Nhà mình
- Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2013 | 9:39:55 AM
Thu nhập nhà mình đạt ở mức vừa phải, đủ chi và đủ tiêu. Con không biết phải giải thích với mọi người thế nào để mọi người hiểu được điều đó. Ai cũng nghĩ cứ làm đá là giàu, nhưng không phải vậy.
|
Bố mẹ con cũng vất vả, chật vật như bao gia đình khác. Những thứ mà con có được, đều là do bố mẹ cố gắng tạo điều kiện cho con. Bố mẹ muốn cho con được bằng bạn bằng bè.
Bố con không học nhiều. Mẹ con cũng học hết lớp 10, tương đương với lớp 12 bây giờ. Mẹ không theo học chuyên nghiệp vì ngày ấy ông ngoại nghèo lắm, nhà lại đông con. Thế là mẹ đi theo các bác buôn đá. Còn bố thì theo học đủ thứ nghề: nào mộc, nào buôn bán,... Rồi bố đi làm cả thợ xây nữa. Và bố đã để cả một tháng lương làm thợ vào cái váy của con. Câu chuyện đầu đuôi thế nào thì con không nhớ rõ nữa, vì lúc đấy con còn bé quá. Mẹ bảo bố đưa con đi lấy lương cùng, rồi đưa con ra chợ chơi. Con nhìn thấy cái váy đấy, cứ đòi nằng nặc.
Đến bây giờ thì mẹ vẫn bảo con khéo đòi, chọn cái váy đắt nhất chợ. Thế là ông bố trẻ đã dành gần hết tháng lương còm cõi mua váy cho con gái. Bố biết không, những chuyện khác thì con không nhớ, nhưng hình ảnh cái váy vẫn in đậm trong đầu óc con. Nó được làm bằng vải nhung, màu đỏ có chấm li ti trắng, bên trên thì được trang trí bằng ren. Cái váy được treo lơ lửng trong một hàng ở góc chợ. Với cái váy đấy thì con chính thức trở thành công chúa trong mắt bọn trẻ con hàng xóm. Chắc hồi ấy nó phải được sánh với hàng hiệu cấp cao bây giờ, gần bằng một tháng lương của bố cơ mà. Nhưng hồi ấy con cũng không biết bố mẹ phải chi tiêu dè xẻn thế nào. Chỉ biết bố vẫn mua cho con.
Bố thường hay khổ tâm vì ngày xưa bố không được học hành, nên bố muốn con phải được ăn học thật tử tế. Nhưng bố à, con chưa bao giờ thấy xấu hổ vì điều đấy. Không phải là một người quá giỏi giang, quá khôn khéo,…., bố con đã nuôi dạy hai đứa con, lo cho chúng con đầy đủ. Cũng không qua một trường lớp nào cả bố vẫn làm được những thứ mà không phải ai cũng làm được.
Bây giờ bố là một thợ làm tranh, đã đứng trong nghề gần chục năm rồi. Và hơn hết bố con làm việc bằng tâm huyết. Bố dồn hết công sức cho một bức tranh, từng chi tiết một, rồi ngắm nó cả buổi, không phải chỉ bằng mắt mà bằng cả tim. Đấy là nghệ thuật bố nhỉ? Nhưng cuối cùng thì nó lại được mang đi bán. Bức nào cũng như thế. Trong khi cả làng tranh chẳng ai giống thế cả, làm thật nhanh và bán cũng thật nhanh. Nhưng bố yên tâm, sau này con sẽ cố gắng làm việc bằng tâm huyết như bố.
Mà mẹ bảo hồi bé tí, chị em con toàn được bố chăm. Vì mẹ còn bận đón đá. Nhưng thế nào mà hồi bé em cu rất khó nuôi, thậm chí là khó giữ, đến nỗi bố mẹ không dám chụp ảnh cho nó, chỉ sợ... Một tuần có 7 ngày thì 6 ngày nhà mình phải lên viện. Cứ mỗi lần nó ốm, con lại tận mắt chứng kiến cảnh bố lo cuống lên đến mức không kiềm chế được nữa. Không biết bao nhiêu đêm bố mẹ thức trắng dông dênh em khắp viện để nó đỡ khó thở. Ngày thì chạy vạy khắp nơi. Bố mẹ sẵn sang hi sinh tất cả để đổi lấy một giờ không phải đau đớn cho nó. Thực sự thì sự sống của nó được tạo ra từ sự phi thường của bố mẹ.
Giờ thì hai chị em đã lớn. Dù trông gầy nhách ra nhưng thằng cu cũng không còn ốm nữa. Mọi chuyện đều ổn hơn trước rất nhiều. Chỉ có một vấn đề xảy ra là con càng lớn thì bất đồng giữa hai bố con xảy ra càng nhiều. Không phải chỉ những mâu thuẫn nho nhỏ, đôi khi nó còn trở nên hết sức gay gắt… mẹ cũng không thể giải quyết được. Mà khi đã cáu thì không ai nhịn ai cả, và cũng không quan tâm gì tới hàng xóm, láng giềng xung quanh…
Không biết giữa hai bố con có bao nhiêu lần to tiếng nữa. Nhiều lúc hai bố con thực sự căng thẳng. Mẹ bảo con chính là bản sao của bố. Dù ra ngoài thì con cũng không quá nóng nảy. Nhưng cứ về nhà, hai bố con gặp nhau là không biết bao nhiêu tính xấu ở đâu trỗi dậy hết. Hai bố con cứ như hai cục nam châm cùng cực. Nhưng con rất vui vì dù trận chiến có diễn ra quyết liệt thế nào thì nó cũng rất nhanh chóng kết thúc. Hai bố con lại quay ra nô đùa vui vẻ, sẵn sàng cho một trận chiến mới. Và dẫu có thế nào thì con luôn công nhận bố rất dân chủ.
Nhiều lúc con khẩu chiến với bố, con nói không thích nhà mình như thế này. Nhưng nếu sau này có lập gia đình, con thực sự muốn có một mái ấm giống như nhà mình, giống hệt thì càng tốt. Nhà mình thật chẳng giống một ai cả. Lúc nào cũng ầm ĩ, huyên náo, bận rộn,… trong đủ mọi trạng thái. Một mái ấm thú vị. Bạn bè con hỏi con hâm thế này là do di truyền hay hoàn cảnh quyết định. Chắc là cả hai, bố nhỉ! Môi trường sống đặc biệt từ bé. Và cả nhà mình thì luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau, hi sinh cho nhau, hơn thế nữa là lúc nào cũng sẵn sàng bày tỏ tình cảm theo rất nhiều kiểu khác biệt. Một gia đình quá đặc biệt. Con tự hào về nhà mình lắm, bố ạ! Mà bố có nhớ câu con nói đầu tiên không: "Bố"!
Nguyễn Thị Uyên (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Tối choàng mình lên ngôi làng nhỏ, rồi lại tới lượt mưa cũng choàng mình lên ngôi làng nhỏ. Thành lệ rồi, cứ tối đến là lại mưa. Đêm gói dần cảnh vật, con người trong tấm vải phù phép đen sẫm của mình. Còn mưa thì làm cho tất cả chỗ ấy ướt sũng.
Mỗi lớp mang một màu sắc riêng mà không ai khác ngoài “thần dân” lớp đó là rõ nhất, biết rõ và thể hiện rõ.
Người ta vẫn hay có nhật kí mùa thi để động viên, chia sẻ và đồng hành với các sĩ tử. Khi mùa thi đã qua thì tất nhiên còn hậu mùa thi.
Ngày trước, tôi luôn nghĩ tới tương lai. Khái niệm tương lai trong tôi thật là đơn giản, đó là những ngày tháng thật tươi đẹp luôn ngập tràn điểm 9, điểm 10.