Bạn tôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2014 | 9:02:14 AM

Tôi và Vy học cùng nhau từ hồi lớp 1, nhà Vy ở xóm trong nhưng chúng tôi thường đi chung một con đường khi tới trường nên không biết tự bao giờ chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân.

Đôi bạn. Ảnh:Tiến Thành (Hải Dương)
Đôi bạn. Ảnh:Tiến Thành (Hải Dương)

Chơi với nhau từ nhỏ nên tôi và Vy rất hiểu nhau. Tôi quý Vy không chỉ vì bạn ấy là một bạn gái ngoan ngoãn, học giỏi mà ở Vy còn là người thật thà, tốt bụng. Vy luôn là tấm gương cho tôi noi theo.

Hoàn cảnh của gia đình Vy khá đặc biệt. Bố làm công nhân giao thông nhưng ốm đau triền miên. Mẹ Vy phải vất vả bươn trải để nuôi 2 chị em Vy và lo tiền thuốc men cho bố.

Tôi còn nhớ câu chuyện của Vy 3 năm về trước. Một câu chuyện cảm động mà mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn còn rưng rưng.

Dạo đó, tôi thấy Vy hơi lạ, giờ ra chơi bạn thường gục đầu xuống bàn với dáng điệu mệt mỏi như người thiếu ngủ. Trên đường đi học về tôi lân la hỏi chuyện, Vy kể cho tôi biết, căn bệnh tim quái ác đang hành hạ bố bạn ấy, bác sỹ cho biết phải phẫu thuật ngay thì mới có hy vọng sống. Câu chuyện của bạn cứ day dứt mãi trong tôi, tôi hiểu với một hoàn cảnh éo le như nhà bạn thì lấy đâu ra hàng trăm triệu để lo chạy chữa cho bố. Nếu như bố bạn không được phẫu thuật kip thời thì điều gì sẽ xảy ra?... Là một người con ngoan và khá nhạy cảm, bởi vậy bạn tôi làm sao có thể vui đùa cùng chúng bạn!.

Một đêm đông giá rét, từ ban công nhà mình nhìn xuống, tôi thấy một bạn gái bé nhỏ đang tiến lại gần đống rác bên cột đèn đường trước nhà tôi. Tôi thầm nghĩ: "Sao giờ này mà bố mẹ nào vẫn để con cái mình lang thang ở đây? Khổ quá!". Tôi lặng yên nhìn một cách chăm chú cái dáng bé nhỏ cắm cúi làm việc, cái que sắt (vật dụng dùng để móc rác) len lỏi trong từng túi nilon chứa rác của các nhà quẳng ra. Thỉnh thoảng cô bé bỏ vào bao tải một thứ gì đó vừa bới được. Nhưng hình như ít lắm.

Thấy vậy, tôi muốn chạy xuống bếp xách cái túi đựng đầy lon bia mà mỗi lần bố uống xong tôi đã gom lại để trong trong góc bếp để mang ra cho cô bé kia. Tôi chưa kịp làm việc đó thì thấy cô bé đã đứng dậy, ngẩng mặt lau bụi vương trên vai áo. Dưới ánh đèn cao áp tôi bàng hoàng khi nhận ra cô bé đáng thương kia chính là Vy, bạn tôi. Lòng tôi thắt lại, sợ bạn buồn tôi không lên tiếng, lặng lẽ nhìn bóng bé nhỏ của bạn khuất dần trong bóng đêm giá rét. Mắt tôi nhòa dần đi, tôi thương Vy quá!

Đêm ấy tôi không sao ngủ được, tôi nghĩ việc đầu tiên mai tôi sẽ làm là nói với cô giáo chủ nhiệm về hoàn cảnh khó khăn của Vy và gia đình để nhờ cô và các bạn giúp đỡ. Tôi sẽ nói với bố mẹ tôi để bố mẹ tôi sẽ giúp đỡ bạn ...và còn rất nhiều những toan tính khác nữa.

Sáng hôm sau, chúng tôi vẫn gặp nhau ở lối rẽ quen thuộc để cùng nhau đi đến trường. Tôi chưa biết bắt đầu câu chuyện đêm qua như thế nào, bỗng Vy nói: "Thảo ơi ! Tối hôm qua tôi nhặt được chiếc túi. Trên đường sang nhà bà ngoại về tớ nhìn thấy có một chiếc túi nhỏ của ai đó bị rơi nhưng vì trời tối nên tớ chưa biết trả cho ai và cũng chưa làm cách nào để trả lại cho chủ của nó được. Tớ vẫn cầm đây này?".

Vy lấy trong cặp sách ra một chiếc túi vải nhỏ đã cũ. Tôi và Vy cùng mở túi ra xem. Trời ơi nhiều tiền quá, toàn tiền 500.000 đồng, có lẽ tới mấy chục triệu. Các xấp tiền mà chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ.

Tôi bảo Vy: "Bây giờ biết của ai mà trả lại, hơn nữa lúc này nhà bạn đang rất cần tiền để chữa bệnh cho bố. Thôi cứ mang về đưa cho mẹ nếu sợ mẹ không tin là tiền nhặt được tớ sẽ đi cùng đến nhà để nói rõ chuyện này".

Nói đến việc lo tiền chữa bệnh cho bố tôi thấy Vy sững người và thoáng buồn trong giây lát. Nhưng rất nhanh Vy bảo: "Không được đâu, chắc là người đánh rơi đang rất buồn và lo lắng, biết đâu người ấy cũng vừa phải chạy vạy vay mượn mới có được số tiền này để về lo liệu việc gì đó rất cần cho gia đình thì sao?".

Tôi thấy mặt nóng ran lên xấu hổ vì đã không hiểu bạn. Tôi bảo Vy: "Bây giờ tôi với cậu hãy đến công an phường để nhờ các chú công an giúp. Chắc chắn người bị mất túi sẽ đến đó để nhờ các chú ấy".

Chúng tôi rảo bước nhanh đến công an phường. Khi nghe chúng tôi trình bày, chú công an mừng quá ồ lên một tiếng rồi xoa đầu Vy: "Cháu thật tốt ! Sáng sớm nay có một người phụ nữ đến nhờ các chú về việc này. Cô ấy đã đánh rơi chiếc túi khi vội vã trên đường tới bệnh viện. Con trai cô ấy bị mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ phải mổ. Nhà cô ấy cũng rất hoàn cảnh. Cô ấy sẽ mừng lắm khi nhận được tin này!".

Chú công an nhấc máy điện thoại gọi cho chủ nhân của chiếc túi, rồi quay sang hỏi chúng tôi: "Các cháu tên là gì? Con nhà ai, ở đâu? Để chú thông báo cho gia đình về việc làm tốt của các cháu". Tôi và Vy đồng thanh đáp: "Thưa chú, chúng cháu đều là học sinh của Trường Lê Hồng Phong ạ!"
Chúng tôi chào chú công an rồi vội vã đến trường, biết rằng tiếng trống vào lớp đã vang lên từ lâu, nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy có một niềm vui đang dâng lên.

Bạn tôi hàng đêm phải đi nhặt từng chiếc lon, chiếc hộp trong đống rác thải để có thêm vài nghìn đồng giúp mẹ,  số tiền nhặt được kia có thể giúp cho bố Vy sớm lành bệnh .. nhưng việc bạn đã làm thật đẹp đẽ và cao thượng...

Nông Thanh Thảo My (Lớp 8B, Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Yên Bái)

Các tin khác

Ngày tôi chào đời, mẹ vừa bước qua tuổi 18. Hôm nay, mẹ đã sắp tới tuổi 40, còn bản thân tôi không bao lâu nữa cũng rời xa mái trường cấp III thân yêu để bước vào cánh cổng trường đại học với bao mơ mộng và hoài bão. Con đường mẹ và tôi đi qua đã dài tới nhường nào rồi?

Tú Lệ ơi! Hôm nay trời trở gió/ Khau Phạ buồn, nắng tắt giữa đèo mây/ Quê mình đẹp không chỉ bởi rừng cây/ Từng hạt gạo bao người dân lam lũ.

Quê nội tôi ở xa, năm nào không về quê nội ăn tết thì cả nhà tôi lại cùng sum vầy ở nhà bà ngoại để ăn bữa cơm tất niên.

YBĐT - Thấp thoáng đằng xa, bóng hình nhỏ của một cậu bé chừng 10 tuổi, đôi vai mỏng manh, cõng trên đó những thứ nặng ngoài sức vóc của em. Hình ảnh đó, mỗi lúc một gần hơn trong đôi mắt của tôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục