Ông lão bán kẹo “cô tiên"

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/1/2015 | 2:55:51 PM

Dạo gần đây, ở trường tôi xuất hiện một ông lão bán kẹo bông vô cùng đặc biệt. Tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn đạp chiếc xe đạp cùng với chiếc máy làm kẹo bông cũ kĩ của mình đến cổng trường chúng tôi bày hàng ra bán.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, hàng kẹo của ông ngày càng đắt khách, rồi dần dần không ai trong trường là không biết đến ông lão có khuôn mặt phúc hậu này. Ông bán kẹo với giá phải chăng, chỉ 10.000 đồng cho một chiếc kẹo bông vừa to lại có màu hồng rất dễ thương. Mùi vị của chiếc kẹo rất lạ.

Đặc biệt, mùi thơm cộng với vị ngọt sắc của đường đã tạo nên một chiếc kẹo mà khi cho một miếng vào miệng cứ như thể cả thế giới đang tan chảy trong miệng, vị ngọt dịu, thanh thanh từ đầu lưỡi xuống đến tận cuống họng. Tuy tôi đã được ăn kẹo bông nhiều lần nhưng chưa có cái kẹo nào mà tôi lại cảm thấy mùi vị của nó đặc biệt đến vậy.

Có lẽ chính vì mùi vị đặc biệt này và cũng vì chính người làm ra nó mà chúng tôi cũng đặt cho nó một cái tên đặc biệt không kém - kẹo bông "cô tiên". Đối với chúng tôi, ông lão giống như một ông Bụt, ông Tiên đang làm phép biến những viên đường nhỏ thành những chiếc kẹo bông xinh xắn bồng bềnh như mây.

Hôm nào đắt khách, ông lại giảm giá cho chúng tôi, có khi chiếc kẹo ông làm ra bán cho chúng tôi chỉ 7.000đ/chiếc. Ở trường chúng tôi ai cũng mến ông. Cứ mỗi khi tan học hay đến trường là chúng tôi lại rồng rắn kéo nhau vào hàng của ông vừa để xem ông làm kẹo bông vừa trò chuyện với ông để gần gũi và hiểu ông hơn. Chúng tôi được biết, ông không có con cái, một thân một mình kiếm sống qua ngày nên chúng tôi thương ông lắm. Lớp tôi bàn với nhau ngày nào cũng mua kẹo "cô tiên" để ủng hộ ông. Có đứa còn đề ra ý tưởng sẽ ăn sáng bằng kẹo "cô tiên" nữa.

Chuyện cứ như vậy cho đến một hôm Hoàng "béo" đến lớp loan tin ông bão bán kẹo bị lao phổi. Cả lớp nhao tới, cái Hoa lớp trưởng hỏi:

- Sao cậu biết?

- Ờ... thì gần đây ông lão chuyển đến xóm mình ở. Mỗi tối đi chơi về qua nhà ông lão là mình lại nghe thấy tiếng ông ho sặc sụa, nghe mà khiếp. Có lúc mình còn thấy ông lão ho ra cả máu cơ đấy - Hoàng dõng dạc trả lời.

- Mà mình nghe nói bệnh này lây ghê lắm đấy. Nghe là lây qua đường hô hấp. Ai mà nói chuyện với ông ấy chưa biết chừng có ngày bị lây. Ông ấy mà ho là truyền bệnh như chơi, có khi ông ấy vừa làm kẹo bông vừa ho vào đấy rồi bán cho tụi mình ăn cũng nên  - Giang "còi" cũng xen vào.

- Eo ơi! Thế thì kinh quá!

Tụi lớp tôi khiếp sợ bảo nhau từ nay không mua kẹo của ông lão nữa. Tin này nhanh chóng lan sang các lớp khác. Vậy là ông lão dần vắng khách. Có hôm, tôi và mấy đứa đi qua thấy ông ngồi một mình buồn chán chẳng buồn mời chào khách. Chúng tôi thấy thương góp tiền vào mua ủng hộ ông. Mấy ngày sau, chúng tôi không thấy ông đâu nữa, cũng chẳng biết ông đi đâu bán.

Một tối, bố rủ tôi đi chơi hội chợ đêm. Hai bố con ra chợ định ghé vào một hàng phở gần đó ăn cho đỡ đói chợt có tiếng mắng nhiếc thậm tệ:

- Nhanh lên rồi đi đi cho khuất mắt.

Tôi và bố chạy ra. Trời! Đó chính là ông lão bán kẹo bông tay run run nhặt những chiếc chai lọ nhựa trước một quán cơm. Có lẽ ông đã chuyển sang nhặt ve chai. Tự nhiên tôi thấy mình có lỗi và thương ông quá. Bố tôi thì thở dài:

- Trên đời này vẫn còn những người khổ cực như vậy sao? Rồi bố đưa cho tôi mấy đồng bảo tôi ra cho ông. Tôi không ngần ngại chạy lại dúi vào tay ông:

- Cháu cho ông này!

Ông lão run rẩy trả lời:

- Cảm ơn cháu, thật phúc đức quá!

Chẳng hiểu sao tôi lại nói thêm:

- Ông ơi, mấy ngày nay ông đi đâu thế? Sao ông không về trường cháu bán kẹo "cô tiên" nữa? Bọn cháu đứa nào cũng thèm cái vị ngọt, thơm của kẹo do ông làm đấy!

Bố tôi chẳng hiểu sao tôi lại nói như vậy. Còn ông lão nghẹn ngào trả lời tôi:

- Ế ẩm lắm cháu ạ. Chả ai mua mà bán.

- Ông cứ bán đi, cháu nhất định sẽ mua. Không, cháu sẽ rủ cả lớp cháu cùng mua nữa - nói đến đây, tôi bắt đầu thấy sống mũi cay cay. Ông lão không trả lời gì, lắc đầu rồi ra đi.

Về nhà, bố hỏi chuyện, tôi kể hết sự thật cho bố nghe, nào ngờ bị bố tôi mắng cho một trận. Bố bảo chỉ vì một lời đồn không rõ "đầu cua tai nheo" mà làm hại đến một con người vô tội. Bố tôi còn nói nhiều nhiều nữa. Hôm sau, tôi đến lớp kể cho tụi nó nghe, đứa nào cũng bùi ngùi xúc động. Cái Hoa liếc mắt nhìn Hoàng béo. Cả lớp cũng đổ dồn nhìn về nó:

- Hoàng! Tất cả lỗi của cậu. Bây giờ cậu phải chịu trách nhiệm.

- Đâu liên quan tới mình - Hoàng ấp úng - là mình nghe người ta nói vậy chứ…

- Vậy mà cậu dám loan tin cho cả lớp chắc như đinh đóng cột vậy à? Thật tội nghiệp cho ông lão.

- Mình xin lỗi! -  Hoàng nói với giọng ăn năn.

Tôi ra can giải chúng nó, giải thích cho chúng nó đây không phải là lúc truy cứu trách nhiệm, tất cả chúng tôi đều có lỗi. Chúng nó hỏi tôi thế sao không năn nỉ giữ cho được ông ấy ở lại? Bây giờ thì làm sao? Chắc phải chờ cho đến lúc gặp được ông. Chúng nó bảo nhau nếu gặp ông ở đâu là phải nài cho bằng được ông về. Tên Hoàng nhanh nhẹn bảo: "Nhớ nói Hoàng "béo" thèm kẹo "cô tiên" của ông lắm rồi!". Còn tôi, tôi cũng mong mình sớm gặp lại ông lão bán kẹo "cô tiên" để nói những lời nhắn của chúng nó rằng: "Chúng cháu nhớ kẹo "cô tiên" của ông lắm!".

 Nguyễn Thị Mỹ Linh (Lớp 11B7, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên)

Các tin khác
Lưu bút tuổi học trò. Ảnh: Lê Trung Kiên

Tuổi học trò, biết bao điều để mãi không quên!

Bay lên những ước mơ!
Ảnh: Hoàng Đô

Tuổi 18 - cái tuổi mà những đứa trẻ trâu như chúng tôi phải tự nhận là mình đã lớn. Thực ra, tôi không muốn chút nào, tôi không hề muốn lớn nhưng trái lại, tôi lại phải thừa nhận nó, bởi trong tôi lúc này cũng đang ươm mầm một giấc mơ, mà cái giấc mơ này chỉ có những “người lớn” mới thực hiện được nó.

Khi con cất tiếng khóc đầu tiên, hạnh phúc vỡ òa trong mẹ. Niềm vui tràn ngập khắp ngôi nhà nhỏ bé. Theo thời gian, con lớn dần… Cha trao cho con yêu thương, dạy con cách sống… Cha với đôi vai vững chắc đưa con đến thật nhiều nơi xa lạ. Con mang theo yêu thương của cha và rồi con đã lớn…

Niềm vui bên bạn bè. (Ảnh: Hoàng Đô)

Mùa đông là mùa mà cô bé Vy thích nhất. Sáng sớm, mở cửa ra là một màn sương trắng muốt bao phủ. Cây xanh cũng được vây quanh bởi sương. Phải đến tầm 7h sáng mới thấy một vài ánh sáng le lói, yếu ớt chạm xuống mặt đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục