Gửi chú yêu yêu của cháu!

Người bạn đặc biệt

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/3/2014 | 2:58:49 PM

Có lẽ khi đọc những dòng này, chú sẽ ngạc nhiên lắm, vì những điều cháu viết dưới đây chưa bao giờ cháu nói với chú. Có thể là vì cháu bướng bỉnh, cũng có thể vì cháu còn e ngại, ngại sợ chú “biết tỏng” cháu rồi sẽ chọc quê cháu mất.

Dù là chú cháu họ nhưng mãi đến khi học lớp 10 cháu mới gặp chú nhỉ. Vì lí do “địa lí” ý mà. Khi mới biết về mối quan hệ họ hàng “xa tít mù khơi” của chú cháu mình, cháu đã rất hí hửng vì nghĩ sẽ có thêm một người chiều chuộng cháu đấy. Nhưng mà, ai ngờ chú cháu mình nói chuyện được vài câu là lại đấu khẩu. Có lẽ vì chú chỉ hơn cháu một tuổi, cái tính trẻ con cộng với sự ngang ngạnh, bướng bỉnh của cả hai đứa nên không dung hòa được chăng? Nhiều trận khẩu chiến diễn ra nảy lửa đã từng khiến cháu nghĩ sẽ “cạch xít” không chơi với chú nữa đấy (lại giận dỗi trẻ con).

Chú làm cháu tốn rất nhiều calo khi mà cứ phải hét lên để tranh luận với chú, mất công đứng chặn chú ở cửa lớp, hay chạy vòng vòng quanh sân trường như chơi mèo đuổi chuột (cháu nhận là mèo rồi, còn chú là con chuột cống hôi xì).

Nhưng nếu cháu “đánh mắt” nhìn chú ở nhiều góc độ khác thì cũng không hẳn là chú toàn tính xấu (liếc lác cả mắt mới soi thấy điểm tốt của chú đấy). Dù hay chành chọe nhưng khi cháu buồn, chú lại thật quan tâm đến cháu. Khác hẳn với thái độ ương bướng thường ngày, những lúc như thế chú thật hiền, hỏi han cháu như “người lớn” thực sự, lại an ủi bằng chất giọng ấm áp “đàn ông” lắm. Vì thế mà đã xua đi nỗi buồn lạnh lẽo trong tâm hồn cháu chăng? Hay là vì cháu quá đỗi ngạc nhiên về hình tượng mới lạ của chú mà quên cả buồn nhỉ? Chính cháu cũng chưa tìm được nguyên nhân chính thức.

Rồi chú cháu mình đăng ký cùng một môn thi học sinh giỏi. Vì thế mà thời gian cháu “bám càng” chú nhiều hơn. Chú cháu mình cùng chơi, cùng học, trao đổi bài tập. Tần suất của những pha tranh luận cũng tăng lên nhưng có lẽ đã giảm về mức độ. Vẫn chí chóe như ngày mới quen nhưng cháu bắt đầu quý chú hơn và chợt nhận ra hình ảnh về chú trong mắt cháu cũng dần thay đổi.

Chú là chiếc gối ôm để cháu tựa vào ngủ ngon lành ngay cả khi ngồi trên xe ô tô lắc lư; là chiếc áo ấm áp cho ngày đông giá rét, là chiếc ô tiện lợi khi trời đổ mưa; là đứa trẻ hiếu động, cứ trêu chọc để cháu hét ầm lên mách bố. Chú còn rất ngang ngạnh nữa (giống cháu) khi mà lớp học của hai đứa chỉ cách nhau một cái cầu thang, nhưng không ai chịu “cuốc bộ” vài bước chân sang lớp kia chơi, cuối cùng phải chọn chính cái cầu thang ấy làm trung tâm “buôn dưa lê, bán dưa chuột”.

Chú là đôi chân của cháu khi cháu nhõng nhẽo đòi cõng, là thầy giáo khó tính mỗi lần giảng bài, còn hay cốc vào đầu cháu nói cháu chậm hiểu.
Với cháu, chú còn là một người bạn thật đặc biệt. Là người luôn quan tâm, lắng nghe cháu. Bên chú, dường như cháu là một cô bé được yêu thương, chiều chuộng hết mức. Được chú gọi là “mèo con” đầy ấm áp, được ngủ ngon lành vì đã có chú trông muỗi cho, còn được chú bênh vực mỗi lần cháu bị người khác bắt nạt…

Có thể cháu là đứa không giỏi trong việc bày tỏ tình cảm, cháu cũng không thể bỏ đi sự ngang ngạnh để chấm dứt những lần chành chọe với chú. Thế nhưng trái ngược lại với khuôn mặt khó chịu khi cháu nhìn chú thì tận đáy lòng mình cháu quý chú lắm đấy. Giống như cái tên mà cháu vẫn gọi chú thường ngày: Chú yêu yêu ạ.

Nguyễn Ngọc Phương Mai (Lớp 11a1, Trường THPT Chu Văn An, Văn Yên)

Các tin khác
Nhớ chị!
(Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Mùa xuân đầu tiên chị vắng nhà/ Tết năm rồi mẹ không còn gói bánh/ Đêm giao thừa ba thở dài thườn thượt/ Nhắc nơi xa chắc chị cũng nhớ nhà...

Mẹ là nông dân.
(Ảnh: Thanh Miền)

Nơi xa, một ngày thương nhớ! Gửi mẹ! Những cơn gió lạnh len lỏi từng ngõ ngách tâm hồn con. Lạnh và chợt nhớ mẹ quá!

Chiều về. (Ảnh: Hoàng Đô)

Rất lâu rồi tôi chưa gặp lại thầy. Trong tưởng tượng của tôi, mái tóc hoa râm của thầy chắc đã nhuộm màu thời gian, vầng trán cao của thầy chắc sẽ có nhiều vết nhăn, vệt chân chim nơi đuôi mắt chắc là sâu nhưng đôi mắt thầy chắc chắn vẫn đong đầy tinh thần của đôi mắt “biết cười” ngày xưa ấy.

Đường cày của ba.
(Ảnh: Xuân Tình)

Ba và mẹ là những người sinh ra chúng ta, cho chúng ta đến với cuộc sống và dạy chúng ta cách làm người. Ba và mẹ cũng chính là người đặt những “viên gạch” nền móng đầu tiên để cho chúng ta theo đó có thể xếp tiếp các viên gạch của cuộc đời mình một cách đúng đắn, không lệch lạc hay bỏ trống một lỗ hổng nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục