel, với vai trò là đối tác chiến lược trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS của tỉnh Yên Bái trong hơn 2 năm qua. Đồng chí khẳng định, đây được coi là một trong những hình mẫu về sự phối hợp giữa địa phương với các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ số theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Để triển khai thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác chiến lược về CĐS trong năm 2024 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Yên Bái và Tập đoàn Viettel cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch phối hợp năm 2024, bảo đảm bám sát chủ đề CĐS quốc gia và phương châm CĐS đặc trưng riêng của tỉnh Yên Bái là "CĐS để người dân hạnh phúc hơn”; trong đó, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi với nhiều sáng kiến mới, cách làm hay để CĐS nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm hoàn thành toàn diện 38 nội dung hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và Viettel trong năm nay” - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Khí thế mới, khát vọng vươn lên của tỉnh Yên Bái và sự đồng hành của Tập đoàn Viettel cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục bứt phá trong công cuộc CĐS, phấn đấu đến năm 2030 đứng thứ 10/63 tỉnh thành phố về xếp hạng CĐS. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu "CĐS để người dân hạnh phúc hơn", đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030 cũng như góp phần hoàn thành sứ mệnh "Tiên phong kiến tạo xã hội số” của Viettel.

Đức Toàn

Tags Yên Bái Viettel chuyển đổi số kinh tế số xã hội số

Các tin khác
Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng được lắp đặt tại tòa nhà điều hành đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Hầu hết các cửa hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái đều có mã quét giao dịch không dùng tiền mặt.

Trong một thời đại công nghệ ngày càng phát triển, việc quét mã và cà thẻ trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hay giao dịch thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Những công nghệ này đã thay đổi cách tư duy, tương tác và thực hiện các hoạt động hàng ngày của người dân ở Yên Bái.

Thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hình thức giáo dục truyền thống được cải tiến và thay thế, góp phần tạo hứng thú và tăng cường sự sáng tạo của học sinh trong mỗi giờ học.

Tỉnh Yên Bái có 3 trường THPT được lựa chọn thực hiện điểm mô hình “Bình dân học AI” là: THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái), THPT Chu Văn An (Văn Yên) và THPT Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ) bước đầu đã ứng dụng công cụ AI để hỗ trợ giảng dạy và học tập.

Nội dung người dân phản ánh, góp ý trên YenBai S là những vấn đề rất cụ thể, thiết thực trong đời sống xã hội.

Trong tháng 3/2024, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, góp ý của trên 609.500 lượt công dân trên ứng dụng Công dân số (YenBai-S).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục